(VTC News) Ngay sau khi đăng tải bài phỏng vấn ĐBQH Dương Trung Quốc về ý thức của mỗi người đối với việc hát Quốc ca, BBT đã nhận được những chia sẻ đầy trăn trở của một độc giả: Vì sao lại thấy “ngại” vì một niềm tự hào?
Đọc những ý kiến của ĐBQH Dương Trung Quốc, tôi thực sự thấy hổ thẹn cho người lớn chúng ta! Hổ thẹn, vì đã ngần ngại khi làm một việc mà đáng ra mình phải thấy tự hào.
Tại sao người lớn “ngại” khi hát Quốc ca? Có cả ngàn lẻ một lý do, ngàn lẻ một cách bao biện. Nào là mình hát không hay, không thuộc hết lời, hát lên chệch choạc mất cả trang nghiêm chả bằng không hát. Nào là những người xung quanh có ai hát đâu, một mình thì ngại chết…
Nhưng xét cho cùng, là vì thói quen của không ít người trong chúng ta, thói quen chào cờ một cách hình thức, chỉ đơn giản là đứng yên, thay vì một phút thực sự lắng mình trong “hồn nước”, như đúng tinh thần của giây phút chào cờ. Trong nhiều hội nghị mà tôi đã có dịp trải qua, có những người thậm chí chỉ đứng lên… nửa chừng, chờ người chủ trì hô “Thôi” là ngồi phịch ngay xuống ghế; có người đứng… bấm điện thoại hoặc loay hoay gì đó. Như vậy, thì còn thần trí nào để hát?
Một lễ chào cờ trang nghiêm của các em học sinh (Ảnh minh họa) |
Cũng phải nói, từ hồi còn là học sinh, tôi đã bị ám ảnh bởi những buổi duyệt khai giảng. Dưới cái nắng tháng Tám rám quả bòng, hàng nghìn học sinh đứng xếp hàng chen chúc trong sân trường, hát đi hát lại đến hàng chục lần cho đến lúc các cô tạm cho là đủ đều, đủ to; hát mà mồ hôi nhễ nhại, cổ họng cháy khô, đầu nóng ran, nhiều đứa bắt đầu hâm hấp sốt... Cứ như thế ít nhất 2, 3 ngày trước buổi khai giảng chính thức. Và từ năm lớp 9, học trò lứa chúng tôi vui sướng tự cho mình “quyền” không phải hát nữa. Ở các trường cấp 3 Hà Nội, hầu như giờ chào cờ chỉ cử nhạc, hoặc cho 1, 2 học sinh đứng sau cánh gà hát, những học sinh khác ngoan ngoãn đứng yên đã được coi là tốt lắm rồi.
Nhưng xét cho cùng, là lỗi của cả hai bên! Các thầy cô đâu đó cũng có người chỉ theo thành tích mà không biết xót học trò, nhưng cũng bởi học trò đã không nhận thức được sự thiêng liêng của giây phút chào cờ, nên thiếu nghiêm túc trong khi hành lễ!
Tương tự, ở các hội nghị của người lớn chúng ta, vì biết các đại biểu “ngại” hát, ban tổ chức thường bố trí sẵn loa đài, ngày trước thì sắp xếp người cầm micro hát, bây giờ đa phần phát thẳng từ đĩa CD, vừa hay, vừa hoành tráng! Nhưng người ta quên mất rằng: những người đứng đây đang chào cờ, chứ không phải đi nghe hòa nhạc! Và càng làm như vậy, thì người ta sẽ ngày càng ít hát, ngại hát mà thôi!
Trong những ngày tinh thần dân tộc dâng cao, như những đợt SEA Games, bài Quốc ca đã vang lên thiêng liêng, tự hào biết bao, trên khán đài, trên bục vinh quang, trong cả triệu con tim. Nhưng chẳng lẽ, chỉ ở trong thể thao, trong những lúc cuồng nhiệt, người ta mới biết yêu nước, biết tự hào dân tộc, tự hào về bài Quốc ca của dân tộc thôi sao?!
Vì sao lại phải “ngại” về một niềm tự hào chân chính?
Dương Nhật Anh
Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy bày tỏ ý kiến của mình bằng cách gõ vào ô thảo luận cuối bài, hoặc gửi về [email protected]. Trân trọng!
Bình luận