• Zalo

Hiểm nguy 'nghệ sỹ' mưu sinh nơi đường phố

Thời sựThứ Bảy, 27/07/2013 08:07:00 +07:00Google News

Cuộc mưu sinh về đêm tại các quán nhậu, cà phê của các “nghệ sĩ” ở các con phố lớn của những khu đô thị lớn rất đa dạng và cũng đầy nguy hiểm.

Cuộc mưu sinh về đêm tại các quán nhậu, cà phê của các “nghệ sĩ” ở các con phố lớn của những khu đô thị lớn rất đa dạng và cũng đầy nguy hiểm.

Xưa rồi kiếp cầm ca

Trời nhá nhem tối, nhiều quán nhậu, cà phê đã đầy ắp tiếng cười đùa, tiếng cụng ly chan chát của những thực khách. Đồng hành cùng với họ là những thanh niên hát karaoke, em bé múa lửa, người nuốt kiếm, biểu diễn với rắn… để kiếm từng đồng bạc lẻ.

Vào thập niên 80 – 90, nếu bạn ngồi một quán nhậu lề đường ở những thành phố lớn, chắc hẳn bạn gặp cảnh một cụ già ôm đàn ghita, đi trước là một đứa bé tay nón lê la khắp quán nhậu, đó chính là những người dùng lời ca tiếng hát của mình để mưu sinh quanh những quán nhậu đường phố.

Ngày nay hình ảnh đó đã được thay đổi bằng những thanh niên ăn mặc theo phong cách của ca sĩ nổi tiếng hay là các anh chàng pê đê khoác lên mình quần áo của nữ giới đầy khêu gợi. Giọng ca của họ chỉ là thứ yếu, cái chính là họ dùng dung nhan đã “qua dao kéo”, uốn éo lượn lờ để mời khách mua kẹo singum hay là cây kẹo kéo.

Một màn trình diễn đặc biệt, “cô gái” bắt đầu cởi áo ngoài hoặc chỉ mặc bikini sau những động tác giật lắc mình chỉ có trong vũ trường. “Cô gái” lấy xăng vẽ vòng tròn trên mặt đất, châm lửa cháy phừng phừng lên khiến một vài người đi ngang qua hoảng hốt sau đó “cô gái” dùng chính ngọn lửa đó chà xát lên thân thể mình. Sau màn biểu diễn “cô gái” cầm kẹo kéo đến từng bàn nhậu mời thực khách mua. Cô gái biểu diễn đó là một đực rựa có tên Hùng, quê ở Vĩnh Long. Hùng tâm sự: “Do ở quê không có việc làm nên tụi em lên đây bán kẹo kiếm sống. Hồi đầu, em đi hát nhưng hát dở quá không bán được kẹo. Em phải mượn người thân hơn chục triệu đồng để bơm silicon cho đôi “bồng đảo” rồi đi học thêm vài chiêu múa lửa để phục vụ khách”.

Khi được hỏi kiếm đủ sống không thì Hùng cho biết, sau khi trừ mọi chi phí thì mỗi người cũng kiếm được cỡ hai trăm ngàn mỗi ngày. Công việc này không có tương lai nhưng hiện tại cũng giúp Hùng có được cuộc sống qua ngày.

Xiếc dạo


Khi muốn xem chương trình ca nhạc tạp kỹ bạn phải bỏ tiền ra mua vé, thậm chí bạn phải bỏ vài trăm nghìn. Nhưng nếu bạn có thú vui ngồi quán nhậu vỉa hè bạn sẽ được xem những tiết mục tạp kỹ thú vị hơn ngồi xem ở sân khấu.

Trong những pha biểu diễn xiếc dạo, mọi người cảm thấy ớn lạnh nhất chính là nuốt kiếm và nuốt dao lam. Chiến – một người biểu diễn xiếc với các trò nuốt rắn, nuốt dao lam, đã phải vào bệnh viện vì thủng thực quản khi biểu diễn. Khi chọn nghề biểu diễn xiếc thì người biểu diễn phải chấp nhận đối mặt với những nguy hiểm, có điều đó chỉ sảy ra với những người lão luyện kinh nghiệm họ luôn có những chiêu thức phòng ngừa tai nạn cho mình.

Tai nạn của Chiến là do khán giả quá say xỉn gây ra. Trong một lần Chiến biểu diễn tại một lễ cưới, mở đầu là các màn nhai than đỏ lửa, nuốt rắn. Dưới sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, Chiến quyết định kết thúc bằng màn nuốt kiếm. Lưỡi kiếm sáng loáng được Chiến đưa dần vào miệng, cắm sâu qua cổ họng, xuống lồng ngực. Tất cả những người chứng kiến nín thở theo dõi.

Bất chợt từ dưới sân khấu, một vị khách ngà ngà say lao thẳng về phía Chiến. Sau cú đẩy mạnh, Chiến nhanh tay rút được thanh kiếm ra ngoài tránh mất mạng nhưng cũng khiến anh bị thủng thực quản. Nhưng điều đó không ngăn cản được việc Chiến tiếp tục biểu diễn bởi theo anh chia sẻ, vì miếng cơm manh áo nên phải liều thôi.


Trong những người làm xiếc dạo có một cậu bé tên Phúc tầm khoảng 9 – 10 tuổi bận đồ võ sỹ. Câu chuyện biểu diễn trò múa lửa và ngậm lửa. Tiếp xúc với Phúc được biết, cậu bé đang sống với ông bà ngoại và phải đi kiếm tiền phụ giúp ông bà. Cậu đã biểu diễn múa lửa gần 4 năm, một đêm kiếm 600.000 – 700.000 đồng, bắt đầu từ 5h chiều đến hơn 1h sáng hôm sau. Chọn nghề biểu diễn múa lửa nên miệng cậu lúc nào cũng đen sì, nét mặt của cậu bé dường như già trước tuổi.

Nhảy sexy trên đường phố


Vừa ca hát vừa bán kẹo kéo không còn thu hút được dăn ăn nhậu nên những người hát rong đã chuyển sang những màn nhảy bốc lửa hay còn gọi là múa sexy thu hút cánh mày râu phải là một cô gái chính cống và tiêu chuẩn ngoại hình phải thực sự hấp dẫn.

Những bậc mày râu đang chén chú chén anh cũng phải ngừng lại bởi tiếng nhạc vũ trường nổi lên cùng với một cô gái ăn mặc mát mẻ, uốn éo thoe tiếng nhạc. Các đấng mày râu mặt đỏ au vì rượu, bia đều mở to đôi mắt nhìn và luôn miệng xuýt xoa.

Quả thật nói không ngoa khi khen một cô gái có bộ ngực căng tròn với chiếc áo cố tình hớ hênh khiến cánh đàn ông muốn chảy nước dãi. Giọng cô khá ngọt ngào qua chiếc micro gắn trên chiếc xe chở kẹo kéo. “Em xin chào mấy anh, hôm nay em xin được phép được phục vụ vài điệu nhảy sôi động và mong được mấy anh thương em như em út vất vả, mua ủng hộ vài cây kẹo kéo”.


nghệ sỹ đường phố, vũ nữ đường phố, xiếc dạo
Thiếu nữ nhảy, giật lắc mình chỉ có trong vũ trường.

Quả thật, không anh nào lại nỡ lòng từ chối mua giúp vài cây kẹo và không quên tranh thủ “vuốt ve” cô em “vũ nữ đường phố” đó. Khi đã giúp đỡ cô bằng cách mua vài cây kẹo kéo và mời cô ngồi chơi nói chuyện, sau vài ly bia cô bắt đầu cởi mở hơn và chia sẻ với chúng tôi: Cô đã từng là PG (Promotion Girl) ở quán bar khá nổi tiếng tại Sài Gòn.

“Nhưng trong giới PG đào thải rất cao, em làm ở vũ trường đâu có lương, mà còn phải nộp phí vào “sàn”, còn phải lấy lòng quản lý để được xếp bàn. Mà bọn quản lý lắm chiêu trò lắm. Nó muốn gì thì mình phải chiều, thậm chí “lên giường”. Vì có nhiều PG quá nên phải tranh giành. Tiền kiếm ra nhiều nhưng cũng bấp bênh, tủi nhục lắm. Từ ngày rộ lên nhảy dance bán kẹo kéo, tính ra tiền kiếm đều đều mà cũng đâu phải ít. Đã gọi là “đào” rồi thì sợ gì thiên hạ ngó mình hả mấy anh”, cô chua xót nói.


Những phận đời mưu sinh


Ngoài đội ngũ nghệ sĩ đường phố tham gia cuộc sống về đêm còn có những người bán đồ ăn vặt phục vụ cho dân nhậu như: bánh tráng nướng, xoài, cóc, đậu phông… Những món ăn vặt chẳng đáng là bao nhưng đã giúp không ít người kiếm được tiền chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày.

Cô Oanh, cô Loan lặn lội từ Bình Định vào Sài Gòn bán bánh tráng đã được gần 12 năm. Sáng ra các cô dậy thật sớm, chuẩn bị hàng rồi lại đem bán khắp Sài Gòn cả ngày, đến đêm thường tụ tập ở công viên hoặc khu chợ Cầu Muối, đường Nguyễn Văn Cừ… để bán cho khách nhậu khuya. Bà Nguyễn Thị Lượng, quê ở huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, nhanh nhẹn lách qua những dãy bàn kê san sát nhau để đáp ứng nhu cầu ăn vặt của thượng đế. Những món quà chỉ ít nhưng nó đã giúp bà Lượng nuôi 2 đứa con đang học ở thành phố này.

Từ khi cô con gái thứ tư vào Sài Gòn học đại học cách đây 3 năm, bà cũng khăn gói vào đây bươn chải mưu sinh với nghề bán rong. Đêm đêm, bước chân trước kia chỉ quen ruộng đồng của bà nay đi khắp những nẻo đường phố thị với tiếng chào mời nghe thật ngọt. Rồi cô con gái út cũng nối gót chị vào đại học, bước chân của bà tất tả hơn, bà nán lại những quán nhậu khuya hơn và thúng quà vặt cũng thêm trĩu nặng.

Ở các quán nhậu, còn nhiều người mẹ nghèo như bà Lượng vẫn luôn tất bật để kiếm thêm chút tiền. Vừa đặt rổ đựng hàng xuống cạnh vỉa hè gần một quán nhậu, bà Thu (56 tuổi, quê Quảng Ngãi) vuốt lại những đồng tiền lẻ và tranh thủ mua bánh mì ăn để lấy tiếp sức đi bán tiếp.

Cuộc sống mưu sinh là vậy, tuy vật chất khó khăn nhưng họ vẫn còn đó những hy vọng, ước mong lo cho con cái được no đủ.



Theo TT & ĐS
Bình luận