Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC, mã chứng khoán PVX) vừa công bố báo cáo kiểm toán bán niên 2019 với nhiều điểm đáng chú ý. Ngoài khoản lỗ gần 112 tỷ đồng, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính cho PVC là Deloitte đã từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo này.
Giải trình nguyên nhân thua lỗ, PVC cho biết, công ty cùng các đơn vị đã tích cực thực hiện triệt để công tác tiết giảm chi phí quản lý nhưng hoạt động kinh doanh đều gặp khó khăn trong nửa đầu năm.
Thời điểm hiện tại, lỗ lũy kế của PVC đã gần chạm đến vốn góp chủ sở hữu với hơn 3.746 tỷ đồng.
Bên cạnh khó khăn về hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính bán niên của PVC lại bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến vì không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng để làm cơ sở đưa ra kết luận.
Trước hết PVC bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. PVC đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn, các khoản nợ ngắn hạn thanh toán tại ngày 30/06 chủ yếu bao gồm số dư gốc vay gần 1.122 tỷ đồng (hơn 1.163 tỷ đồng).
Khả năng tiếp tục hoạt động phụ thuộc vào khả năng thu hồi công nợ, tái cấu trúc các khoản đầu tư, hoàn thành và quyết toán các công trình đang dở dang để thu hồi tiền, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông và các chủ nợ.
Mặt khác, PVC cho Công ty Cổ phần Khách sạn Lam Kinh vay để hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 200 tỷ đồng và số dư dự phòng đã trích lập cho khoản phải thu này hơn 124 tỷ đồng nhưng không có bằng chứng liên quan đến giá trị có thể thu hồi của khoản phải thu về cho vay này.
PVC - Land, công ty con của PVC - có nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 264 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 232 tỷ đồng, do đó cũng bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Liên quan đến khoản mục hàng tồn kho, lỗ lũy kế của PVC, đơn vị kiểm toán không có cơ sở xác định vì không thể thu nhập được các bằng chứng thích hợp về diện tích tầng hầm sở hữu chung của chủ sở hữu chung cư và diện tích tầng hầm sở hữu riêng của chủ đầu tư ở dự án chung cư cao tầng Mỹ Phú.
Với khoản mục giá trị thuần có thể thực hiện được của các chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 có giá gốc lần lượt gần 250 tỷ đồng và 26 tỷ đồng, đơn vị kiểm toán không thu thập được bằng chứng.
Hiện, PVC đang làm việc với cơ quan có thẩm quyền, xem xét điều chỉnh giá trị phát sinh chưa lường hết của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 để nghiệm thu, quyết toán chi phí của PVC tại dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1.
PVC có khoản vốn góp vào đơn vị khác đang được phản ánh với tổng giá trị ghi sổ và tổng giá trị dự phòng cho các khoản đầu tư này lần lượt gần 50 tỷ đồng và 18 tỷ đồng, các khoản này chưa được đánh giá được hết sự suy giảm giá trị của các khoản đầu tư trên.
Ngoài ra, khoản đóng góp vào dự án "Tổ hợp nhà ở kết hợp dịch vụ siêu thị và văn phòng làm việc tại Hà Nội" (Dự án Dolphin Plaza) hơn 37 tỷ đồng cũng không đánh giá được việc trích lập dự phòng vì dự án Dolphin Plaza chưa bán được hết các căn hộ và chưa được quyết toán để phân chia kết quả đầu tư.
Liên quan đến việc bảo lãnh khoản vay cho công ty con, từ năm 2016, PVC đã hoàn nhập dự phòng nghĩa vụ nợ liên quan đến thư bảo lãnh cho Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC - SG) vay OceanBank 99,9 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa giải tỏa xong nghĩa vụ bảo lãnh.
Các vấn đề cần nhấn mạnh
Ngoài ra đơn vị kiểm toán Deloitte cũng nêu các vấn đề cần nhấn mạnh:
- Tổng công ty đang ghi nhận khoản cho vay và bảo lãnh vay cho một số công ty khác với số tiền lần lượt 436,3 tỷ đồng và 237,9 tỷ đồng. Tại ngày lập báo cáo tài chính, PVC đang làm việc với các công ty được cho vay, được bảo lãnh và các tổ chức tín dụng để thu hồi khoản cho vay và giải tỏa thư bảo lãnh nhằm tăng khả năng thanh toán.
- Tổng công ty còn có một khoản nợ tiềm tàng chưa có kết quả cuối cùng về các nghĩa vụ liên quan đến PVX.
Bình luận