(VTC News) - Vụ bé trai 5 tuổi trèo lan can tầng 15 và té ngã xuống đất tử vong một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo với các bậc cha mẹ.
Cha mẹ bất cẩn, trẻ gặp nạn
Thời gian qua, tại TP HCM đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, nguyên nhân từ lan can chung cư thiết kế không an toàn, cha mẹ lại bất cẩn.
Chiều 18/8, anh Phạm Quang Phương ngụ tại tầng 15, lô J của chung cư Bình Khánh (phường An Phú, quận 2, TP.HCM) ra khỏi nhà nên để bé Phạm Quang Thanh (5 tuổi) ở nhà một mình.
Trong thời gian này, bé Thanh đã trèo lên bàn học đặt gần khu vực lan can. Bé Thanh tiếp tục leo ra lan can để chơi đùa. không may, bé bị trượt chân dẫn đến té ngã xuống mặt đất.
Lô J của chung cư Bình Khánh (phường An Phú, quận 2,TP.HCM) nơi bé Thanh bị té từ tầng 15 xuống đất tử vong. |
Sau khi đón con trai đầu về anh Phương đi khắp nhà để kiếm bé Thanh nhưng không có. Khi người cha bước ra khu vực lan can thì phát hiện đứa con thơ đang nằm bất động dưới mặt đất, cách vị trí căn nhà hơn 50 mét.
Hoảng hồn người cha vội chạy xuống đất để bồng bế con đi bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp. Bé Thanh đã tử vong do chấn thương rất nặng.
Trước đó, vào ngày 7/12/2013, cũng vì sự bất cẩn của phụ huynh đã khiến bé Phạm Thế Đạt (4 tuổi) rơi từ tầng 7 chung cư Lý Thường Kiệt (phường 7, quận 11, TPHCM) xuống đất tử vong.
Khoảng 8h15, người dân sống trong chung cư Lý Thường Kiệt, đường Vĩnh Viễn bàng hoàng khi phát hiện một bé trai rơi xuống đất nằm bất động. Người dân báo cho công an, đồng thời chở bé đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau 40 phút cấp cứu với mọi nỗ lực, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy xác định bé Đạt đã tử vong.
Chung cư Lý Thường Kiệt (phường 7, quận 11, TPHCM) nơi bé Đạt bị té lầu dẫn đến tử vong |
Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường và xác định bé Đạt trong lúc vui chơi đã trèo qua lan can rồi té xuống đất. Khi tiếp đất, nạn nhân bị tổn thương não, phổi… dẫn đến tử vong.
Làm việc với công an, người dì ruột sống tại căn hộ trên tầng 7, chung cư Lý Thường Kiệt cho biết: Cha mẹ cháu Đạt đang công tác ở Mỹ, gửi cháu cho người dì này chăm sóc. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, người dì đi chợ, để cháu ở một mình. Bé Đạt đã ra ngoài lan can chơi và rơi xuống đất.
Chưa hết, vào cuối năm 2012, cũng xảy ra nhiều vụ trẻ ngã từ ban công tầng cao xuống đất tử vong. Trong đó có trường hợp bé H. (5 tuổi) ngã từ tầng 5 chung cư Ngô Gia Tự (quận 10, TPHCM), bé Đ. (4 tuổi) ngã từ tầng 9 ở chung cư 21 khu đô thị Pháp Vân (Hà Nội), bé L.A (4 tuổi) ngã từ tầng 15 chung cư Phú Mỹ Thuận (Nhà Bè, TPHCM), bé 4 tuổi ở khu đô thị bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội)…
Hiểm họa lan can 'rình rập'
Khảo sát của phóng viên VTC News tại một số chung cư, nhà dân tại TPHCM vào chiều 19/8 cho thấy, tại một số chung cư cũ thì lan can được xây dựng rất thấp, cao không tới 1m, thường xây kín bằng bê tông nên che khuất tầm nhìn. Còn các chung cư mới được xây dựng, tuy lan can có cao hơn nhưng độ an toàn cũng không hơn là mấy.
Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay nhiều gia đình sử dụng lan can bằng những thanh sắt ngang nên rất dễ kích thích sự hiếu động của trẻ. Trẻ bám vào lan can để trèo lên rất dễ dàng.
Lan can tại khu nhà tập thể số 137, trên đường Ngô Gia Tự (phường 2, quận 10). Phần lan can cao chưa đến 1m và được được thiết kế với những thanh sắt ngang tạo thành những bậc thang rất nguy hiểm |
Tại khu nhà số 137, đây là khu nhà tập thể có mặt tiền khá rộng nằm trên đường Ngô Gia Tự (phường 2, quận 10). Phần lan can cao chưa đến 1m và được được thiết kế với những thanh sắt ngang tạo thành những bậc thang.
Việc đảm bảo an toàn cho con trẻ dường như được các chủ hộ xem nhẹ. Các lan can với kiểu thiết kế những thanh sắt ngang tạo thành những bậc thang để lộ nhiều khoảng trống, tạo điều kiện để trẻ có thể leo trèo lên lan can dễ dàng trở thành mối ẩn họa khó lường.
Cũng trên tuyến đường Ngô Gia Tự, nhiều ngôi nhà cao tầng cũng có kiểu thiết kế lan can với những thanh sắt ngang tạo thành những bậc thang để lộ nhiều khoảng trống. Tương tự còn có các chung cư khác như chung cư Lý Thường Kiệt, đường Vĩnh Viễn, khu Bắc Hải...
Chung cư nằm bên góc giao lộ Ngô Thời Nhiệm- Nguyễn Đình Chiễu (quận 3) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Phần lan can của hầu hết các hộ dân đều được thiết kế với những thanh sắt ngang tạo thành những bậc thang để lộ nhiều khoảng trống.
Bên cạnh đó, nhiều lan can được các hộ dân đặt các chậu cây cảnh tuy nhiên không thắt, buộc chắc chắn nên gây nguy cơ hiểm họa cho người đi đường.
“Những lúc trời mưa to gió lớn tôi rất sợ đi qua khu vực dưới khu chung cư này. Chỉ cần gió thổi mạnh, chậu cây cảnh có thể rơi xuống vỉa hè gây họa cho người đi đường”- chị Hòa một người dân cho biết.
" Bẩy" nguy hiểm với một lỗ hở lớn trên cửa sổ, lan can |
Còn tại khu vực phố Tây Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) vốn được biết đến là khu vui chơi, giải trí bậc nhất Sài Gòn. Thế nhưng, nằm sau vẻ hào nhoáng của mặt tiền thì đi vào bên trong các con hẻm nhiều người không khỏi "rùng mình" với sự tồn tại của hàng chục nhà “ổ chuột” xập xệ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn sập đổ bất cứ lúc nào.
Đáng chú ý, tại nhiều con hẻm nằm trên đường Bùi Viên xảy ra tình trạng người dân cơi nới phần không gian bên trên đường hẻm để tạo thành những lan can. Lan can được xây dựng bằng gỗ mục nát nên nguy cơ đổ sập tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao, bên cạnh đó việc lấn chiếm diện tích làm lan can nhà đã biến khu dân cư chật càng thêm tối tắm hơn, khi xảy ra cháy nổ, công tác ứng cứu của lực lượng chức năng rất khó khăn
Những chậu cây cảnh được đặt trên lan can |
Một em nhỏ trèo lan can chơi đùa mà không có người lớn bên cạnh |
Phạm Nguyễn
Bình luận