Chế ma tuý từ viên thuốc cảm
Theo Cục CSĐTTP về ma túy - Bộ Công an, liên tục trong thời gian gần đây, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ 13 vụ việc liên quan đến việc lạm dụng tiền chất PSE (pseudoephedrine) có trong thuốc cảm cúm để sản xuất ra Methamphetamine, một loại ma túy tổng hợp, hay còn gọi là “ma túy đá”: Hà Nội 5 vụ, TP. Hồ Chí Minh 5 vụ, Yên Bái 1 vụ, Thái Bình 1 vụ và Thanh Hóa 1 vụ…Cần kiểm soát chặt việc bán thuốc cảm chứa tiền chất PSE
Đây là tụ điểm điều chế thuốc lắc đầu tiên ở Hà Nội bị cơ quan Công an phát hiện, triệt phá. Cầm đầu đường dây là đối tượng Đinh Văn Bích trú tại Lạng Sơn. Trước khi về Hà Nội mở lò điều chế thuốc lắc, Bích cũng từng tổ chức sản xuất trái phép ma túy “đá” Methamphetamine tổng hợp (MTTH) ở Lạng Sơn. Cuối năm 2010, Bích cùng đồng bọn rời điểm sản xuất ma túy từ khu vực biên giới, về phường Ngọc Thụy, quận Long Biên.
Rạng sáng 20-9-2010, Công an bất ngờ ập vào ngôi nhà Bích thuê thì phát hiện và thu giữ 3 túi caffein; 2 túi ketamin; 3 viên MTTH có hình ngôi sao; 1 hộp sắt bên trong có 25,9 gam hỗn hợp Ketamin và MDMA; 5 thanh kim loại hình trụ có logo ngôi sao và chữ “S”…
Đây là tụ điểm điều chế, sản xuất MTTH đầu tiên ở Hà Nội bị phát giác. Đến nay, cả 4 đối tượng tượng trong vụ án đã bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi sản xuất trái phép chất ma túy…
Mới đây, Cục C47, Bộ Công an phối hợp với Công an Thanh Hóa triệt phá điểm sản xuất ma túy tổng hợp tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa do vợ chồng Lê Sỹ Thiệu và Lê Thị Thanh cầm đầu. Hoạt động của nhóm tội phạm này rất tinh vi. Chúng thuê một cửa hàng ở phố Trần Hưng Đạo, TP Ninh Bình để làm thẩm mỹ viện.
Thực chất đây chỉ là địa điểm để vợ chồng Thiệu - Thanh mua gom các loại tân dược chứa tiền chất Preudoephedrin HCL (PSE) rồi chuyển về Thanh Hóa để điều chế thành ma túy tổng hợp. Khám xét xưởng điều chế này, cơ quan công an đã thu giữ được 40gram ma túy tổng hợp thành phẩm dạng Metamphetamine dạng kết tủa, hơn 90kg thuốc chuyên điều trị cảm cúm TIFFY đã được bóc rời và 9 thùng thuốc TIFFY nguyên đai nguyên kiện cùng nhiều dụng cụ như máy rung, bếp đun, ống thủy tinh, tờ giấy ghi công thức chiết xuất phục vụ cho hoạt động điều chế.
Cơ quan Công an bắt giữ một vụ điều chế ma tuý từ thuốc cảm. (Ảnh minh hoạ) |
Đáng lo ngại khi ước tính, 1 kg PSE có thể sản xuất được 6 lạng ma túy tổng hợp. Chỉ cần bỏ ra 2 triệu đồng tiền mua gom thuốc cảm cúm, là có thể sản xuất được lượng ma túy tổng hợp giá trị khoảng 25 triệu đồng.
PSE có cấu tạo phân tử gần giống với Methamphetamine (ma túy tổng hợp, ma túy “đá”, thuốc lắc) nên dễ bị lợi dụng để sản xuất Methamphetamine (PSE là tiền chất để sản xuất Methamphetamine).
Dư luận một lần nữa dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế trong việc quản lý, cấp phép cho các đơn vị sản xuất thuốc tân dược trong nước nhập khẩu tiền chất ma túy PSE.
Những con số đáng lo ngại
Tháng 9/2011, 7 doanh nghiệp sản xuất dược phía Nam đã đồng loạt ký đơn kiến nghị gửi Bộ Y tế đề nghị xem xét lại quy trình quản lý cấp phép nhập khẩu tiền chất ma túy PSE của Cục Quản lý Dược khi số lượng tiền chất PSE được cấp phép nhập khẩu tăng đột biến trong thời gian ngắn.
Theo thống kê, trong năm 2009 có 45 doanh nghiệp sản xuất thuốc được phép nhập khẩu tiền chất PSE với tổng số sử dụng là 15.681,92kg. Trong đó, đơn vị sử dụng nhiều nhất là Công ty United Pharma Việt Nam với 3.689,34kg; Công ty TNHH liên doanh Thai Nakhon số lượng 2.938,85kg; Công ty TNHH DP Shinpoong Deawo 1.449,05kg.
Những đơn vị sử dụng ít nhất là Công ty BV Pharma chỉ với 0,03kg và Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây là 0,50kg. Nhưng đến năm 2010, tổng số lượng sử dụng nhiều gấp gần 1,5 lần năm 2009 (tương đương 21.000,19kg). Trong đó, Công ty Thai Nakhon vẫn sử dụng với số lượng 4.377,85, Công ty United Pharma Việt Nam 2.285,01kg và Công ty BV Pharma đã sử dụng đến 323,93kg.
Theo kết quả thanh tra ngày 3/1/2012 của Thanh tra của Bộ Quốc phòng đối với Xí nghiệp dược phẩm 30 - Công ty TNHH MTV Đông Hải thuộc QK7 là đơn vị đã mua 51.736.600 viên thuốc có tiền chất PSE của Công ty BV Pharma với số tiền hơn 11,6 tỷ đồng, trên tổng số 34 hóa đơn được lập từ ngày 28/2/2011 đến ngày 19/8/2011. Kết quả của thanh tra cho thấy chỉ có 5 trên tổng số 34 hóa đơn gồm các số 20801; 20910; 22310; 22478; 20968 với tổng số 4.930.700 viên thuốc là có thực việc nhập, xuất kho tại Xí nghiệp dược phẩm 30.
Số hóa đơn còn lại với gần 46.805.900 viên thuốc chỉ là xuất nhập khống để hợp thức hóa hồ sơ chứng từ. Vậy số lượng thuốc chứa tiền chất ma túy PSE có trong những viên thuốc “ma” này đã đi đâu. Điều này cho đến này vẫn còn là một ẩn số đối với các cơ quan chủ quản có trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý mặt hàng tân dược này.
Trước thực trạng cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký cho các thuốc có chứa tiền chất PSE gia tăng bất hợp lý, trong lá đơn kiến nghị của gửi tới Bộ Y tế, 7 doanh nghiệp sản xuất dược phía Nam đã đề cập nội dung cần làm rõ trách nhiệm của các Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế có chức năng chính trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó ngày 14/12/2011, Công ty Cổ phần dược phẩm Imexpharm (tỉnh Đồng Tháp) và Công ty TNHH liên doanh Stada Việt Nam (huyện Hóc Môn, TP.HCM) là 2 trong số 7 doanh nghiệp đồng ký đơn đã bị cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện.
Nhưng sau gần 4 tháng điều tra, ngày 12/04/2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã buộc phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố hai vụ án nói trên do không đủ căn cứ.
Thu Thuỷ
Bình luận