Theo dự án mới này, các thiết bị được phóng đi để tạo va chạm và làm chệch hướng các tiểu hành tinh trước khi nó bén mảng tới Trái đất. Đây được xem là kế hoạch được đưa ra đúng lúc và kịp thời khi các nhà khoa học dự đoán các thiên thạch sẽ tiếp cận Trái đất vào năm 2022 và một lần nữa vào năm 2024.
Các tiểu hành tinh tấn công Trái đất gần như mỗi ngày, nhưng hầu hết chúng đều bị phá hủy khi băng qua bầu khí quyển. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc hành tinh của chúng ta luôn phải đối mặt với những mối đe dọa tiềm tàng.
Vì vậy, DART, dự án hợp tác giữa NASA và Cơ quan nghiên cứu vật lý ứng dụng Johns Hopkins được kỳ vọng sẽ loại bỏ những nguy cơ này bằng việc thay đổi quỹ đạo của các thiên thạch nhờ thiết bị có kích thước tương đương một chiếc tủ lạnh.
Đối tượng thử nghiệm đầu tiên của DART sẽ là Didymos A và B, hai thiên thạch dự kiến sẽ tiếp cận Trái đất vào năm 2022 và năm 2024. Theo kế hoạch, NASA sẽ phóng đi thiết bị nói trên để tạo ra vụ va chạm làm chệch hướng hai thiên thạch này ở tốc độ 6 km/s, tức nhanh gấp 9 lần tốc độ của một viên đạn.
Video: Phát hiện thiên thạch khổng lồ nặng hơn 30 tấn
"DART sẽ là sứ mệnh đầu tiên của NASA trong việc sử dụng kỹ thuật tác động động học tấn công các tiểu hành tinh, làm thay đổi quỹ đạo và chống lại các mối đe dọa đến từ chúng trong tương lai", Lindley Johnson, một nhà nghiên cứu của NASA cho hay.
Trong khi đó, Andy Cheng, giám đốc Cơ quan nghiên cứu vật lý ứng dụng Johns Hopkins khẳng định rằng DART là bước tiến quan trọng cho thấy cách bảo vệ Trái đất khỏi các cuộc tấn công tiềm ẩn nguy cơ xóa sổ nhân loại.
Bình luận