Từ nhiều tháng trước, cựu Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch để sa thải Giám đốc FBI Christopher Wray nếu ông tái đắc cử. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, ông Trump gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra nhân vật phù hợp, người vừa có thể thực hiện chương trình nghị sự của ông vừa có thể dễ dàng qua “ải” Thượng viện.
Thách thức ngày càng gia tăng sau khi ứng cử viên ban đầu của ông Trump cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp, Matt Gaetz, phải đối mặt với nguy cơ sẽ không được Thượng viện phê chuẩn. Ông Gaetz gây nhiều tranh cãi vì từng bị điều tra những nghi vấn liên quan đến môi giới mại dâm và cản trở luật pháp.
Ngày 21/11, ông Gaetz đã xin rút khỏi vị trí ứng viên Bộ trưởng Tư pháp Mỹ và Tổng thống đắc cử Trump tuyên bố chọn tổng chưởng lý Florida Pam Bondi làm người thay thế chỉ vài giờ sau đó.
Hiện ông Trump đã cân nhắc lựa chọn tiềm năng: bổ nhiệm ông Mike Rogers, cựu đặc vụ FBI và cựu nghị sĩ bang Michigan, người vừa thua sít sao trong cuộc đua vào Thượng viện, làm giám đốc FBI, trong khi đưa ông Kash Patel, một người trung thành với phong trào MAGA, làm phó giám đốc.
Kế hoạch này có thể làm hài lòng các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện vốn lo ngại về kế hoạch cải tổ FBI của ông Trump, vừa có thể xoa dịu phong trào MAGA vốn đang thất vọng về việc không có nhiều đồng minh của họ được đưa vào các vị trí hàng đầu.
Nhà phân tích Andrew McCabe, cựu Phó Giám đốc FBI trong chính quyền ông Trump nhiệm kỳ đầu tiên cho rằng, ông Mike Rogers sẽ là “lựa chọn hoàn toàn hợp lý” cho vị trí lãnh đạo cơ quan này. Ông Rogers là người hiểu biết sâu về cộng đồng tình báo và có nhiều kinh nghiệm làm việc tại FBI.
Tuy nhiên McCabe lại không đánh giá tích cực về ông Kash Patel. Trong chương trình “The Source” của CNN ngày 21/11. McCabe cho rằng các nhiệm vụ của FBI sẽ không còn an toàn khi ông Kash Patel ở bất kỳ vị trí lãnh đạo nào trong cơ quan này, đặc biệt là vị trí phó giám đốc.
“Tôi không thể tưởng tượng được rằng một người ngoài cuộc không có kinh nghiệm trong tổ chức, không có kiến thức về công việc và phạm vi thẩm quyền liên quan có thể lãnh đạo một cơ quan như vậy”, McCabe, người bị ông Trump sa thải vài giờ trước khi nghỉ hưu vào năm 2018, cho biết.
Ông Trump phỏng vấn nhiều ứng viên tại câu lạc bộ Mar-a-Lago của ở Florida. Một số cái tên đã bị loại khỏi cuộc cạnh tranh nhưng đã nhanh chóng được đưa trở lại, và ông Trump cũng đã trả lời các cuộc gọi từ những người bạn cũ về vấn đề này.
Theo CNN, ông Trump ban đầu xem xét đề xuất từ các đồng minh cánh hữu về việc bổ nhiệm ông Patel vào vị trí cao nhất trong FBI, nhưng lựa chọn như vậy có thể vấp phải sự phản đối từ các thành viên đảng Cộng hòa, đặc biệt là tại Thượng viện. Do đó, Tổng thống đắc cử cân nhắc đưa ông Patel vào vị trí phó giám đốc FBI.
Các nguồn tin cho hay, ông Patel trước đó đã vận động hành lang để trở thành giám đốc FBI, nơi ông sẽ có vị thế tốt để điều tra những đối thủ chính trị của ông Trump và giải mật thông tin nhạy cảm liên quan đến can thiệp bầu cử.
Từ lâu, ông Patel đã bày tỏ ý định “thanh trừng những kẻ âm mưu” trong chính phủ liên bang và giới truyền thông.
“Chúng ta sẽ truy đuổi những người trong giới truyền thông đã nói dối về công dân Mỹ, những người đã giúp ông Joe Biden gian lận bầu cử tổng thống. Dù là về mặt hình sự hay dân sự, chúng ta sẽ tìm ra cách”, ông Patel nói với cựu cố vấn của ông Trump, Stephen K. Bannon, trong một cuộc phỏng vấn cuối năm 2023.
Xuất thân là một cựu luật sư công nổi tiếng thù địch với các cơ quan tình báo, ông Patel đã leo lên nhiều vị trí quyền lực trong chính quyền Tổng thống Trump nhiệm kỳ đầu tiên.
Ông Patel từng được đánh giá là ứng viên tiềm năng khi ông Trump cân nhắc việc sa thải giám đốc CIA khi đó là Gina Haspel sau cuộc bầu cử năm 2020. Tổng thống Trump cũng từng tính tới việc bổ nhiệm ông Patel làm phó giám đốc FBI trong những tuần cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Phó giám đốc FBI là một chức danh nghề nghiệp - không phải là vị trí được bổ nhiệm về mặt chính trị. Bộ trưởng Tư pháp khi đó là William Barr đã thuyết phục Tổng thống đắc cử Trump không bổ nhiệm ông Patel làm lãnh đạo FBI vào thời điểm đó.
Theo truyền thông Mỹ, thái độ thù địch của ông Trump với cộng đồng tình báo có liên quan đến tài liệu nổi tiếng cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 chống lại bà Hillary Clinton.
Mặc dù FBI nhanh chóng phát hiện ra rằng hồ sơ này là sai sự thật và có người đã tài trợ cho tài liệu này, họ vẫn tiếp tục sử dụng nó để theo dõi chiến dịch tranh cử và nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của ông Trump.
Một cựu quan chức tình báo cấp cao Mỹ cho biết: “Ông Trump có ý định truy đuổi cộng đồng tình báo. Ông ấy đã bắt đầu quá trình đó trước đây và sẽ làm lại. Một phần của quá trình đó là loại bỏ tận gốc rễ và trừng phạt những người liên quan”.
Nhiều quan chức khác cũng cảnh báo rằng, một động thái như vậy nếu xảy ra nó có thể sẽ “làm suy yếu uy tín của tình báo Mỹ”.
Bình luận