Trong báo cáo mới nhất của mình, sau khi đánh giá 6 tiêu chí: Môi trường hoạt động (ổn định), rủi ro tài sản (cải thiện), vốn (ổn định), huy động vốn và thanh khoản (ổn định), lợi nhuận và hiệu quả (cải thiện), sự hỗ trợ từ Chính phủ (ổn định), Moody’s hạ bậc triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong 12-18 tháng tới xuống mức “ổn định” từ “tích cực”.
Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam được Moody’s kỳ vọng vẫn nằm trong nhóm cao nhất của ASEAN với mức 6,7% năm 2018 và 6,5% vào năm sau dựa trên sự cải thiện của môi trường cạnh tranh, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Tăng trưởng tín dụng trong nước được dự đoán đạt 16% trong năm nay, thấp hơn con số 20% năm 2017 khi Chính phủ muốn kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Về chất lượng tài sản, Moody’s cho rằng các ngân hàng Việt sẽ cho thấy sự cải thiện trong 12-18 tháng tới với lý do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ giúp người vay tăng khả năng trả nợ và các ngân hàng tăng tốc xóa bỏ những tài sản có vấn đề.
Tuy nhiên, Moody’s cảnh báo tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh trong những năm gần đây có thể dẫn đến việc chất lượng tài sản suy giảm khi các khoản vay mới đáo hạn. Dù vậy, khả năng xảy ra viễn cảnh này trong 12-18 tháng tới không cao.
Đánh giá về vốn, Moody’s cho rằng kiểm soát đối với tăng trưởng tài sản sẽ giảm áp lực lên nguồn vốn của các ngân hàng, trong khi khả năng tạo vốn nội bộ cũng như sinh lời sẽ tiếp tục cải thiện tại những ngân hàng được xếp hạng.
Tương tự, huy động vốn sẽ ổn định khi tốc độ tăng trưởng cho vay chậm lại. Tiền gửi tăng trưởng mạnh làm giảm sự phụ thuộc của ngân hàng vào các nguồn vốn nhạy cảm với thị trường. Một khi tốc độ tăng cho vay được điều chỉnh phù hợp với tiền gửi, tỷ lệ giữa 2 hoạt động này sẽ được duy trì ổn định.
Về lợi nhuận, Moody’s tự tin các ngân hàng Việt Nam sẽ sinh lời tốt hơn khi lãi suất tiếp tục cải thiện nhờ vào việc đẩy mạnh hoạt động cho vay với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng lúc đó, chi phí tín dụng có thể giảm khi ngày một nhiều ngân hàng giải quyết thành công các khối tài sản có vấn đề.
Với tiêu chí cuối cùng, Moody’s đánh giá Ngân hàng Nhà nước sẽ thay mặt Chính phủ hỗ trợ các ngân hàng khi cần với hình thức chủ yếu là hỗ trợ thanh khoản và giãn nợ.
Moody’s cũng tiến hành đánh giá 16 ngân hàng tại Việt Nam, chiếm 61% toàn hệ thống tài sản ngân hàng đến cuối năm 2017. Trong đó, 3 ông lớn là BIDV, Vietcombank và Vietinbank đều được xếp hạng "B1 ổn định".
Theo phó chủ tịch Moody’s Eugene Tarzimanov, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ cải thiện giúp tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, Rebaca Tan, chuyên gia phân tích của tổ chức này lại nhận định thận trọng: “Những rủi ro vẫn hiện hữu sau thời kỳ tăng trưởng nóng và các tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể làm kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương.”
Moody’s thành lập từ năm 1909 và ngày nay được xem như một trong 3 tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín nhất toàn cầu cùng với Standard & Poor’s và Fitch.
Bình luận