(VTC News) - Bị bán cho đại gia Thái, nhiều người tiếc nuối khi không biết số phận Thịnh vượng Prime có còn là thịnh vượng?
Lợi nhuận tăng vọt
Từ cuối năm 2012, thông tin Tập đoàn xi măng Siam (SCG) của Thái Lan ký thỏa thuận mua 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng) đã thu hút được sự chú ý từ dư luận. Thông tin này gây “sốt” vì Prime là một trong những thương hiệu vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam. Không ít người tỏ ra tiếc nuối khi một “ông lớn” như vậy vẫn quyết tự bán mình dù gặp khó khăn không quá lớn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Tổng giám đốc của Prime rất bình thản khi khẳng định việc sáp nhập giữa Prime và SCG là một bước tiến có lợi cho cả hai bên chứ không đơn thuần chỉ là có lợi cho Prime. Thương vụ này cũng được cả hai phía thảo luận trong một thời gian dài trước khi đi đến sáp nhập chính thức. Với Prime, đây là một bước đi chiến lược quan trọng.
Sau sáp nhập, lợi nhuận của Prime tăng vọt |
Prime hy vọng SCG sẽ hỗ trợ Prime. Đúng như kỳ vọng, sau khi mua Prime, SCG nhanh chóng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại Prime. Trong năm 2013, SCG đã cử một số cán bộ kỹ thuật chủ chốt của Prime sang Thái Lan để học tập nghiên cứu áp dụng một số công nghệ tiên tiến của Thái Lan vào sản xuất tại Việt Nam.
SCG đã đầu tư trên 600 tỷ đồng để triển khai hệ thống cải tạo và nâng cấp máy móc thiết bị an toàn môi trường tại 3 Công ty Prime Vĩnh Phúc, Prime Tiền Phong và Prime Đại Việt.
Năm 2014, SCG dự kiến nâng cấp thay thế toàn bộ hệ thống máy móc cũ của Công ty Cổ phần Prime Group, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Phấn đấu sản lượng sản xuất đạt 70.000.000 m2 gạch ốp lát các loại trở lên; lợi nhuận đạt 1.000 tỷ đồng.
Sự hỗ trợ của SCG sớm phát huy tác dụng. Các chỉ tiêu kinh doanh tại Prime được cải thiện. Doanh thu năm 2011 của Prime chỉ khoảng 170 triệu USD (tương đương 3.400 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế chỉ 10,5 triệu USD (tương đương 210 tỷ đồng). 9 tháng 2012, doanh thu của Prime cũng chỉ đạt 135 triệu USD (2.700 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế 7 triệu USD (140 tỷ đồng).
Tuy nhiên, năm 2013, sau khi được SCG hỗ trợ, Prime đạt lợi nhuận 850 tỷ đồng, tăng 30%; doanh thu là 13.500 tỷ đồng, tăng 18%; nộp ngân sách nhà nước 400 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2012.
Prime Group đã sản xuất được 65 triệu m2 gạch ốp lát các loại (chiếm 25% thị phần thế giới), tăng 10% (trong đó có 5% sản phẩm xuất khẩu). Số lượng bán hàng đạt 60 triệu m2, tăng 10% so với năm 2012.
Công ty đã tạo việc làm cho 4.500 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 5,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 5%. Chế độ ăn ca cho người lao động tăng từ 14.000 lên 16.000 đồng/suất so với thời điểm trước tháng 3/2013 khi chưa sáp nhập.
Mới đây SCG vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2014. Một thông tin được chú ý chính là các công ty của SCG tại Việt Nam đóng góp 133 triệu USD doanh thu, tương đương 2.723 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào doanh thu hợp nhất từ Tập đoàn Prime.
Có thể thấy, nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận, rõ ràng Prime đã thay da đổi thịt sau khi “bán mình” cho ông trùm Thái Lan. Nhưng trong kinh doanh, đôi khi, lợi nhuận không phải là tất cả.
Lo doanh nhân Việt an nhàn
Ông Võ Văn Quang, chuyên gia thương hiệu đánh giá việc Prime tăng mạnh lợi nhuận sau khi sáp nhập là chuyện bình thường, không có gì ngạc nhiên vì “khi muốn mua một doanh nghiệp nào đó, bên mua phải tính toán kĩ lưỡng trong kế hoạch. Phải có lãi người ta mới mua”.
Theo ông Quang, SCG là một thương hiệu mạnh của Thái Lan. SCG có hệ thống phân phối rộng khắp, có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Khi trở thành một bộ phận của SCG, Prime tận dụng được hệ thống phân phối này nên đầu ra rất tốt. Các thị trường lân cận mở ra với Prime. Kết quả là gạch ốp lát Prime chiếm 25% thị phần thế giới. Đây là con số vô cùng khả quan.
Thế nhưng theo ông Quang, vấn đề cần đặt ra ở đây chính là tiền sẽ vào túi ai. Ở Prime, lợi nhuận tăng vọt nhưng hầu hết chui vào túi người Thái Lan vì SCG sở hữu tới 85% cổ phần Prime. Và người Việt Nam chỉ giữ 15% ít ỏi còn lại.
Ông Quang phân tích - “Trong thương vụ này, cả bên bán và bên mua đều có lợi. Bên bán được hưởng số tiền khổng lồ khi ‘bán mình’ và phần lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ cổ phần còn nắm giữ. Bên bán là người được hưởng lợi nhiều hơn và hưởng phần lớn lợi nhuận khi công ty thành công”.
“Tuy nhiên, cái lợi mà chúng ta vừa nói chỉ là tính trong ngắn hạn. Còn xét về dài hạn thì vẫn còn rất nhiều việc phải bàn. Tại Việt Nam, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh dài hạn. Đa phần chỉ tính tới kế hoạch trong 3 đến 5 năm tiếp theo. Ở đây, sau khi bán cổ phần, Prime thu về tiền tươi thóc thật. Họ có thể hạnh phúc vì có rất nhiều tiền nhưng đau xót ở chỗ thương hiệu không còn là của người Việt Nam nữa” – Ông Quang xót xa.
Theo ông Quang, việc “bán mình” để thu về “tiền tươi, thóc thật” là chuyện bình thường trên thương trường, khó phán xét nên hay không nên, đúng hay sai. Nhưng đứng ở dưới góc độ một người làm thương hiệu, có mong ước đưa thương hiệu Việt bay cao hơn, xa hơn, ông Quang xót xa khi chứng kiến cảnh nhiều doanh nhân Việt sớm “chốt lời” lấy tiền để hưởng an nhàn tuổi già.
“Đau xót nhất là chứng kiến nhiều doanh nhân nhụt chí, muốn nghỉ hưu sớm hoặc tự hào vì mình đã là sếp lớn của một công ty nước ngoài”, ông Quang nói.
Bảo Linh
Bình luận