Đó là giải pháp mà dự án “Xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho cây hồ tiêu” của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đem tới cho người nông dân trồng hồ tiêu.
Được biết, dự án được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện với 36 mô hình, trong thời gian 3 năm, bắt đầu từ năm 2016, tại 4 tỉnh: Bình Phước; Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai. Đã có 144 hộ của các tỉnh được tham gia với 72ha.
Tại Bình Phước, dự án triển khai 3 mô hình tại 3 xã gồm Tân Lập, Thuận Phú, huyện Đồng Phú và xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh. Mỗi xã thực hiện 1 mô hình 2ha. Chia đều cho 4 hộ. Tổng kinh phí 375 triệu đồng, dự án hỗ trợ 75%.
Theo anh Nguyễn Văn Duẩn ở ấp 8, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, Bình Phước chi sẻ “Vườn tiêu của tôi được chọn thí điểm lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước trên diện tích 5 công (0,5ha), mới hoàn thành hồi tháng 8 vừa rồi. Về hiệu quả thì hiện chỉ mới thấy là tiêu có vẻ mỡ màng, xanh tươi hơn. Đặc biệt là tiết kiệm nước, nhân công và thời gian. Trước kia, để tưới hết vườn tiêu này, phải mất hơn nửa ngày, tức khoảng 6 tiếng. Còn bây giờ, chỉ việc bật công tắc điện lên là hệ thống tự động tưới trong vòng khoảng hơn 2 tiếng là cây đủ nước”
Đại diện Cty Khang Thịnh, đơn vị cung cấp thiết bị cho biết, một trong những điểm mới của hệ thống là toàn bộ đều được tự động hoá, gồm 1 bộ phận châm phân bón, bộ lọc nước, tạp chất từ phân bón, van điều áp, van áp suất… Hệ thống đường ống dẫn nước có những lỗ nhỏ li ti, được chôn ngầm dưới đất từ 10 - 15cm. Khi đường ống đầy nước, áp lực đủ mạnh thì sẽ tự động phun nước.
Theo Cty Khang Thịnh, chi phí lắp đặt hệ thống cho 5 công tiêu từ 50 - 60 triệu đồng, tức hơn 100 triệu đồng/ha tiêu, tuỳ theo loại đường ống dẫn, kích cỡ và tuỳ mật độ vườn tiêu.
TS Đặng Quý Nhân, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chủ nhiệm dự án cho biết: "Dự án tưới tiết kiệm nước được triển khai nhằm tạo ra những vùng tiêu canh tác bền vững, đúng quy hoạch và đảm bảo năng suất, chất lượng. Qua 2 năm thực hiện (2016 - 2017) đã có 300 lượt nông dân tham gia các hội thảo đầu bờ, tham khảo mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương.
Video:Kết nối chuyển giao công nghệ: Tinh chất nghệ Nacumin
Theo đánh giá sơ bộ, mô hình đã giúp nông dân tiết kiệm được kinh phí, thời gian từ việc cung cấp thuốc BVTV kết hợp với hệ thống tưới lên tới 40% mà hiệu quả phòng trừ rất cao".
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Phước, đơn vị nhận chuyển giao dự án từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: “Dự án đã được chúng tôi nghiệm thu cấp cơ sở. Bước đầu thấy rõ hiệu quả là tiết kiệm khoảng hơn 30% nước. Không tốn nhân công. Bên cạnh đó, hệ thống có bộ châm phân tự động, hoà tan trong nước, thẩm thấu và cây nhận trực tiếp, không lãng phí. Theo tôi đánh giá thì đây là hệ thống có hiệu quả tốt, nhiều bà con nông dân đã đến tham quan và muốn làm”.
Bình luận