Tuy nhiên, các phần mềm này vẫn có thể phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong tương lai.
Triển khai đồng bộ...
Ông Nguyễn Xuân Tuấn – Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin (EVN) cho biết, thời gian qua, việc xây dựng và ứng dụng các hệ thống phần mềm dùng chung tại EVN đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, hệ thống quản lý nhân sự (HRMS) đã giúp Tập đoàn quản lý hiệu quả trên 102 nghìn CBCNV và người lao động. Hệ thống có thể quản lý một cách hiệu quả tất cả các quy trình liên quan đến khâu quản lý cán bộ, từ việc bổ nhiệm, bãi miễn, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận,... đến đăng ký và phê duyệt chương trình, kế hoạch, nội dung đào tạo và cuối cùng là quản lý học viên theo phần mềm quản lý HRMS.
Với hệ thống e-office, Tập đoàn có thể quản lý, phân loại các văn bản, luồng công việc chữ ký số với tất cả các chức năng cơ bản như chuyển/tiếp nhận văn bản đến/đi và nhiều tính năng nâng cao như quản lý các nhiệm vụ/chỉ thị/ nghị quyết của HĐTV, TGĐ giao các Ban, đơn vị; thực hiện ký số văn bản trên hệ thống; tổ chức quản lý hồ sơ công việc. Đến nay, hệ thống phần mềm này đã được đưa vào sử dụng trong tất cả các đơn vị thuộc Tập đoàn.
Ảnh chụp màn hình hệ thống e-officeTrong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, hệ thống quản lý khách hàng (CMIS) được xây dựng và triển khai thống nhất với hệ thống phần mềm Quản lý khách hàng sử dụng điện CMIS tại 5 tổng công ty điện lực. Đây cũng là hệ thống phần mềm cốt lõi hỗ trợ toàn diện lĩnh vực kinh doanh bán điện.
Hệ thống bao gồm các phần mềm chức năng thực hiện các yêu cầu theo quy trình nghiệp vụ kinh doanh điện và dịch vụ khách hàng (25 dịch vụ điện), ứng dụng 100% chữ ký số trong phát hành hóa đơn khách hàng, xác nhận giao nhận điện năng nội bộ giữa các đơn vị trong Tập đoàn; số hoá hợp đồng mua bán điện, cung cấp dịch vụ điện trực tuyến. Đến nay, việc cung cấp các dịch vụ điện cho khách hàng đã đạt tới mức tương đương cấp độ 3 trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hành chính công của Chính phủ.
Ngoài ra, còn rất nhiều phần mềm tiện ích khác đang được EVN triển khai như hệ thống hóa đơn điện tử; hệ thống quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS); hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu đo đếm; phần mềm thu thập dữ liệu công tơ điện tử (EVNHES)…
Ông Nguyễn Xuân Tuấn cho biết thêm: “Các hệ thống phần mềm dùng chung đã căn bản thống nhất nghiệp vụ theo từng lĩnh vực trong Tập đoàn, đáp ứng những nghiệp vụ lõi trong quản lý của các đơn vị về: Tài chính kế toán; vật tư - tài sản; quản lý kỹ thuật; kinh doanh bán điện và dịch vụ khách hàng; quản lý nhân sự; quản trị văn phòng”.
Có thể phát triển mạnh hơn
Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong các phần mềm dùng chung của EVN, ông Đặng Huy Cường – Thành viên HĐTV EVN cho rằng, tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng các hệ thống phần mềm dùng chung của EVN cần phát triển mạnh hơn, hiệu quả hơn.
Hiện nay, hệ thống chưa được tích hợp, liên kết chặt chẽ, chưa có một mô hình dữ liệu chuẩn, việc chia sẻ, trao đổi dữ liệu còn khó khăn làm cho việc tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành mất nhiều thời gian chuyển đổi, thiếu chính xác; cùng một loại dữ liệu-thông số, nhưng phải cập nhật nhiều lần vào nhiều hệ thống phần mềm khác nhau.
Các hệ thống phần mềm ứng dụng triển khai với nền tảng CSDL được thiết kế và xây dựng theo hướng “may đo” dẫn đến mất nhiều thời gian hiệu chỉnh, thậm chí phải xây dựng lại khi yêu cầu nghiệp vụ thay đổi.
Công tác phối hợp, quản lý, phát hành, cập nhật các phiên bản phần mềm ứng dụng còn chưa tốt, vẫn còn tình trạng gây lỗi sau khi cập nhật, dẫn đến tâm lý e ngại từ phía người sử dụng. Việc bổ sung, hiệu chỉnh các yêu cầu nghiệp vụ, quản lý, điều hành cũng như các tiện ích hỗ trợ cho người sử dụng đôi khi chưa kịp thời, dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng phần mềm quản lý.
Ngoài ra, công tác hỗ trợ, khắc phục các sự cố về ứng dụng và hạ tầng còn gặp khó khăn, thời gian xử lý kéo dài do hạn chế về trình độ của cán bộ quản trị hệ thống. Công tác sao lưu, dự phòng hệ thống chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên. Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong xây dựng, triển khai ứng dụng các phần mềm chưa đồng bộ, dẫn đến tình trạng nhiều phần mềm có sự trùng lặp về tính năng sản phẩm, gây lãng phí về chi phí và thời gian.
Định hướng phát triển...
Với yêu cầu phải tăng năng suất lao động SXKD điện hàng năm từ 8-10% và đặc biệt trong bối cảnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực CNTT phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong quản lý.
Vì vậy, thời gian tới, EVN sẽ xây dựng cấu trúc tổng thể, tiêu chuẩn công nghệ, cấu trúc dữ liệu cho các phần mềm dùng chung trong Tập đoàn, đảm bảo tính tích hợp và mở rộng ứng dụng trong tương lai. Tất cả các phần mềm dùng chung và phần mềm đặc thù do các đơn vị phát triển phải tuân thủ theo cấu trúc, tiêu chuẩn công nghệ, cấu trúc dữ liệu chung và phải được Tập đoàn thông qua trước khi thực hiện.
Đặc biệt, EVN sẽ ứng dụng công nghệ xử lý dữ liệu với số lượng lớn (Big data), ứng dụng webservice, DataBus, chuẩn CIM và các tiêu chuẩn quốc tế để liên kết, tích hợp dữ liệu các hệ thống phần mềm dùng chung của EVN thuộc các lĩnh vực: Kỹ thuật, đầu tư, tài chính, kinh doanh và một số lĩnh vực khác.
EVN tiếp tục hoàn thiện hệ thống phần mềm OMS (quản lý sự cố) dùng chung, kết nối khai thác dữ liệu từ hệ thống SCADA, hệ thống thu thập chỉ số công tơ điện tử, chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời sự cố, cung cấp thông tin chăm sóc khách hàng, tính toán chính xác các chỉ số SAIFI, SAIDI. Cùng với đó, EVN sẽ triển khai các phần mềm ứng dụng, cung cấp dịch vụ điện tương đương dịch vụ hành chính công cấp độ 4.
Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, để làm được những việc trên, EVN phải tiếp tục tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sớm phát triển đội ngũ chuyên gia có chứng chỉ quốc tế chuyên ngành CNTT, đáp ứng yêu cầu xây dựng, triển khai, ứng dụng, vận hành hệ thống phần mềm quản lý, sử dụng chung trong Tập đoàn.
Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
Bình luận