Hôm 31/5, khi đến thăm đội tuyển Pháp trước trận giao hữu với Serbia, bà Bộ trưởng Thể thao Pháp Valerie Fourneyron chính thức thông báo rằng toàn bộ chính phủ mới của nước Pháp, bao gồm cả Tổng thống Francois Hollande, sẽ tẩy chay EURO 2012 ở Ukraine, để “bảo vệ những giá trị mà liên minh châu Âu cùng chia sẻ”. Nói trắng ra, các nhà lãnh đạo Pháp, cũng như Đức và một vài nước khác, tẩy chay Ukraine chỉ vì những tranh cãi quanh vụ giam giữ cựu Thủ tướng nước này, bà Yulia Tymoshenko.
Dân châu Âu vẫn “lạnh nhạt” với Euro tại Ukraine & Ba Lan |
Việc chính trị và thể thao trộn lẫn vào nhau xưa nay không phải chuyện hiếm, dù chính các chính trị gia hay các quan chức thể thao luôn kêu gọi rằng hãy để thể thao tách rời chính trị. Sự trộn lẫn đó đôi khi mang tính phá hoại, như khi Mỹ lôi kéo vài chục nước tẩy chay Olympic Moscow năm 1980 để rồi 4 năm sau đến lượt Liên Xô kéo theo một loạt nước từ chối dự Thế Vận hội tại Los Angeles. Nhưng cũng có đôi khi, sự pha trộn đó lại đầy tính dựng xây. Lịch sử thế giới từng chứng kiến ngoại giao bóng bàn, ngoại giao bóng đá hay ngoại giao bóng chày, bóng rổ.
Hiện tại thì EURO 2012 đang bị trộn lẫn theo cách đầu tiên, tức là phá hoại. Szymon Lucik, nhà báo của Thông tấn xã Ba Lan (PAP) tại Pháp nhận định đó là một “chủ ý rõ ràng và khiên cưỡng”. Và điều nguy hiểm là nó bắt đầu tạo ra những cái nhìn không thiện cảm đối với 2 nước chủ nhà EURO 2012, đặc biệt là Ukraine.
Nếu như ở Anh, sự việc mới chỉ tạm dừng ở một định kiến cá nhân của Sol Campbell thì ở Pháp, báo chí bắt đầu cất tiếng. Trong chuyên mục “La Grosse Kronik” của tờ Direct Matin có rất nhiều độc giả chuyên phát miễn phí ở các ga tàu điện ngầm, nhà báo bóng đá mập nổi tiểng Pierre Menes, với blog nổi danh “Pierrot le foot”, đặt một cái tít đầy khiêu khích “Có một giải EURO à?”. Nhà báo có gần 200.000 followers trên Twitter này kêu gọi “Rất khó để nói rằng Ukraine và Ba Lan là những điểm đến hấp dẫn và thật điên rồ là nó cách chúng ta đến hàng nghìn km. Tốt nhất là cứ ngồi trước TV mà xem”.
Tuyển Pháp cũng đang lùm xùm vụ scandal mới của Evra |
Trên các diễn đàn bóng đá, các fan bắt đầu dao động. Giá vé các trận của ĐT Pháp ở Donetsk hạ giá, và bắt đầu có các chương trình đấu giá vé xem EURO 2012 của Les Bleus với giá khởi điểm… 1 euro. Một số người nhạy cảm với chủ nghĩa nữ quyền, vốn đang là chuyện thời sự ở Pháp sau khi quốc hội thông qua Luật chống quấy rối tình dục, cũng đổi ý không đi xem bóng đá nhân sự kiện 3 thành viên FEMEN khỏa thân phản đối EURO 2012 trước cửa sứ quán Ukraine ở quận 7 Paris.
Trên thực tế thì định kiến về Ukraine đã sớm hình thành ngay từ những ngày đầu tiên quốc gia này được chỉ định cùng đăng cai EURO 2012 với Ba Lan. Trong số 16 đội dự giải, chỉ có 3 đội chọn đặt đại bản doanh ở Ukraine khi tham dự giải, là Pháp, Thụy Điển và... chủ nhà Ukraine. Lí do thiếu thốn trang bị vật chất rất khó chấp nhận. Clement Hazard, chuyên gia thể lực và trị liệu, từng làm việc cho LĐBĐ Pháp ở trung tâm huấn luyện Clairefontaine và nay là chuyên gia cho CLB Shakhtar Donetsk, khẳng định “ở Donetsk có những máy móc mà Clairefontaine cũng phải mơ ước”.
Khi trao quyền đăng cai EURO 2012 cho Ba Lan và Ukraine, mục tiêu của UEFA là mở rộng biên giới bóng đá châu Âu đến những vùng “xa xôi” và qua đó giúp các xã hội trở nên cởi mở hơn. Điều trớ trêu là về mặt địa lý, Ukraine nằm ở trung tâm châu Âu nhưng về các mặt còn lại, đất nước này lại luôn có xu hướng bị đẩy ra bên rìa.
Thành viên FEMEN phản đối Euro |
Khi trao quyền đăng cai EURO 2012 cho Ba Lan và Ukraine, mục tiêu của UEFA là mở rộng biên giới bóng đá châu Âu đến những vùng “xa xôi” và qua đó giúp các xã hội trở nên cởi mở hơn. Điều trớ trêu là về mặt địa lý, Ukraine nằm ở trung tâm châu Âu nhưng về các mặt còn lại, đất nước này lại luôn có xu hướng bị đẩy ra bên rìa.
Dĩ nhiên vẫn còn những nhiều CĐV Pháp coi những kêu gọi tẩy chay là chuyện nực cười. Gael Estublier, anh bạn thân sống gần nhà tôi, là người như thế. Gael là mẫu người thích đi tiên phong, khám phá. Anh là người đầu tiên mở chuỗi cửa hàng bán các nhãn hàng thời trang của Pháp như NAF NAF, Minelli…ở Garden Mall, Mỹ Đình và Vincom Sài Gòn. Cùng với một nhóm bạn, Gael cũng lên kế hoạch đi Ukraine xem bóng đá nhưng rồi phải tạm dừng. Không phải vì sợ này, sợ kia mà là vì giá cả bị đội lên một cách vô lý. Có thể khi làn sóng “chặt chém” này hạ nhiệt, Gael sẽ lại lên đường.
Chỉ khổ cho Ukraine là khâu quảng bá đất nước dường như thất bại ngay cả khi chưa bắt đầu.
Giá phòng KS ở Ukraine đã đội lên đến 180% |
Khu vực ngủ lều ở Ba Lan cũng có giá đến 120 euro/đêm |
Trên diễn đàn, Hội CĐV “Tam sư” ở khu vực Đông Bắc nước Anh vừa kêu gọi NHM lên ủng hộ thầy trò HLV Roy Hodgson bằng cách... ngồi nhà xem ti-vi. Lý do họ đưa ra đó là chi phí đi lại đắt đỏ, đường xá xa xôi và tất nhiên cả mối lo ngại an ninh.
Quang Dũng (PV TT24h tại Pháp)
Bình luận