Số liệu về đất đai được tích hợp sẽ là căn cứ để bồi thường giải phóng mặt bằng… là những lợi ích nhìn thấy rõ trong quá trình triển khai hệ thống dữ liệu đất đai tại Hải Phòng.
Việc cần thiết phải xây dựng hệ thống dữ liệu đất đai
Ngày 30/5/2016, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (VILG) với thời gian thực hiện từ năm 2017 đến hết năm 2021.
Sau đó, do yêu cầu mới của công tác xây dựng hệ thống thông tin và trên cơ sở đề nghị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia dự án, ngày 20/12/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định số 2139/QĐ-TTg về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Dự án VILG, gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 30/6/2023.
Mục tiêu của Dự án VILG là nhằm phát triển, vận hành một hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch của công tác quản lý đất đai tại địa bàn thực hiện dự án thông qua việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, ở cả cấp quốc gia và các địa phương.
Dự án được thực hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hải Phòng là một trong 14 tỉnh, thành phố miền Bắc trực thuộc Trung ương được đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL).
Thực tế, trong nhiều năm trước, số liệu về đất đai mà các tỉnh/thành phố cần phải quản lý ngày càng nhiều và liên tục thay đổi. Điều này khiến cho việc quản lý ngày càng khó khăn, thông tin không được cập nhật, chỉnh lý biến động không kịp thời dẫn đến có nhiều sai lệch khi thống kê và đưa vào quy hoạch.
Công tác quản lý, thu thập, sắp xếp, phân loại tài liệu về đất đai cũng vì vậy mà chưa được thực hiện hay thực hiện chưa đúng quy định gây khó khăn cho cơ quan quản lý, thậm chí là phiền nhiễu, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.
Tình trạng kể trên không ngoại trừ Hải Phòng. Đó cũng chính là lý do vì sao, cùng với chủ trương của Chính phủ, thành phố cũng sớm chú trọng tới việc việc xây dựng CSDL đất đai từ cách đây 10 năm và đã bắt đầu được số hóa với rất nhiều dự án cụ thể.
Theo thông tin trên website của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, đơn vị này đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 4007/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 về việc phê duyệt điều chỉnh dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” thực hiện tại thành phố Hải Phòng và số 1031/QĐ-UBND ngày 31/3/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện năm 2022 dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” thực hiện tại thành phố Hải Phòng sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới.
Theo đó, Hải Phòng triển khai Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS) tại cấp thành phố và 11 đơn vị hành chính cấp huyện. 7 quận, huyện gồm Hồng Bàng, Lê Chân, Kiến An, An Lão, Hải An, Tiên Lãng, Kiến Thụy thực hiện xây dựng mới CSDL. 4 quận huyện gồm Đồ Sơn, Dương Kinh, Cát Hải, Ngô Quyền thực hiện chuyển đổi và bổ sung CSDL Thống kê - kiểm kê; Quy hoạch - kế hoạch; Giá đất.
Tổng mức đầu tư cho dự án là 4,4 triệu USD (tương đương hơn 102 tỷ đồng), trong đó vốn vay IDA là 3,65 triệu USD (tương đương 84 tỷ đồng).
Thực hiện chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025 về việc phát triển hạ tầng số và dữ liệu số quốc gia trong lĩnh vực quản lý đất đai, đến ngày 14/10/2022, UBND TP.Hải Phòng đã phối hợp với Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) - Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội chính thức ra mắt Hệ thống thông tin đất đai TP.Hải Phòng.
Được biết, CSDL đất đai đang được quản lý, vận hành, khai thác trên phần mềm VBDLIS do Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel phát triển. Sau hơn 1 năm vận hành thí điểm, VILG đem lại một số kết quả tích cực.
Thông qua Hệ thống thông tin đất đai VBDLIS, Sở TNMT Hải Phòng đã xây dựng dữ liệu không gian và đồng bộ thông tin lên Cổng thông tin đất đại TP Hải Phòng.
Người dân có thể dễ dàng tra cứu dữ liệu bản đồ: số tờ, số thửa, diện tích, vị trí thửa đất, loại đất; tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tình trạng giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, thông qua mã số hồ sơ, số điện thoại hoặc căn cước công dân của người nộp hồ sơ.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đổi mới cách quản lý hồ sơ dự án xây dựng. Dữ liệu thi công công trình sẽ được tiến hành cập nhật song song vào phần mềm Hệ thống thông tin đất đai VBDLIS thông qua việc cung cấp của nhà thầu và dữ liệu cập nhật của Văn phòng Đăng ký đất đai. Do đó, Sở có thể trực tiếp giám sát, kiểm tra tiến độ, kết quả của dự án.
Những giá trị thiết thực từ CSDL đất đai đối với người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý
Từ ngày 1/6/2022, Hệ thống văn phòng đăng ký đất đai giải quyết toàn bộ thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử.
Theo số liệu do Viettel Solutions cung cấp, tính đến ngày 26/12, hệ thống đã triển khai tại 14/14 Quận/Huyện, tiếp nhận 163.188 hồ sơ (bao gồm 153.178 hồ sơ được liên thông về từ hệ thống MCĐT của Thành phố và 10.010 hồ sơ được tiếp nhận trực tiếp trên phần mềm VBDLIS); trong đó đã trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp là 157.688 hồ sơ.
Phía cơ quan quản lý đánh giá, việc xây dựng CSDL đất đai tạo thuận lợi trong công tác quản lý cũng như giúp người dân tiết kiệm chi phí, rút gọn thời gian. Số liệu về đất đai được tích hợp sẽ là căn cứ để bồi thường giải phóng mặt bằng.
Trước đây, việc cung cấp hồ sơ, dữ liệu đất đai phải làm thủ công. Sau khi dự án VILG được đưa vào sử dụng, các cán bộ của Văn phòng ĐKĐĐ có thể nhanh chóng và thuận lợi tìm kiếm thông tin, hồ sơ trên kho cơ sở dữ liệu số.
Việc làm giàu, làm sạch dữ liệu đất đai được hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ cập nhật liên tục thông qua việc thu thập dữ liệu chủ sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, xây dựng, thủ tục hành chính trong thẩm định đất đai…
Viettel Solutions đánh giá, VBDLIS đã đem lại nhiều giá trị, giúp người dân dễ dàng tra cứu các thông tin về đất đai, giá đất, quy hoạch đã được cung cấp một cách công khai, minh bạch, từ đó có thể thuận tiện thực hiện các dịch vụ công về đất đai trực tuyến mà không cần phải đến trực tiếp trụ sở cơ quan nhà nước đồng thời có thể theo dõi trạng thái, tiến độ xử lý các hồ sơ giao dịch của mình bằng chính smartphone mọi lúc, mọi nơi.
Đối với đơn vị thi công, các đơn vị giám sát, Hệ thống thông tin đất đai đã xây dựng và triển khai riêng phân hệ theo dõi thi công, là công cụ đắc lực giúp quá trình đo đạc xây dựng thông tin đất đai được thực hiện ngay, thông tin và kết quả đo đạc, xây dựng dữ liệu được cập nhật tức thời trên hệ thống giúp cho các bên liên quan có thể nắm rõ, đầy đủ, kịp thời thông tin liên quan.
Đối với cán bộ công chức liên quan đến lĩnh vực đất đai, đây là công cụ để hỗ trợ đắc lực giúp giảm công sức, tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả trong công việc thực hiện nhiệm vụ nghiệp vụ, phục vụ được nhiều người dân hơn.
Đối với lãnh đạo, việc triển khai đồng bộ các bộ phận, các công đoạn trên hệ thống giúp cho lãnh đạo luôn có bức tranh toàn cảnh hoạt động quản lý đất đai của toàn Tp đầy đủ, thường xuyên và liên tục; các báo cáo, thống kê, tổng hợp luôn sẵn sàng và có trong smartphone của mình.
Ngoài ra, hệ thống còn là công cụ cho các lãnh đạo ngành TNMT có thông tin, hỗ trợ theo dõi đánh giá công việc, hỗ trợ ra quyết định trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển lĩnh vực đất đai của Tp Hải Phòng.
Mặc dù vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai như hệ thống VBDLIS với phần mềm “Một cửa điện tử” chưa được đồng bộ, số lượng hồ sơ quá lớn, còn những vấn đề tồn tại từ trước đó khá lâu chưa được giải quyết triệt để.
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cùng các đối tác đã nỗ lực để từng bước khắc phục khó khăn, thực hiện toàn trình việc sử dụng hệ thống, xây dựng các quy chế, quy trình làm việc phù hợp với việc ứng dụng hệ thống, xây dựng các KPI để theo dõi, đánh giá và đặc biệt là khai thác bài toán quản lý, điều hành tiến độ xử lý công việc của CBCC VPĐK đất đai các đơn vị địa phương thông qua dữ liệu sinh ra trên hệ thống, chất lượng và tiến độ cung cấp cho người dân và doanh nghiệp tạo sự thúc đẩy quá trình triển khai.
Để bảo đảm sự vận hành hiệu quả của dự án, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp với Tập đoàn Viettel cập nhật dữ liệu hệ thống phần mềm VBDLIS để nhanh chóng đưa vào quản lý, khai thác, sử dụng trên hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai.
Sở TNMT đang tiếp tục phối hợp cùng UBND các quận, huyện để cập nhật, bổ sung dữ liệu địa chính thông qua giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai trên VBDLIS. Sở cũng nghiên cứu, xem xét đề xuất phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác về quản lý, vận hành, khai thác CSDL đất đai.
Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ về việc triển khai thực hiện có hiệu quả “Dự án tăng cường Quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai “VILG”, vận hành hệ thống thông tin đất đai tại 14 quận, huyện; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất tại các quận, huyện Hải An, Lê Chân, Kiến An, An Lão và Ngô Quyền.
Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai được nâng lên rõ rệt; bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư. Đây là giải pháp góp phần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư các dự án có sử dụng đất, góp phần giải quyết quỹ đất cho mục tiêu phát triển của thành phố, bảo đảm ổn định đời sống người có đất thu hồi.
Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, Sở TNMT luôn bám sát định hướng hành động là hướng về địa phương, cơ sở, người dân, doanh nghiệp, bám sát yêu cầu thực tiễn. Sở TNMT tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố xây dựng, thể chế hóa chính sách pháp luật lĩnh vực đất đai để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất, tăng giá trị của đất.
Công tác quản lý tài nguyên đất đai đang đứng trước yêu cầu ngày càng tăng với một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng từ nay đến hết nhiệm kỳ 2020-2025 được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xác định là: Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Bình luận