• Zalo

'Hãy chuẩn bị cho tình huống xấu nhất ở Triều Tiên'

Thế giớiThứ Hai, 15/04/2013 06:30:00 +07:00Google News

Chi phí và các rủi ro sau đó sẽ rất nặng nề đối với một khu vực Đông Bắc Á ngày càng có tầm quan trọng đối với tăng trưởng toàn cầu.

Tờ Thời báo Tài chính (Anh) số ra ngày 12/4 đăng bài của ông Ian Bremmer, Chủ tịch Tập đoàn tư vấn nguy cơ chính trị Eurasia Group, cho rằng lần đầu tiên kể từ khi Triều Tiên bắt đầu leo thang đe dọa, nước này đã có một bước lùi và đó là một bước lùi quan trọng.

Có vẻ như việc Bình Nhưỡng đóng cửa khu công nghiệp Kaesong - chương trình hợp tác kinh tế duy nhất giữa hai miền Triều Tiên - chỉ là tạm thời.

Đó là một tin vui, nếu không nói là một điều ngạc nhiên lớn. Điều đó cho thấy chế độ của Triều Tiên vẫn còn quan tâm đến nguồn thu nhập và việc làm của hơn 50.000 công nhân nước này đang làm việc tại đây, đồng thời nó thể hiện rằng vẫn còn một khoảng cách xa giữa lời nói và việc làm của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, theo ông Bremmer, những bài học rút ra trong những tuần gần đây cho thấy cuộc chiến tâm lý vẫn chưa kết thúc.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hay bất cứ ai đang thực sự dẫn dắt cuộc khủng hoảng có dũng khí nhưng lại có sự nhận định kém khi cố tình chèo lái đất nước này đi vào vùng biển đầy sóng gió mà chưa một lần thám hiểm trước.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm đơn vị pháo tầm xa Tiền Tiêu hôm 11/3 

Bình Nhưỡng đã hủy Hiệp định đình chiến với Seoul và dọa tiến hành "cuộc chiến tranh nhiệt hạch," làm tiêu tan những hy vọng trước đó rằng sự thay đổi thế hệ lãnh đạo của Triều Tiên có thể mang lại cái gì đó mới mẻ cho một đất nước đang thực sự cần đến nó.

Nếu như sự kiên nhẫn của Trung Quốc đối với Triều Tiên có giới hạn thì ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng cũng chỉ có giới hạn nhất định.

Những nỗ lực liên lạc, tiếp xúc thông qua những kênh chính thức vẫn không tạo ra được sự thay đổi nào trong cách cư xử và hành động của Triều Tiên. Chính vì vậy, Bắc Kinh đã giảm việc tiếp cận trực tiếp và thay vào đó là tiếp cận công khai.

Trong một bài báo mới đây với tựa đề "Trung Quốc nên từ bỏ Triều Tiên," Phó Tổng biên tập một tờ báo của Trường Đảng Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng liên minh Trung Quốc-Triều Tiên đã "lỗi thời," đồng thời nhấn mạnh rằng "Bắc Kinh nên từ bỏ Bình Nhưỡng và thúc đẩy tiến trình thống nhất trên bán đảo Triều Tiên." Trung Quốc đã đưa ra một thông điệp rõ ràng.

Mặc dù vậy, vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy thông điệp này đã được tiếp nhận hay chưa. Bắc Kinh chiếm 80% tổng kim ngạch thương mại và cung cấp tới 90% năng lượng tiêu thụ của Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc ngừng cung cấp hoàn toàn các mặt hàng này có thể phá hủy toàn bộ bất cứ quyền lực nào mà Trung Quốc có để tháo ngòi nổ những quả bom mà Triều Tiên đã tạo ra và sẽ tạo cớ cho Bình Nhưỡng phớt lờ những cảnh báo này.

Vẫn còn một số câu hỏi mà chúng ta chưa thể trả lời một cách đầy đủ. Tại sao Triều Tiên lại làm những việc này? Liệu có phải ban lãnh đạo quá tự tin của Triều Tiên đơn giản chỉ muốn hăm dọa để buộc Mỹ và Hàn Quốc quay trở lại bàn đàm phán và buộc các nước này phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt? Triều Tiên đang thử Tổng thống mới Park Geun Hye của Hàn Quốc? Hay nhà lãnh đạo trẻ và thiếu kinh nghiệm của Triều Tiên muốn có điều gì đó để chứng tỏ với giới lãnh đạo chóp bu của nước này? Đó chính là kịch bản đáng lo ngại nhất bởi vì sự cạnh tranh ở đỉnh cao quyền lực có thể khiến việc đưa ra các quyết định tiếp theo của Triều Tiên trở nên khó lường hơn.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn khôn ngoan để tiếp tục cách tiếp cận "không gây hại là trên hết" đối với vấn đề này.

Không có lý do chính đáng nào để dành cho Triều Tiên những điều mà nước này muốn: sự thừa nhận, tính hợp pháp và nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Theo ông Ian Bremmer, nỗi lo ngại lớn nhất đã biết từ lâu và có khả năng trở thành hiện thực vào một ngày nào đó: chế độ của Triều Tiên sụp đổ.

Tất nhiên, vấn đề quan trọng là chế độ này sụp đổ từ bên trong hay bị nổ tung từ bên ngoài. Dù theo cách nào thì cũng không có ai có khả năng thực hiện quá trình tái xây dựng sau đó.

Đây chính là vấn đề khiến cho Washington, Bắc Kinh, Tokyo và Seoul vẫn để cho Triều Tiên tồn tại. Tuy nhiên, Triều Tiên không thể tồn tại mãi mãi.

Chi phí và các rủi ro sau đó sẽ rất nặng nề đối với một khu vực ngày càng có tầm quan trọng đối với tăng trưởng toàn cầu. Đặc biệt, số phận những vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể sẽ là những câu hỏi gây lo ngại nhất.

Theo Vietnam+

Bình luận
vtcnews.vn