(VTC News) – Sau khi “phế ngôi” nữ đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, doanh nhân Đặng Hoàng Yến trượt dốc.
Trượt dốc dai dẳng
Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA) có thời điểm xem là một trong những cổ phiếu hàng đầu trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM. Trong quá khứ, ITA thường xuyên góp phần không nhỏ vào việc định hướng thị trường.
Kết thúc phiên chào sàn ngày 2/10/2008, ITA tăng lên 48.500 đồng/CP. Với màn trình diễn khá ấn tượng, tới cuối năm 2008, ITA giúp Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo “phế ngôi” người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam từ tay bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên.
Tại thời điểm đó, tổng giá trị cổ phiếu ITA mà bà Yến nắm giữ đạt 1.345 tỷ đồng. Trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán, bà Yến đứng ở vị trí thứ 5.
Các con số này cho thấy bà Yến có thế lực như thế nào trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, kể từ năm 2010, đà trượt dốc bắt đầu xuất hiện, cổ phiếu ITA liên tục giảm sâu. Và tới giữa tháng 11/2010, ITA chính thức rơi xuống dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP). ITA giằng co khá mạnh quanh mệnh giá nên phải tới đầu năm 2011, ITA mới chính thức chìm sâu.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến |
Cổ phiếu ITA chưa thể phục hồi khi Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo thường xuyên đưa ra những bản báo cáo kinh doanh kém lạc quan. Nếu trước đây, lợi nhuận hàng quý của công ty hay đạt hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ mỗi quý thì gần đây, lãi ròng hàng năm còn thua khoản lãi hàng quý của “ngày xưa”.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2011, 2012 và 2013 của công ty chỉ là 73,45 tỷ đồng, 32,98 tỷ đồng và 87,22 tỷ đồng. Sang năm 2014, kết quả kinh doanh được cải thiện hơn nhưng số lãi 144,36 tỷ đồng vẫn chưa thấm vào đâu so với 7.938 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Với kết quả kinh doanh không được như 4 năm trước đây của Tân Tạo, bà Yến từ vị trí thứ 5 đã rớt xuống vị trí thứ 49 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản chỉ còn 364 tỷ đồng.
Đánh giá về diễn biến giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán, trong báo cáo thường niên 2014, bà Yến nhận xét giá trị giao dịch bình quân của ITA thấp hơn mệnh giá và phản ảnh thấp hơn giá trị thật của Công ty. Điều này thể hiện sự định giá theo cảm tính và tin đồn đoán của thị trường chứng khoán hơn là phân tích thực lực và tiềm năng của công ty.
Chật vật với nợ và tồn kho
Hoạt động của công ty có một số vấn đề cần lưu ý. Đó là nợ và hàng tồn kho lớn. Tại thời điểm cuối năm 2014, khoản nợ của Tân Tạo lên tới 4.200 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn – khoản nợ phải trả sớm chiếm tỷ lệ lớn.
Để đối phó với tình trạng nợ nần, trong 3 tháng đầu năm, ITA đã phát hành thêm 119 triệu cổ phiếu để cấn trừ 1.194 tỷ đồng công nợ. Vì thế, nợ phải trả cuối quý 1/2015 của ITA giảm xuống còn 3.085 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính của ITA không nêu cụ thể những khoản mục này. Áp lực nợ của công ty đã được tháo gỡ đôi chút.
Hàng tồn kho cũng là vấn đề lớn của ITA. ITA và công ty “anh em” KBC thường xuyên nằm trong Top các doanh nghiệp niêm yết có hàng tồn kho cao nhất. Đáng lo ngại, chỉ tiêu này đang tăng dần theo quý. Hàng tồn kho trong quý 3/2014, quý 4/2014 và quý 1/2015 lần lượt là 3.800 tỷ đồng, 4.082,6 tỷ đồng và 4.419,5 tỷ đồng.
Trong quý 1/2015, các khoản chi phí phát sinh trong quá trình phát triển các khu công nghiệp Tân Đức và Khu E - City Tân Đức - với giá trị trên nghìn tỷ đồng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hàng tồn kho.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh quý 1/2015 của công ty âm 1.375 tỷ đồng, chủ yếu do việc công ty đẩy mạnh thanh toán các khoản phải trả trong kỳ trong khi dòng tiền thu về chưa lớn tương xứng.
Trước đó, trong báo cáo thường niên 2014, bà Yến đánh giá mặc dù ITA đã đạt kế hoạch và nghị quyết Đại hội cổ đông giao phó cho năm 2014 như báo cáo của Tổng giám đốc và kết quả kiểm toán của E & Y đưa ra nhưng thật sự vẫn chưa đạt được kỳ vọng của Hội đồng quản trị, đặc biệt về kết quả kinh doanh còn chuyển biến chậm.
Trong năm 2014, Tập đoàn đã kỳ vọng Hiệp định T.P.P sẽ có tác động tích cực, tuy nhiên, như đánh giá chung của Bộ Kế hoạch Đầu tư, các nhà đầu tư Nhật Bản đã có chiều hướng chậm lại. Năm 2013, ITA đã thu hút được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản vào khu công nghiệp Tân Đức thì năm 2014 con số chỉ là 2.
Nguyên nhân khách quan là do ITA phải đối mặt với khó khăn lớn trong việc ngân hàng không hoàn trả lại tài sản thế chấp theo tỷ lệ vốn đã hoàn trả theo quy định của luật pháp hiện hành. Bên cạnh đó, các ngân hàng ở Việt Nam có xu hướng định giá tài sản rất thấp.
Quan trọng hơn, bà Yến không ngại thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chủ quan. Đó là do đội ngũ lãnh đạo và kinh doanh của ITA tỏ ra thụ động và kém nhiệt huyết. Sau nhiều năm gắn bó cùng công ty với chính sách được hưởng đã khiến đội ngũ lãnh đạo có khuynh hướng ỷ lại và tạo ra sức ỳ lớn.
“Có lẽ đã đến lúc ITA phải mạnh dạn thay đổi nhân sự chủ chốt để truyền thêm lửa và nhiệt tình của tuổi trẻ cho đội ngũ lãnh đạo công ty” - bà Yến nhận xét.
Bảo Linh
Bình luận