• Zalo

Hãy uống nhiều nước khi đi bơi

Sức khỏeChủ Nhật, 03/06/2012 12:54:00 +07:00Google News

(VTCNews) - Bơi lội là môn thể thao vua trong mùa hè. Hơn nữa bơi lội cũng là công cụ đắc lực giúp bạn dễ dàng sở hữu một vóc dáng chuẩn và thể lực khỏe mạnh.

(VTCNews) - Bơi lội là môn thể thao vua trong ngày hè. Hơn nữa bơi lội cũng là công cụ đắc lực giúp bạn dễ dàng “sở hữu” một vóc dáng chuẩn và thể lực khỏe mạnh. Thế nhưng để tận thu hết tác dụng từ bơi lội bạn cần lưu ý những điều sau đây.

Không ăn quá no trước khi đi bơi

Ăn uống quá tải trước khi đi bơi sẽ khiến cho bạn có cảm giác ì ạch, khó chịu, gây nên cảm giác uể oải, đau bụng và ảnh hưởng đến thành tích bơi lội.

Bởi lẽ để tiêu hóa được lượng thức ăn bạn thu nạp vào trong cơ thể thì sẽ mất khoảng thời gian 45 phút, lúc này máu sẽ dồn về các cơ quan tiêu hóa để thực hiện chức năng này.

Vậy nên nếu bạn không muốn bị nhiều tác nhân chi phối trong khi bơi lội thì không nên ăn no trước ít nhất 45 phút khi đi bơi.

Đừng quên thoa kem chống nắng

Bể bơi quá đông tiềm ẩn nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh đau mắt đỏ. Hãy nhỏ nước muối sinh lý khi bạn bơi xong.

Với những bể bơi trong nhà râm mát thì bạn không nhất thiết phải dùng đến kem chống nắng nhưng nếu đó là bể bơi ngoài trời thì bạn cần thoa kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tia cực tím và sự tấn công của ánh nắng mặt trời khiến da bị sạm đen, cháy nắng.

Tuy nhiên, loại kem chống nắng sử dụng phải là kem chống nắng không thấm nước mới mang lại hiệu quả chứ không phải loại kem chống nắng thông thường.

Nên thoa kem chống nắng trước 30 phút khi đi bơi và nên chọn loại kem có chỉ số SPF trên mức 30.

Khởi động cơ thể trước khi đi bơi

Trước khi xuống bơi để phòng ngừa những hệ lụy không mong muốn hay như chuột rút, vọp bẻ, chứng co cơ có thể gây tai nạn đang tiếc khi bơi thì bạn cần tiến hành các bài tập khởi động, kéo căng các cơ xương khớp trong cơ thể.

Các chuyên gia khuyên bạn nên khởi động ít nhất 10 – 15 phút trước khi xuống bơi.

Ngoài ra cũng nên áp dụng một số bài tập vận động tay chân cổ trước 10 – 15 phút trước khi xuống bơi để làm ấm cơ thể, phòng ngừa tình trang mệt mỏi.

Không nên đột ngột xuống bơi vì sự chênh lệch giữa nước bể bơi và nhiệt độ trong cơ thể sẽ gây nên những bất lợi cho thân nhiệt, tim mạch và sức khỏe nói chung.

Uống nước đầy đủ

Bơi lội cũng như những môn thể thao khác, bạn cần bù đắp lượng nước đều đặn, đầy đủ cho cơ thể trước, trong và sau khi bơi.

Bơi lội khiến cơ thể có thể bị khử nước, vậy nên cần chuẩn bị sẵn một bình nước để có thể “thưởng thức” bất cứ khi nào bạn có cảm giác khát.

Mang theo mũ bơi

Nước bể bơi luôn có chứa một lượng hóa chất nhất định đặc biệt là hóa chất clo có thể khiến cho tóc bị xơ, khô, rối.

Vì thế mũ bơi là một “hành trang” bạn nên mang theo mỗi khi đi bơi để hạn chế sự tác động của hóa chất đối với mái tóc.

Vệ sinh tai sau khi bơi

Tai là bộ phận rất dễ bị viêm nhiễm đối với những người yêu thích môn thể thao bơi lội. Nước cộng với vi khuẩn xâm nhập vào bên trong tai chính là “thủ phạm” khiến tai bị viêm, nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể biến chứng sang viêm tai giữa và nhiều rắc rối khác.

Vì thế sau khi đi bơi bạn nên vệ sinh tai sạch sẽ bằng cách lau khô và dùng bông tai thấm khô nước trong tai để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm.

Chăm sóc “vùng kín” kỹ càng

Vùng kín là cơ quan cần nhận được từ bạn sự chăm sóc chu đáo và cẩn thận nhất là sau khi tiếp xúc với nước bể bơi, chúng rất có nguy cơ bị “tấn công” bởi hóa chất, vi khuẩn, virus và những mầm bệnh ẩn họa.

Vậy nên cần “tắm, gội” vùng kín cẩn thận có thể sử dụng thêm dung dịch vệ sinh có hoạt tính dịu nhẹ để “tẩy” sạch những mầm họa đe dọa “cô bé” và “cậu bé”.

Đặc biệt với chị em đang trong kỳ đèn đỏ, hoặc trước và sau kỳ đèn đỏ 3 ngày, hay đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa thì không nên đi bơi.

Tắm gội ngay sau khi đi bơi

Hóa chất cũng có thể khiến cho da bị khô do những hệ lụy của nó, vậy nên cần tắm gội lại ngay sau khi bơi xong bằng nước thường và xà bông.

Bằng cách này bạn sẽ hạn chế được tối đa nguy cơ ảnh hưởng mặt trái của nước bể bơi với da và tóc.

Không nên ăn quá nó sau khi đi bơi

Bơi lội là quá trình vận động các cơ, bắp thịt và mọi bộ phận trong cơ thể, ngoài ra bơi lội cũng là môn thể thao giúp bạn gìn giữ vóc dáng chuẩn do tiêu hao được một lượng lớn năng lượng trong cơ thể vì thế sau khi đi bơi bạn thường có cảm giác đói bụng là điều dễ hiểu.

Thế nhưng đừng nên ăn uống lấp đầy 100% cái bụng rỗng của bạn vì nó sẽ khiến cho bạn dễ bị tăng cân, béo phì nhất là trong giai đoạn giảm cân.

Lời khuyên dành cho bạn là chỉ nên ăn nhẹ sau khi đi bơi, nên ưu tiên các món ăn chế biến từ rau, củ, quả thay vì các món ăn chế biến từ đạm, thit, chất béo, tinh bột, đồ ăn nhanh.

Bơi xong bị đỏ mắt, phải làm gì?

Mùa hè nóng bức mọi người đổ xô đến bể bơi mà không biết rằng, ẩn trong làn nước có vẻ sạch sẽ đó là cả tỷ vi khuẩn, nấm mốc, rong rêu, mồ hôi, thậm chí cả... nước tiểu của những người kém ý thức. Bể bơi chính là môi trường lý tưởng cho bệnh viêm kết mạc mắt lây lan.

Bể bơi chính là nguồn lây nhiễm của các bệnh về mắt nói chung và bệnh viêm kết mạc nói riêng rất nhanh. Viêm kết mạc từ hồ bơi thường do vius gây ra và dễ lây lan trong nước. Vi khuẩn Chlammydia Trachomatis gây bệnh viêm kết mạc cũng khá phổ biến trong nước hồ bơi.

Trong tổng số các bệnh lý gây đau mắt đỏ, viêm kết mạc có lẽ là bệnh lý mà các bác sĩ đa khoa thường gặp nhất. Bệnh đặc trưng bởi sự giãn nở các mạch máu nông của kết mạc đưa đến tình trạng cương tụ, phù nề kết mạc và xuất tiết. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh này là sau khi bơi xong ngay lập tức mắt đỏ lên kèm chảy nước mắt, ngứa mắt.

Một điều nữa, mọi người cần lưu ý, bệnh viêm kết mạc còn có loại do lậu gây ra. Nếu bể bơi có người bị bệnh lậu tắm thì môi trường nước chính là nơi phát tán vi khuẩn lậu. Ngoài ra hóa chất sát trùng, làm sạch nước bể bơi cũng chính là một trong những tác nhân gây bệnh.

Để phòng tránh bệnh này, mọi người nên chọn bể bơi nào rộng rãi, được vệ sinh tốt, nguồn nước sạch. Tuy nhiên, một lưu ý quan trọng là, sau khi bơi xong, mọi người nhớ nhỏ ngay dung dịch nước muối Nacl 9‰ thì sẽ phóng tránh bệnh viêm kết mạc mắt bể bơi hiệu quả.

Bác sỹ Nguyễn Song Nhật, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thu Cúc

Khổng Thu Hà (Theo GC)

Bình luận
vtcnews.vn