• Zalo

‘Heo vàng’ chạy đua vào lớp 1, Phó GĐ Sở GD -ĐT nói gì?

Giáo dụcThứ Năm, 20/06/2013 07:28:00 +07:00Google News

(VTC News) - Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống nói gì về cuộc đua vào lớp 1 của trên 125.000 “con heo vàng”?

(VTC News) - Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống nói gì về cuộc đua vào lớp 1 của trên 125.000 “heo vàng”?

Hàng nghìn phụ huynh đang lo sốt vó với việc nộp hồ sơ cho con vào lớp 1. Liên quan tới cuộc đua bị đánh giá là “không cân sức” và khá khốc liệt giữa các bậc phụ huynh, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội.

- Năm nay, trên địa bàn TP. Hà Nội, dự kiến có trên 125.000 trẻ bước vào lớp 1 (tăng 11.000 em so với kỳ tuyển sinh năm trước). Điều này có đáng lo ngại không?

Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống  vtc
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống (Ảnh: Minh Quân) 
Năm học này chịu ảnh hưởng của năm "con heo vàng" và từ việc di dân tự do ở các thành phố lớn, không riêng gì Hà Nội nên con số này đã được tiên lượng.

Về nguyên tắc, 100% trẻ em đến tuổi vào lớp 1 đều phải được đến trường. Năm nay Hà Nội đã đáp ứng được điều đó mặc dù số lương học sinh tăng thêm (11.000 em) không phải chia đều cho 29 quận, huyện.

- Công tác tuyển sinh năm nay có gì khác so với những năm trước đó?

Về công tác tuyển sinh, năm học 2013 – 2014 hình thức tương tự như mọi năm. Tuy nhiên, năm nay số lượng học sinh vào các lớp đầu cấp, đặc biệt là lớp 1 tăng mạnh so với năm trước – tăng 11.000 học sinh, nâng tổng số học sinh vào lớp 1 lên hơn 125.000 bé.

Việc đảm bảo chỗ học cho học sinh rất được thành phố quan tâm. Ngay từ tháng 4 vừa qua, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo công tác tuyển sinh cấp thành phố. Ở mỗi quận, huyện cũng có ban chỉ đạo công tác tuyển sinh riêng.

Thành phố vẫn giữ nguyên chủ trương 3 tăng, 3 giảm. Tăng quy mô, chất lượng tuyển sinh và cơ sở vật chất phục vụ cho việc tuyển sinh. Giảm chỉ số học sinh trên lớp, giảm số lớp ở trường có quy mô quá lớn và giảm số lượng học sinh trái tuyến. Để làm được điều này, phải có lộ trình.

Ngay từ đầu năm, theo chỉ đạo của UBND Thành phố, các quận huyện đã có phương án để tiếp nhận các học sinh này theo phương châm 4 rõ: Rõ chỉ tiêu, rõ tuyến tuyển sinh, rõ phương thức và thời gian tuyển sinh.

Thành phố cũng đã yêu cầu các địa phương chậm nhất ngày 30/5 phải công bố công khai phương án tuyển sinh trên trang web của địa phương mình. Mục đích là dù có tăng số lượng học sinh, nhưng không được gây bức xúc, gây khó khăn cho các bậc cha mẹ học sinh và đảm bảo chỗ học cho các cháu.

 

Tôi khẳng định, không một hiệu trưởng nào dại dột nhận tiền chạy trường, nhưng chuyện môi giới bên ngoài là có.

Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống
 
- Liệu có xảy ra tình trạng phụ huynh xếp hàng qua đêm nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 như trước đó?


Không có chuyện, ngày mai tôi mở cửa nhận hồ sơ tuyển sinh, mạnh anh nào anh ấy đến, ai nhanh người ấy được.

Lãnh đạo các quận, huyện đã hứa trước lãnh đạo thành phố quyết tâm không để xảy ra tình trạng phụ huynh xếp hàng qua đêm nộp hồ sơ cho con.

Tôi tin tưởng đến hết 15/7, tình hình tuyển sinh ở thành phố không xảy ra vấn đề gì.


- Tình trạng học sinh ở phường này theo học tại trường công lập thuộc phường khác có còn tái diễn?

Hiện nay ở thủ đô có tình trạng học sinh ở trường này, nhưng hộ khẩu ở phường khác. Nhiều phụ huynh “lười” không chuyển hộ khẩu. Trong những năm tới, khi chúng ta cải cách hành chính, tình trạng này sẽ được cải thiện.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2015, tất cả các phường đều có ít nhất 1 trường mầm non công lập. Tuy nhiên, có những phường không thể có trường được như Hàng Ngang, hàng Đào…thì học sinh phải sang trường thuộc phường khác học. Như vậy, sẽ không cố định học sinh ở phường nào phải học ở trường thuộc phường đó.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, sẽ có tới 80% các trường ngoài công lập, chỉ có 20% là trường công lập, còn lại xã hội hóa, nhưng thủ đô Hà Nội đang làm ngược lại. Hà Nội có tới trên 80% trường công lập. Tuy vậy, chỉ cần có trường học cho các cháu, bất luận là loại hình nào đều rất tốt.

Hàng nghìn phụ huynh đang lo sốt vó với việc nộp hồ sơ cho con vào lớp 1
Hàng nghìn phụ huynh đang lo sốt vó với việc nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 

- Ông bình luận gì trước việc một số trường công vẫn tổ chức bốc thăm?


Một chiếc xe buýt chỉ có 45 chỗ, nhưng 200 người muốn lên thì theo tôi, thời điểm này bốc thăm là việc khả dĩ nhất để đảm bảo công bằng cho các cháu và để chống tiêu cực.

- Con em của những gia đình nhập cư vào Hà Nội có bao nhiêu % cơ hội học trường công lập?

Nhập cư không có nghĩa là phải học trường ngoài công lập. Nếu nơi gia đình chuyển đến ở vẫn có chỗ học trong trường công lập thì em học sinh đó vẫn được học bình thường.

- Vì sao Sở GD-ĐT không cấm việc học trái tuyến?

Không phải trái tuyến là xấu cho nên chúng tôi không cấm mà chỉ hạn chế. Cũng phải chia sẻ với các bậc phụ huynh. Một cô chăm sóc 30 cháu sẽ quán xuyến tốt hơn rất nhiều so với cô chăm sóc 50 – 60 cháu.

- Năm nay có hay không làn sóng ngầm “chạy trường”?

Hai năm gần đây, việc tuyển sinh không phải do hiệu trưởng quyết định mà phải chuyển hồ sơ lên hội đồng tuyển sinh của quận, huyện để họ xem xét.

Tôi khẳng định, không một hiệu trưởng nào dại dột nhận tiền chạy trường, nhưng chuyện môi giới bên ngoài là có. Hà Nội đang có chủ trương lấy sức mạnh tập thể để tuyển sinh chứ không để trường tự quyết định.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quân(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn