Trong phiên thảo luận sáng 29/10 tại Quốc hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội đề cập tới 2 thách thức trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Đại biểu Mai cho rằng đầu tư công vẫn dàn trải, tổng mức đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án, nhưng hiện nay, ở nhiều địa phương, số lượng dự án dở dang, thiếu vốn là rất lớn. Với nguồn trái phiếu Chính phủ, 64 tỉnh thành phố đều được phân bố dự án từ nguồn 260.000 tỷ đồng.
Nữ đại biểu thành phố Hà Nội thẳng thắn: "Hiếm ở quốc gia nào, có phương pháp phân bổ như Việt Nam, đó là mỗi tỉnh, thành phố có một dự án... Mong muốn của các địa phương là chính đáng, nhu cầu là cần thiết, nhưng nợ công, bội chi lớn, bắt buộc chúng ta phải lựa chọn tập trung, không dàn trải.
Công bằng là nguyên tắc quan trọng nhưng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa là chỉ một số dự án, địa phương được chú trọng. Cần một trật tự ưu tiên phù hợp với tính cấp thiết tại từng thời điểm, có lộ trình dần dần hoàn thành bức tranh đầu tư công trên phạm vi toàn quốc".
Bà Mai đưa ra dẫn chứng, tại Australia, năm 2018, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ tập trung cho 4 dự án; còn ở Hàn Quốc trong số hơn 20 dự án cao tốc thì có 15 dự án là thành phần kinh tế tư nhân.
Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội còn đặt dấu hỏi về khả năng đánh giá hiệu quả chung cho các dự án đầu tư công.
"Ở Việt Nam, nếu làm một phép chia cơ học tổng số nguồn lực cho số lượng các dự án đầu tư thì thấy mong muốn có những dự án quy mô lớn là rất khó khăn... Hiệu quả đầu tư có thể là hữu hình hoặc vô hình. Theo báo cáo của Chính phủ, số lượng dự án hoàn thành rất lớn.
Tuy nhiên, xét về góc độ kết quả đầu ra, hiện nay, chưa có báo cáo khẳng định tất cả dự án hoàn thành đều mang lại hiệu quả thiết thực. Trong hàng nghìn công trình, có bao nhiêu công trình hiệu quả cao, thấp hay chưa hiệu quả. Chúng ta hiện nay chưa có câu trả lời chính xác... Khâu đánh giá hiệu quả sau đầu tư chưa được quan tâm, thiếu vắng quy định về trách nhiệm sau đầu tư, quy định về tiêu chí sau đầu tư".
Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng, báo cáo Chính phủ cần thống kê vừa qua bao nhiêu dự án đầu tư công hiệu quả, dự án nào thua lỗ...
Từ đó, ông Phương cho rằng cần xác định trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm, tránh thất thoát vốn Nhà nước.
Bình luận