• Zalo

Hé lộ tài liệu mật vụ ám sát Tống thống Mỹ Kennedy

Thế giớiThứ Bảy, 31/08/2013 08:38:00 +07:00Google News

(VTC News) - Năm thập kỷ sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị bắn chết, hàng nghìn trang tài liệu về vụ ám sát vẫn chưa được công bố.

(VTC News) - Năm thập kỷ sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị bắn chết và rất lâu sau khi nhà chức trách tuyên bố kết thúc điều tra, hàng nghìn trang tài liệu về vụ ám sát vẫn chưa được công bố.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng bí ẩn của vụ ám sát, bao gồm những gì các cơ quan tình báo Mỹ biết về sát thủ Lee Harvey Oswald trước ngày 22/11/1963 có thể được làm sáng tỏ.

Tổng thống thứ 35 của Mỹ John Kennedy trước khi bị bắn cùng đệ nhất phu nhân

Theo hãng tin Foxnews hàng trăm trang hồ sơ có liên quan đến George Joannides, một nhân viên CIA đã chết, có những hoạt động đáng ngờ ngay sát thời điểm vụ ám sát xảy ra,  đã gây tò mò cho việc điều tra của chính quyền nhiều năm về sau.

"Vấn đề ở đây không phải là về âm mưu mà là về tính minh bạch", Foxnews dẫn lời Jefferson Morley, cựu phóng viên của Washington Post, người theo đuổi vụ kiện chống lại CIA dài cả thập kỷ.

Những nỗ lực của Morley đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người khác, trong đó có G. Robert Blakey, cố vấn chính cho cuộc điều tra vụ ám sát Kennedy trong những năm 1970. 
Nhưng cho đến nay, hồ sơ và hàng nghìn trang tài liệu về Joannides chủ yếu từ CIA vẫn được niêm phong tại trung tâm Lưu trữ Quốc gia ở College Park, Maryland.

"Việc làm của CIA không có gì là khó hiểu, nhưng có thể việc họ bao che cho những hành động đó là chính đáng", Anthony Summers, tác giả cuốn sách về Kennedy ‘Không có trong cuộc đời bạn’ phát biểu.

"Tuy nhiên, sau 50 năm, không có lý do gì để tôi không nghĩ về việc tại sao các hành động đó vẫn được che giấu?", Summers nói. "Bằng cách giữ lại các tài liệu về Joannides, cơ quan này tiếp tục khiến công chúng tin rằng họ đang giấu diếm một điều gì đó đáng sợ hơn".

Theo Foxnews, để nắm được hồ sơ vụ việc của Joannides thì thực sự cần tìm lại nguyên nhân Oswald rơi vào tầm ngắm của CIA vào thời điểm năm 1963.

Hơn nữa, việc xem lại những kết luận khác nhau của hai cuộc điều tra chính thức và trả lời câu hỏi ‘các nhà điều tra nhận được bao nhiêu sự hợp tác từ các nhân viên CIA, trong đó có Joannides’ cũng hết sức quan trọng.

Oswald là một kẻ cô độc và bí ẩn, ngay cả với những người thân tín nhất với anh ta. "Y khó hiểu nhất trong số những người tôi đã nghiên cứu trong suốt 35 năm làm sử gia", David Kaiser, tác giả cuốn sách ‘Đường đến Dallas: Vụ ám sát John F. Kennedy’ dựa trên hàng chục nghìn tài liệu được công bố trong những năm 1990.

Tuy nhiên, sau vụ nổ súng ở Dallas, có rất nhiều cuộc điều tra về Oswald mà rõ ràng trước đó, chính phủ Mỹ chưa từng biết đến anh ta.

Các tài liệu được giải mật cũng cho thấy Joannides, trong khi đang làm việc tại Miami, lại xuất hiện trong nhóm tham gia vào cuộc ẩu đả đó.

Các nhà điều tra chính thức vụ ám sát Kennedy đã không thể đưa ra câu trả lời hoàn chỉnh.

Năm 1964, Ủy ban Warren kết luận Oswald hành động một mình và không hề đề cập đến việc liệu CIA có liên quan đến các hoạt động chống Castro hay không, mặc dù thực tế cựu giám đốc CIA Allen Dulles lúc đó là một thành viên của Ủy ban Warren.

Burt Griffin, cố vấn Ủy ban Warren, hiện là một thẩm phán đã nghỉ hưu, gọi đó là "một hành động của đức tin xấu".

"Tôi nghĩ rằng họ phải có trách nhiệm với Chánh án (Chủ tịch ủy ban Earl Warren) về điều đó", Burt Griffin cho hay.

Trong cuộc phỏng vấn riêng với hãng thông tấn AP, Griffin và đồng nghiệp David Slawson cũng đồng tình với kết luận của Ủy ban Warren.

Sau khi Oswald thất bại trong việc xin cấp thị thực đến Cu Ba ở thành phố Mexico City, vợ y, Marina đã từ chối mọi cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân của họ. 
Đêm trước xảy ra án mạng, Oswald về nhà riêng ở ngoại ô Dallas thăm vợ và hai con rồi mang theo khẩu súng trường Mannlicher-Carcano làm vũ khí cho cuộc tấn công, Ủy ban Warren xác nhận. Sáng hôm sau, y tháo chiếc nhẫn cưới, để lại tiền rồi lên đường thực hiện vụ ám sát.

"Nếu Marina đồng ý quay lại, có lẽ y đã không làm điều đó",  Slawson cho biết.

Về sau, từ các tài liệu được công bố vào những năm 1990, đã nảy sinh thêm nhiều giả thuyết phức tạp về động cơ Oswald.

Kaiser, một nhà sử học, đã mặc nhiên công nhận rằng trong những tháng cuối đời, thực tế Oswald được xem là một tả khuynh mộ đạo bị các phần tử hữu khuynh lôi kéo. Hơn nữa, chuyến thăm Đại sứ quán Cuba và Liên Xô ở thành phố Mexico vào mùa thu 1963 là một trong những nỗ lực tiếp cận để giết Castro của y.

"Việc chính phủ công bố các tài liệu có thể đã tiết lộ điều đó", Foxnews dẫn lời Kaiser.

Vào những năm 1970, công cuộc điều tra đã phơi bày các hoạt động của CIA trong thời điểm đầu những năm 1960, trong đó có âm mưu ám sát Castro.

Những tiết lộ này đáng lẽ đã được giấu kín, tuy nhiên, ủy ban điều tra đã đưa ra kết luận: có một tiếng súng phát ra từ bộ đàm của một sĩ quan cảnh sát Dallas từ Grassy Knoll ở Dealey Plaza. Bởi vậy, ngoài Oswald, chắc chắn còn một tay súng khác đã bắn một phát đạn từ cửa sổ của một tòa nhà.

Cuối cùng cơ quan này tuyên bố Tổng thống Kennedy "là nạn nhân của một âm mưu ám sát. Và Ủy ban không thể xác định được tay súng này".

Những phân tích sau đó đã làm tăng lên mối nghi ngờ về bằng chứng thu được, và vấn đề này được cho là chưa được giải quyết.

Tất nhiên, các chứng cứ chỉ là một phần tài liệu được Warren xem xét, trong đó có một số là từ phía CIA. Việc truyền đạt thông tin từ CIA đến Ủy ban này không ai khác chính là George Joannides.

Blakey, cố vấn chính của Warren, đề cập lại việc CIA lựa chọn Joannides làm đối tượng hoạt động trung gian: "Ông ta được đặt trong vị trí có thể thay đổi bất cứ thông tin gì trước khi chúng tôi nhận được", Blakey cho hay.

Tuy nhiên, Blakey không tìm hiểu về quá khứ của Joannides ‘cho đến khi Morley tìm thấy trong các tài liệu được giải mật vào những năm sau’.

"Nếu tôi biết Joannides là một sĩ quan của DRE, ông ta sẽ là một nhân chứng thay vì vai trò ấy", Blakey nói với hãng tin AP.

Vì vấn đề an ninh, một số tài liệu đã được Ủy ban Warren ra lệnh niêm phong vào thế kỷ 21. Sau nhiều thập kỷ, trước áp lực của công chúng, điều này đã được thay đổi.

Quốc hội đã  thông qua Đạo luật thu thập hồ sơ vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy năm 1992 để đưa ra các tài liệu liên quan. Kết quả là khoảng 5 triệu trang tài liệu đã được công bố tại trung tâm Lưu trữ Quốc gia và Quản lý Hồ sơ ở Maryland.

Tuy nhiên, hội đồng xét duyệt đã đồng ý giữ lại khoảng 1.100 hồ sơ, mỗi hồ sơ gồm 1 đến 20 trang, được coi là chứa thông tin về các nguồn bí mật có ý nghĩa với an ninh quốc gia.

Đạo luật này yêu cầu tất cả hồ sơ sẽ được công bố vào năm 2017, nhưng sẽ để lại một vài phần dự phòng để các cơ quan kiến nghị xin giữ lại nếu việc công khai làm ảnh hưởng đến "an ninh quốc phòng, hoạt động tình báo, thực thi pháp luật hay quan hệ đối ngoại".

Fownews đặt ra câu hỏi liệu CIA có cố gắng giữ lại một số tài liệu đã được phân loại trước năm 2017 hay không bởi nếu có, điều này chỉ làm tăng quyết tâm của Morley.

"Ít nhất các bạn phải biết rằng chắc chắn có điều gì rất quan trọng trong số tài liệu ấy. Tôi cho là họ đang cố che giấu một điều gì đó và điều này chỉ làm tăng lên quyết tâm của tôi", Morley cho biết.

Ned Price, phát ngôn viên của CIA nói cơ quan này đã tuân thủ pháp luật trong việc công bố tài liệu và các trung tâm lưu trữ "có tất cả văn bản và hồ sơ của cơ quan về vụ ám sát Kennedy". Price không đưa ra bất cứ bình luận nào về các tài liệu đặc biệt của Joannides với lý do Morley khởi kiện.

"Các thông tin đã được phân loại trong các tài liệu vẫn phải còn tùy thuộc vào các điều khoản giải mật của Đạo luật", ông nói.

Trong số những tài liệu về Joannides, có một mục được CIA tạo nên và được Morley cung cấp cho hãng thông tấn AP trong đó có chứa thông tin về những chuyến đi, các cuộc huấn luyện và đánh giá nhân sự cũng như bản ghi chú liên quan đến sự phối hợp của CIA với Ủy ban về vụ ám sát.

Cho đến năm 2003, Morley đã chính thức đệ đơn kiện các tài liệu về Joannides. Năm 2010, một thẩm phán liên bang quyết định bác bỏ vụ án. Nhưng vào tháng 6, một phiên tòa phúc thẩm liên bang đã phủ nhận quyết định này vì đề nghị hoàn trả chi phí cho luật sư của Morley bị từ chối.

"Hồ sơ về các bị cáo buộc liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Kennedy là phục vụ cho lợi ích công", phiên tòa này cho hay.

Theo Foxnews, nhiều khả năng việc công bố sẽ cho thấy CIA đã cố che giấu bí mật trong các hoạt động thiếu sót trước thời điểm xảy ra vụ ám sát.

"Ý kiến cho rằng các sĩ quan CIA  không biết đến Lee Harvey Oswald là sai", Morley nhận định. Nói về việc Oswald ám sát thành công, ông cho rằng những nhân viên CIA cấp cao đã phạm tội bất cẩn.

Về phía Blakey, ông không tỏ ra hào hứng khi nhận các tài liệu từ cơ quan tình báo và đặt ra câu hỏi: "Tại sao họ tiếp tục đấu tranh gay gắt để tránh làm những điều mà họ đã hứa sẽ thực hiện?".

Vụ ám sát tổng thống thứ 35 của Mỹ John F. Kennedy diễn ra vào lúc 12h30 ngày 22/11/1963, tại Dallas, tiểu bang Texas. Kennedy đã bị bắn khi cùng đoàn xe đi ngang qua Dealy Plaza.

Đi cùng xe với tổng thống có Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy, thống đốc bang Texas John Conally và phu nhân của ông này.

Vào lúc 1h chiều cùng ngày, Tổng thống qua đời tại phòng cấp cứu bệnh viện Parkland.

Hải Yến

Bình luận
vtcnews.vn