Trao đổi với phóng viên về vấn đề nuôi dạy con cái, thạc sỹ Ngô Thị Kim Chi chia sẻ nhiệt tình mọi vấn đề. Bà Chi đặc biệt quan tâm đến tài năng cũng như sự phát triển tự nhiên của trẻ.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng không ngần ngại trao đổi về vấn nạn dạy thêm, học thêm của học sinh tại các thành phố phố lớn. Bà Kim Chi nhận định hiện nay, việc dạy thêm, học thêm đã biến tướng khiến cho dư luận bức xúc trong một thời gian dài.
“Việc dạy thêm do quản lý còn lỏng lẻo, thiếu kiểm tra giám sát nên không tránh khỏi những điều trái quy định như : số lượng học sinh học quá đông, thu tiền học phí cao hơn quy định, dạy học sinh lớp mình dạy chính khóa, dạy trước chương trình...”, bà Chi nêu thực tế.
Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng cần phải "xóa sổ" dạy thêm học thêm và trả lại cho những đứa trẻ những mùa hè bổ ích và đầy ý nghĩa.
“Tôi còn nhớ tuổi thơ của chúng tôi cứ đến hè là được về quê, được đi bắt dế, đi ra đồng gặt cùng ông bà. Đến gần chiều thì có thể xuống sông cạnh nhà để học bơi cùng với lũ trẻ ở quê, những nụ cười và những bài học từ chính dịp nghỉ hè này chính là những bài học quan trọng, cần thiết nhất trên con đường học vấn của bất cứ người nào cũng nên lưu lại”, bà Chi nói.
Vị chuyên gia này cho rằng việc giáo dục con cái là điều tất yếu, nhưng không có nghĩa bố mẹ cứ gửi con cho cô giáo, cho nhà trường là xong, là hết trách nhiệm.
Việc giảng dạy, hướng dẫn con cái cũng cần có định hướng. Vì vậy, bà Chi khuyên nên cho trẻ một kỳ nghỉ vui vẻ ở quê, để tình cảm gia đình được gắn bó, để ông bà – con cháu được yêu thương hơn.
Từ đó, gia đình mới có thể hạnh phúc, đầm ấm, từ gia đình mới phát triển một xã hội vững mạnh.
“Nói là vậy nhưng không phải cứ cấm là xong. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có chính sách, có chế độ đãi ngộ tốt, tạo môi trường công bằng cho giáo viên tất cả các môn trong nhà trường”, bà Chi chia sẻ.
Vị chuyên gia này nêu quan điểm nếu ngân sách nhà nước hiện giờ chưa đáp ứng, thì cần phải có chính sách có thể tăng học phí, vì phụ huynh phải đóng rất nhiều tiền cho học thêm, và việc đưa đón con quá mệt mỏi, quá nhiều hệ luỵ.
“Bên cạnh chính sách tăng học phí, phải xây dựng chính sách miễn giảm đối với các đối tượng khó khăn, hộ nghèo, học sinh tự lực học giỏi. Có như thế tâm lý của tất cả các giáo viên của tất cả các môn học có sự bình đẳng, họ sẽ có lòng nhiệt huyết, đam mê, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Đó là cái gốc của vấn đề mà giáo dục cần phải giải quyết nếu không, việc cấm dạy thêm học thêm cũng chỉ mới là hớt phần ngọn”, nữ chuyên gia nói.
Bình luận