• Zalo

Hệ thống giáo dục Pháp phân luồng thế nào?

Giáo dụcThứ Năm, 14/01/2016 09:08:00 +07:00Google News

Đại học 3 năm, phân hóa 3 luồng, đào tạo thạc sĩ, đào tạo tiến sĩ, hệ thống giáo dục, cơ cấu giáo dục, phân luồng THPT

(VTC News) - Hệ thống giáo dục của cộng hòa Pháp được phân luồng mạnh mẽ sau bậc THCS.

Pháp là một nước dân chủ theo thể chế cộng hòa bán tổng thống trung ương tập quyền (unitary semi-presidential republic).


Quốc gia này là một nước công nghiệp và phát triển, có nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới tính theo GDP, thứ chín tính theo sức mua tương đương và lớn thứ hai ở châu Âu theo GDP danh nghĩa.
 
Hình 6 Sơ đồ hệ thống giáo dục Pháp
Sơ đồ hệ thống giáo dục Pháp 

Hệ thống giáo dục Pháp được tổ chức có hệ thống và chia ra thành:
•    Giáo dục mầm non (école maternelle)
•    giáo dục tiểu học (enseignement primaire);
•    trung học (enseignement secondaire);
•    đại học (enseignement supérieur).

Giáo dục tiểu học & giáo dục trung học chủ yếu là hệ thống trường công nhưng cũng có hệ thống tư thục của Giáo hội Thiên Chúa La Mã hoặc của tư nhân phân bố khắp các tỉnh thành.

Giáo dục mầm non là bậc học không bắt buộc, tiếp nhận trẻ 2-5 tuổi. Mầm non chia ra làm 3 nhóm trong đó 2 nhóm đầu chỉ là chăm sóc, nhưng ở nhóm lớn (5 tuổi) trẻ bắt đầu được dạy đọc.

Giáo dục tiểu học kéo dài 5 năm bắt đầu từ 6 tuổi. Ở tiểu học mỗi lớp chỉ do 1 – 2 giáo viên đứng lớp, dạy toàn bộ chương trình như Tiếng Pháp, toán, khoa học tự nhiên và xã hội.

Trung học cơ sở (collège) kéo dài 4 năm bắt đầu từ 11 tuổi. Kết thúc cấp học này có thi tốt nghiệp  và cấp bằng tốt nghiệp THCS (Brevet des Collèges). Tuy vậy học sinh không nhất thiết phải có bằng này để được vào học lên cao hơn. Từ năm 1975 trung học cơ sở chỉ có một luồng duy nhất cho tất cả học sinh, không phân biệt năng lực .

Hai cấp học Tiểu học và THCS là phần giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh.

Trung học (lycée hay cụ thể hơn  Trung học phổ thông – Lycée d’Enseignement général, trung học công nghệ Lycée technologique hay Trung học nghề Lycée professionnel) kéo dài 3 năm bắt đầu từ 15 tuổi.

Kết thúc cấp học này được nhận bằng Tú tài phổ thống (Baccalauréat général), Tú tài công nghệ (Baccalauréat technologique) hay Tú tài nghề (Baccalauréat professionnel)

Chương trình THPT có 3 ban, gọi là séries, gồm Ban khoa học tự nhiên série scientifique (S), Ban kinh tế và xã hội série économique et sociale (ES) và Ban văn khoa série littéraire (L). Trong mỗi ban có thể có các nhánh nhỏ với các tùy chọn khác. Thường nội dung các ban trung học khá khác nhau nên học sinh rất ít khi chuyển ban khi học lên đại học.

Hệ thống trung học nghề kéo dài 2 năm bắt đầu từ 15 tuổi (sau THCS). Kết thúc chương trình được cấp chứng chỉ năng lực nghề (Certificat d’Aptitude professionnelle CAP) hay Bằng học nghề (Brevet d’Etudes professionnelles BEP). Sau khi học xong chương trình nghề học sinh có thể học tiếp để lấy bằng Tú tài nghề (Baccalauréat professionnel).

Tuy nhiên số học sinh học các trường trung học nghề chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể (200.000 trong tổng số khoảng 2,5 triệu học sinh THPT)

Hệ thống đại học Pháp chia hai nhánh chính:

Các trường đại học tổng hợp (université) và các trường bách khoa quốc gia (Instituts nationaux polytechniques) phục vụ số lớn sinh viên với các chương trình hướng nghiên cứu và ứng dụng

Các trường Grandes ecoles và các cơ sở đào tạo nghề bậc cao với sự tuyển sinh có chọn lọc.

Các trường đại học Pháp về cơ bản gồm nhiều trường nhỏ, diện chuyên môn hẹp (ít chuyên ngành). Trước đây các trường đại học Pháp áp dụng chế độ đào tạo theo học kỳ nhưng hiện nay đang dần chuyển sang chế độ đào tạo theo tín chỉ của không gian đại học Bologna – ECTS và cơ cấu cử nhân – thạc sĩ – tiến sĩ.

Các trường Grandes ecoles thường được coi là danh giá hơn các trường đại học khác. Trong khi các trường đại học thường chỉ có các chương trình mang tính hàn lâm thì các trường Grand ecoles được đánh giá là có tính ứng dụng cao hơn, sinh viên tốt nghiệp dễ kiếm việc làm hơn. Tuy nhiên để vào được các trường grand ecoles sinh viên thường phải trải qua 2 năm chuẩn bị (Classe Préparatoire aux Grandes Écoles CPGE).

Các trường đại học Pháp cũng có các đơn vị nghiên cứu do các trường và các viện nghiên cứu cùng tài trợ và quản lý.

Hệ thống giáo dục Pháp là một hệ thống có tính tập trung cao. Quản lý hệ thống thuộc về quyền quản lý của Bộ giáo dục quốc dân, đại học và nghiên cứu (Ministère de l’éducation nationale, de l’enseignement supérieur et de la recherche). Bộ này cũng quản lý tất cả các chương trình giáo dục. chương trình tiểu học và trung học là chương trình thống nhất trong toàn quốc, có một số phần tùy chọn đối với học sinh.

Dưới Bộ giáo dục có các vùng giáo dục (académies).  Các académies chịu trách nhiệm về quản lý nhân sự và tài chính giáo dục của vùng. Vùng cũng chịu trách nhiệm về việc thực hiện chương trình do Bộ đưa ra. Nước Pháp có 26 académies và các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp có 9. Dưới Hội đồng vùng có các hạt (département).


Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn