Một cuộc điều tra được phát sóng trên Four Corners tiết lộ về cách những cơ sở kinh doanh ở nước ngoài của Triều Tiên đem lại nguồn thu ngoại tệ khổng lồ cho đất nước này, bất chấp đang bị cấm vận. Triều Tiên được cho là sở hữu một loạt các cơ sở kinh doanh ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và thậm chí là châu Âu.
Những người Triều Tiên đào tẩu khỏi đất nước và một số cựu nhân viên tình báo đã mô tả về cách thức mà những cơ sở kinh doanh của Triều Tiên hoạt động ở nước ngoài.
“Nhiều người có quan điểm Triều Tiên thực sự bị cô lập hoàn toàn khỏi cộng đồng quốc tế, không có quan hệ thương mại với thế giới bên ngoài ngoại trừ Trung Quốc, nhưng sự thật thì không phải vậy”, chuyên gia quốc phòng Andrea Berger nói.
Chuyên gia này nói thêm: “Triều Tiên che giấu một cách khéo léo việc đất nước này thực hiện công việc kinh doanh ở nước ngoài. Đất nước này làm rất tốt trong việc che giấu mọi thứ khỏi tầm mắt của người khác”.
Chính phủ Triều Tiên có một bộ phận bí mật được biết đến với cái tên Phòng 39 và đây được cho là đơn vị điều hành các hoạt động kinh doanh của Triều Tiên ở nước ngoài.
“Trên giấy tờ, Phòng 39 dường như chỉ là 1 đơn vị thuộc Đảng lao động Triều Tiên, nhưng trên thực tế Phòng 39 là 1 quỹ bí mật”, bà Berger cho hay. Phòng 39 được cho là thực hiện các hoạt động công khai hoặc bí mật và mỗi năm mang lại tới 1,6 tỷ USD cho Triều Tiên.
Đầu năm 2017, vụ án 1 công dân Triều Tiên thiệt mạng tại sân bay Kuala Lumpur hé lộ nhiều điều về hoạt động kinh doanh của Triều Tiên tại Malaysia.
“Malaysia được coi là 1 cánh cửa đi ra nước ngoài cho Triều Tiên bởi lẽ đây là đất nước miễn thị thực cho Triều Tiên. Đất nước này là thiên đường cho việc phát triển kinh doanh của Triều Tiên”, theo lời Thae Yong-ho, cựu đại sứ Triều Tiên tại Anh đào tẩu năm 2016.
Video: Có gì bên trong lễ hội bia tươi đầu tiên ở Triều Tiên
Ước tính có hơn 1.000 người Triều Tiên sinh sống và làm việc tại Malaysia. Nhiều người trong số họ tham gia làm được và các dự án phát triển khác, nhưng bà Berger cho rằng Triều Tiên còn có 1 công ty về quân sự có tên Glocom hoạt động tại Malaysia.
“Glocom là mạng lưới bán thiết bị quân sự tại Malaysia, tiếp thị vũ khí và các loại sản phẩm có liên quan trên thế giới, đây có vẻ là công ty sản xuất vũ khí của Malaysia nhưng trên thực tế là công ty của Triều Tiên, bán các công nghệ của nước này cho một số quốc gia tại châu Phi, Trung Đông và thậm chí một số quốc gia châu Á”, bà cho biết.
Bà Berger còn cho rằng hoạt động kinh doanh của Triều Tiên còn diễn ra tại châu Âu, Công ty bảo hiểm nhà nước của Triều Tiên có thể hoạt động ở Anh.
“Triều Tiên được cho là không có mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ, nhưng chúng ta thấy Triều Tiên vẫn có thể tiếp cận được với các sản phẩm của Mỹ. Xe của ông Kim Jong-un được bọc thép tại Mỹ, sau đó được chuyển về Triều Tiên bằng cách nào đó mà cơ quan hải quan Mỹ không biết được”, bà Berger nói.
Mặc dù Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã tuyên bố sẽ thắt chặt cấm vận kinh tế đối với Triều Tiên nhằm đáp trả việc nước này thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 3/9, song việc kinh doanh của Triều Tiên tại nước ngoài vẫn tiếp tục.
Bình luận