Theo BS. Bùi Thị Hoa – Đại học Y Hà Nội, rau cần cũng giống như nhiều loại rau khác được trồng dưới nước như rau rút, rau muống, rau ngổ… dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn hay giun, sán, đặc biệt là sán lá ruột (Fasciolopsis buski).
Loại sán này thường có trong phân, phát triển mạnh ở các vùng nước ngọt như sông, hồ, ao, suối, mương hay đồng ruộng. Theo thời gian, loại sán này sẽ phát triển thành trùng lông, xâm nhập vào ốc chuyển sang dạng ấu trùng. Từ đó, ấu trùng sẽ nở thành rất nhiều ấu trùng đuôi rời ốc rồi xâm nhập vào các loại rau có đặc thù sống ở dưới nước, trong đó có rau cần.
“Con người, nếu ăn phải các loại rau có chứa ấu trùng chưa được nấu chín sẽ có nguy cơ bị nhiễm sán, rất nguy hiểm”, bác sĩ Hoa nói.
Cũng theo bác sĩ Hoa, con người khi nhiễm loại ấu trùng sán này sẽ có nhiều triệu chứng từ nhẹ tới nặng được phân chia thành các giai đoạn khác nhau.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ thấy dấu hiệu mệt mỏi nhiều, thiếu máu, sức lực giảm sút. Giai đoạn tiếp theo (toàn phát) bệnh nhân lâm tình trạng đau bụng từ âm ỉ tới dữ dội, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa kéo dài, đi ngoài phân lỏng, bụng trướng, thức ăn khó tiêu.
Vào giai đoạn cuối (nặng), người bệnh sẽ phù toàn thân, nặng nhất là mặt và chân. Bệnh nhân nhiễm sán cần phải được điều trị sớm, đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu kết hợp chữa trị hỗ trợ để nâng cao thể trạng, sức khỏe.
Nếu không được điều trị, bệnh sẽ càng nặng thêm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng.
Do vậy, bác sĩ Hoa khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ bị nhiễm ấu trùng giun sán, người dân cần tuân thủ tuyệt đối việc ăn chín, uống sôi, không ăn sống các loại rau thủy sinh như: rau muống, rau rút, rau cần hay rau ngổ.
“Các loại rau nên được nấu chín, đặc biệt là rau cần và các loại rau thủy sinh khác để phòng tránh nguy cơ nhiễm sán”, bác sĩ Hoa khuyến cáo.
Những ai không nên ăn rau cần?
Rau cần nước còn gọi là cần cơm, cần ống, hương cần, hồ cần..., tên khoa học là Oenanthe javanica (Blume), là một trong những loại rau thông dụng ở nước ta. Về thành phần hóa học, rau cần có chứa tinh dầu, acid hữu cơ, caroten, vitamin P, C, đạm, đường, canxi, phôtpho, sắt... Nghiên cứu dược lý cho thấy, loại rau này có tác dụng giảm ho, chống viêm, long đờm, kháng nấm, hạ huyết áp, giảm đường và mỡ máu.
Ngoài ra, theo y học cổ truyền, rau cần có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bình can, thanh nhiệt, trừ phong lợi thấp, nhuận phế, ngưng ho, sáng mắt, giảm áp suất máu… Tất cả các bộ phận của rau này đều có tác dụng chữa bệnh.
Tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn rau cần. Dưới đây là nhóm người không nên ăn rau cần để tránh mang họa:
Phụ nữ đang thời kỳ kinh nguyệt
Những phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt cần giữ cho máu trong cơ thể ở trạng thái nóng ấm. Rau cần có tính hàn, ăn vào sẽ bị kích thích và thay đổi về nhiệt độ làm máu lưu thông không tốt, gây nên hiện tượng đau bụng kinh.
Người mắc bệnh da liễu
Theo các chuyên gia, những người có tiền sử mắc các bệnh về da liễu như: vảy nến, dị ứng, tỳ vị hư, ngứa ngáy không nên ăn nhiều rau cần. Bởi thành phần của loại rau này có chứa arachidon – một dạng chất xúc tác gây ra phản ứng viêm tấy khiến các bệnh về da liễu lâu khỏi hơn.
Người huyết áp thấp
Trong Đông y, rau cần có tính thanh nhiệt, mát, có tác dụng hạ huyết áp. Do đó, những người bị huyết áp thấp cần tuyệt đối không ăn rau cần để tránh bệnh thêm trầm trọng.
Người bụng dạ yếu
Rau rần, rau rút, rau ngổ hay rau muống đều là những loại rau trồng dưới nước dễ bị nhiễm ấu trùng giun, sán. Ngoài ra, nếu được trồng trong môi trường ô nhiễm các loại rau này có khả năng bị nhiễm chất độc hại, người bụng dạ yếu ăn vào có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa.
Bình luận