Cuộc hẹn chờ đợi 9 tháng 10 ngày
Một tay chống hông, tay còn lại bám vào tường, gương mặt nhợt nhạt, Mai Hoa (24 tuổi, Hòa Bình) nặng nề di chuyển từng bước khó nhọc trong chiếc váy hoa nhí màu hồng xinh xắn. Cạnh giường cô nằm là một khung cửa sổ lớn, thông với hành lang dành cho gia đình sản phụ.
Người nhà không được phép vào phòng, chỉ được chờ ngoài hành lang, sẵn sàng tiếp tế cho các bà mẹ mỗi khi cần. Không thể vào phòng chăm vợ, anh Bình nhoài người lên thành cửa sổ, động viên Mai Hoa cố gắng đi lại nhiều cho dễ đẻ. Khi vợ ăn, anh cũng ngồi dỗ cho vợ ăn hết cơm, lấy sức “chiến đấu”.
An là tên vợ chồng anh đặt cho cậu con trai đầu lòng, ghép với tên bố với mong muốn sau này lớn lên cậu khóc sẽ kháu khỉnh và có cuộc sống an nhàn, khỏe mạnh.
Trong căn phòng bên cạnh, 5-6 sản phụ vui vẻ ngồi tâm sự với nhau, họ cùng nhau nghĩ những cái tên thật hay cho đứa con tương lại của mình. Chị Nguyễn Thị Lan (27 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) muốn đặt tên con gái là Thảo Phương, hiền lành, nữ tính, nhưng lại trùng tên với bà cô nhà chồng nên gia đình không đồng ý. Chị Mai, Hòa, Tuyết cùng “vắt óc” nghĩ những cái tên khác thật hay nhưng Lan không ưng.
- Em khó tính thật đấy, Yến Nhi, Bích Châm, Bảo Quyên cũng hay mà!
Tuyết vừa ôm bụng xuýt xoa vừa cười trách Lan quá kén chọn. Còn cô, tên con trai sẽ do ông bà nội đặt.
Xong chuyện đặt tên con, những bà mẹ lần đầu sinh nở lại lo lắng về quá trình vượt cạn. “Em đọc thuộc các bước sinh, rặn thế nào rồi, chỉ sợ vào phòng đẻ cuống quá lại quên thì chết”, Hòa nói.
Trong góc phòng, một sản phụ nằm quay lưng về phía mọi người, khẽ rên vì những cơn đau chuyển dạ ngày càng dồn dập, ai hỏi thăm cũng chỉ thều thào xua tay ra hiệu mình ổn.
Phía ngoài hành lang, chồng cô đang ngồi trên ghế, căng thẳng… chơi game. Hành trang đưa vợ đi đẻ của anh có lẽ chỉ có ví tiền, điện thoại, sạc dự phòng.
Cố lên em, chị thấy đầu con rồi!
Trong phòng sinh thường, mỗi sản phụ được nằm một giường, hai chân dạng rộng chờ cổ tử cung mở. Trước đây, khi còn “con gái”, e ấp, dịu dàng thì nằm trên bàn đẻ, với cơn đau dữ dội, mọi sự ngại ngùng, e thẹn được vứt sang một bên, phần dưới cơ thể các sản phụ đều trần như nhộng.
“Cảm giác như một cơn đau bụng kinh khủng khiếp nhất tôi từng gặp. Mỗi khi có cơ co thắt, phần lưng dưới như bị kẹp chặt hơn, các cơ bên trong như xoắn lại đến mức không thể chịu đựng mới từ từ giảm.
Càng cố chống lại cơn đau, chúng càng trở hành hạ nhiều hơn”, sản phụ tên Linh gồng mình trước mỗi cơn đau, từng câu nói được ngắt quãng bằng những cơn co thắt.
10 phút sau, cô được các bác sĩ tiến hành gây tê ngoài màng cứng, giúp giảm đau liên tục cho phần dưới cơ thể. Phương pháp này vẫn cho phép mẹ nhận biết khi có cơn co tử cung và rặn đẻ được bình thường.
Linh được yêu cầu nằm nghiêng người sang một bên, một bác sĩ khác vừa an ủi, vỗ về cô vừa dùng sức giữ người không di chuyển trong quá trình tiêm.
Mũi kim lớn được đưa thẳng vào giữa lưng dưới, Linh cắn chặt răng, mặt nhăn lại, nước mắt chảy ra cố chịu đựng cảm giác đau buốt tận óc khi tiêm. Các ống kim gây tê ngoài màng cứng được đặt tại chỗ tiêm trong vòng 1-2 phút, đủ dài để đưa một ống thông dài, mỏng và đàn hồi, có kích thước như một chiếc bút chì vào khoang màng cứng.
Bác sĩ tiếp tục gây tê cục bộ bằng một mũi tiêm rất nhanh và nhỏ, trong khoảng 10 giây. Mọi thao tác bác sĩ đều thực hiện nhanh gọn, dứt khoát để giảm tối đa cảm giác đau đớn cho sản phụ.
Thuốc sẽ có tác dụng sau khoảng 15 phút, những cơn đau co thắt giảm dần, sản phụ tiếp tục nằm chờ cho đến khi cổ tử cung mở rộng hoàn toàn.
Bác sĩ liên tục kiểm tra cổ tử cung của các sản phụ. Khi chúng đã mở hoàn toàn, lúc này, cuộc chiến mới thực sự bắt đầu.
Hai chân sản phụ được hướng dẫn đặt lên một giá đỡ để có thể mở rộng nhất có thể. Người mẹ hít sâu và lấy hết sức lực để rặn, đẩy em bé ra khỏi đường sinh.
Sau 1-2 lần rặn hết sức lực, mẹ yếu ớt, thở gấp, cố hít thở lấy chút không khí để tiếp tục nhiệm vụ lớn nhất cuộc đời. Bác sĩ đọc rõ từng nhịp 2-3, lấy đà cho sản phụ để tiếp tục rặn. Cuộc chiến không chỉ là của người mẹ, các bác sĩ cũng cùng chiến đấu với bệnh nhân.
- Cố lên em, chị thấy đầu con rồi. Rặn tiếp nào! 2, 3…
Cứ thế, những tín hiệu của con như tiếp thêm sức mạnh để mẹ tiếp tục đẩy em bé ra khỏi cơ thể mình. Mẹ tiếp tục rặn nhưng không thể. Bác sĩ rạch một đường nhỏ ở tầng sinh môn (khu vực âm đạo và trực tràng) để mở rộng đường ra cho bé dễ dàng. Đầu em bé lộ ra ngoài.
Người mẹ bám chặt tay vào giường, cố gắng đến tận cùng đẩy vai con ra, rồi đến cơ thể em bé cũng được đưa hoàn toàn ra ngoài.
- Con gái nhé! 11 giờ 40 phút. Chúc mừng hai mẹ con.
Những tiếng khóc đầu tiên cất lên vang cả phòng mổ. Bác sĩ vừa nâng em bé lên phía trước ngực cho mẹ nhìn mặt con, vừa chúc mừng sản phụ vượt cạn thành công. Ngay sau đó, em bé được đặt ngay lên bụng, trong lòng mẹ, da - tiếp – da với mẹ.
Đau đớn, mệt mỏi nhưng khi nhìn thấy con, mẹ bất giác mỉm cười trong hạnh phúc. Mẹ âu yếm nhìn con, nước mắt khẽ chảy xuống. Như một hành động bản năng, em bé mới sinh yếu ớt, bò về phía bầu ngực mẹ, cố gắng tìm nút bú đầu tiên của cuộc đời. Giây phút thiêng liêng đó diễn ra trong vài phút.
Em bé được bác sĩ gắn mã số trùng khớp với mẹ, tránh trường hợp nhầm lẫn các trẻ sơ sinh với nhau. Trẻ sơ sinh sẽ được mang đi vệ sinh, lau sạch nước ối, đo chỉ số cân nặng.
Còn về phần mẹ, sản phụ dưỡng như đã kiệt sức, không thể nói lên lời. Tử cung bắt đầu co thắt một lần nữa để tách nhau thai ra khỏi thành tử cung. Khi thấy có dấu hiệu tách, bác sĩ sẽ yêu cầu sản phụ rặn nhẹ để tống nhau thai ra ngoài. Cuối cùng, bác sĩ sẽ tiến hành khâu tầng sinh môn, vệ sinh và để sản phụ hồi sức.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên
Hoàn tất mọi thủ tục, bác sĩ bế em bé ra ngoài cho gặp gia đình. Chỉ chờ đến lượt gọi tên mình, cha và người nhà chạy vào để được gặp con cháu mình. Vừa nhìn thấy con, anh Hải lúng túng, chân tay bỗng trở nên thừa thải, không biết đỡ con ra sao khi được bác sĩ đưa cho bế. Anh cười trong hạnh phúc bế đứa con đầu lòng nhưng không quên hỏi: “Vợ em có sao không bác sĩ?”
Tiếng khóc của em bé hòa cùng tiếng cười vui sướng của cả gia đình. “Khóc to thế này là khỏe lắm đây!”, bà ngoại, bà nội nhìn nhau gật gù nói.
Trong phòng hậu sinh, tiếng máy chạy ro ro, pha tiếng rên rỉ và tiếng thều thào nói chuyện của các sản phụ. 6 tiếng sau sinh, mẹ mới có thể được gặp con. Thời gian này, các bà mẹ như dấn thân vào một trận chiến mới: thuốc mê, thuốc tê hết tác dụng.
Với những sản phụ gây tê màng cứng, toàn bộ phần thân dưới từ thắt lưng trở xuống sẽ ‘bất động’, tuy nhiên vẫn có thể ý thức và hoạt động phần thân trên. Từng cử động của sản phụ cũng đều phải cẩn thận.
Thấy vợ đau không tự đi lại được, Hiếu dìu vợ từng bước, vỗ về, liên tục hỏi vợ có đau lắm không. “Chồng chăm sóc em rất tốt, để ý từng chi tiết nhỏ, đôi khi em thấy mình chăm con còn không khéo bằng chồng. Với một người phụ nữ, sự quan tâm của gia đình, đặc biệt từ chồng như một liều thuốc giảm đau hữu hiệu nhất”, Hương- vợ Hiếu chia sẻ về sự hạnh phúc vì luôn có chồng ở bên khi vượt cạn.
Đảo quanh mấy phòng sản phụ để nắm bắt tình hình, thạc sĩ, bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Sản A2 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hơn ai hết là người hiểu rõ nhất sự nguy hiểm, vất vả của sản phụ khi sinh nở.
“Người xưa hay nói “cửa đẻ là cửa mả”. Chuyện đó không sai. Tôi mong rằng người chồng nào cũng có thể vào chứng kiến vợ mình sinh nở một lần để thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của phụ nữ. Mỗi năm tại bệnh viện tiếp nhận 40.000 ca sinh nở, không ít trường hợp gặp sự cố ngoài ý muốn.
Bác sĩ không nhớ mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu sản phụ, có bao nhiêu đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay anh. Đó là hành trình giúp anh chứng kiến rất nhiều giọt nước mắt mừng vui và có cả những giọt nước mắt nghẹn ngào sinh ly tử biệt của tình mẫu tử. "Với tôi, điều quý giá nhất là chứng kiến cảnh mẹ tròn con vuông, khi đó tôi biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ", nam bác sĩ tâm sự.
Bình luận