Nuông chiều con quá mức sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến tính cách cũng như cuộc sống tương lai của trẻ. Hiểu rõ những ảnh hưởng tiêu cực từ sự chiều chuộng thái quá này sẽ giúp cha mẹ có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Liên quan vấn đề này, ông Lý Đức Thanh, Phó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Fudubank (chuyên về kỹ năng) cho rằng hậu quả từ việc tạo điều kiện và trao mọi thứ cho trẻ em có thể nhìn thấy cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo ông Thanh, phụ huynh đôi khi khó phân định rạch ròi giữa việc hỗ trợ và bảo bọc trẻ. Nuông chiều trẻ thái quá dễ khiến trẻ ỷ lại, hình thành những thói quen không tốt.
Sau đây là một số hậu quả của việc đáp ứng mọi thứ mà con cái yêu cầu:
Khả năng chịu đựng thấp
Khi đứa trẻ nhận được thứ mình muốn chỉ bằng cách yêu cầu, không cần bất kỳ nỗ lực nào, chúng sẽ khó chấp nhận khi bị từ chối. Chúng sẽ bực bội khi không đạt được điều mong muốn, thậm chí là suy sụp bởi khả năng chịu đựng áp lực kém.
Không biết giá trị của công việc, nỗ lực, kiên nhẫn
Nếu trẻ dễ dàng nhận được những gì mong muốn, bạn sẽ không dạy cho con tầm quan trọng của nỗ lực và làm việc.
Tương tự, trẻ cũng không nhận được giá trị cơ bản của sự kiên nhẫn và chờ đợi để đạt được thành công.
Thậm chí, sự thất vọng có thể dần dần biến thành sự tuyệt vọng cũng như hoang mang khi phải đối diện với sự bất ngờ.
Giận dữ liên tục
Quen có tất cả, con sẽ luôn muốn nhiều hơn nữa. Cùng với đó, những cơn giận dữ sẽ liên tục xuất hiện đi kèm với mức độ đòi hỏi ngày càng cao. Đặc biệt khi trẻ lớn và gặp phải sự khước từ trong các mối quan hệ xã hội khác.
Phụ thuộc
Trẻ sẽ không thể phát triển tính độc lập nếu được mãi nuông chiều, chu cấp theo mọi yêu cầu cá nhân. Thói quen phụ thuộc cứ thế sẽ theo trẻ trong thời gian phát triển tính cách, khiến cho cách tư duy lẫn hành động của trẻ trở nên ỷ lại, ngại việc khó, ngại tìm phương án xử lý vấn đề. Đặc biệt, khả năng phát triển, định hướng, quyết định theo đuổi mục tiêu cuộc sống trong tương lai của trẻ sẽ dần bị hạn chế.
Tổng kết lại, hậu quả của việc cung cấp mọi thứ theo yêu cầu của trẻ dễ dẫn đến việc trẻ không biết cách xử lý sự thất vọng, bỏ qua nỗ lực đạt được mục tiêu, có xu hướng lo lắng và trầm cảm, có tính cách cố chấp và phụ thuộc... Nếu mục tiêu của cha mẹ là bù đắp cho con nhỏ vì sự vắng mặt của nó hoặc để xoa dịu cảm giác tội lỗi, thì kết quả hoàn toàn ngược lại.
"Với tất cả những lý do trên, điều quan trọng và cần thiết là học cách nói "không" đúng hoàn cảnh với con bất chấp cơn giận dữ của trẻ. Đổi lại những đứa trẻ này sẽ là người lớn của ngày mai và bây giờ là lúc nhân cách của chúng được rèn giũa", ông Thanh chia sẻ.
Bình luận