• Zalo

Hành trình vươn tầm thế giới của các doanh nghiệp công nghệ số Việt

Chuyển đổi sốThứ Năm, 26/10/2023 16:29:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sức mạnh của công nghệ, của số hóa toàn cầu đang đem đến những cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp Việt

Cách đây vài năm, số tên của các doanh nghiệp Việt thành công tại thị trường nước ngoài không thực sự đáng kể. Nhưng đó đã là câu chuyện của quá khứ. Theo thống kê, từ năm 2022 tới năm 2023, hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021.

Hàng loạt những tên tuổi được khẳng định như VMO Holding, Rikkei Soft, Viettel Global, FPT, CMC, NTQ và TMA… Bằng câu chuyện của chính mình, các doanh nghiệp kể trên đang khơi gợi lên những đam mê, cảm hứng cho các doanh nghiệp khác, các startup về hoài bão “vươn khơi”.

Mang theo khát vọng “Từ thuở mang gươm đi mở cõi”

Xuất phát là một công ty gia công phần mềm (IT outsourcing), được thành lập từ năm 2012, đến nay, VMO Holding phát triển mạnh mẽ thành một công ty toàn cầu. Với xuất phát điểm thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh lúc bấy giờ, VMO lựa chọn tiến ra thị trường nước ngoài bằng việc giải bài toán khó, sử dụng công nghệ trending, tiên tiến mà trên thế giới còn ít người làm được để làm mũi nhọn tiến công, cung cấp chất lượng dịch vụ với chi phí thấp để cạnh tranh,…

Từ năm 2019 đến năm 2022, VMO Holding liên tục tăng trưởng 200 -300%/năm về quy mô doanh nghiệp và quy mô doanh thu. Từ nhân lực với 70 người năm 2019 thì đến 2022 là 1.200 người. Khách hàng đến với VMO từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, công ty có 7 văn phòng trên khắp thế giới và tiếp tục mở rộng… là minh chứng cho sự đúng đắn trong quyết sách của công ty khi hiểu rõ những lợi thế và hạn chế của mình khi bước ra thế giới để từ đó đạt được thành công hơn cả mong đợi.

Một điển hình khác về doanh nghiệp công nghệ Việt thành công tại thị trường quốc tế trong những năm qua phải kể đến Rikkei Soft. Được thành lập năm 2012, Rikkei Soft tập trung chủ yếu mảng Global và thị trường đầu tiên mà doanh nghiệp này tiến công lại là thị trường “khó nhằn” bậc nhất: Nhật Bản.

Sau nhiều năm nỗ lực, hiện nay, Rikkei Soft là doanh nghiệp công nghệ Việt lớn thứ hai cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp lớn, tập đoàn của Nhật Bản. Với tiền đề là Nhật Bản, Rikkei Soft đã tiếp tục phát triển những thị trường như Mỹ, Singapore, Thái Lan, Úc, New Zealand… Đến 2023, Rikkei Soft có trên 1.600 nhân viên. Trong 5 năm tới, công ty đang đặt mục tiêu phấn đấu trở thành doanh nghiệp công nghệ tỷ đô, IPO tại Mỹ năm 2028.

Nếu như VMO Holding, Rikei Soft là những đại diện tiêu biểu cho các doanh nghiệp công nghệ số trẻ thì câu chuyện của Viettel, FPT, … lại là câu chuyện của những người đi tiên phong, có vai trò dẫn dắt, mở đường.

Từ việc thuần gia công phần mềm, chuyển sang tư vấn, chuyển đổi số toàn diện, từ làm thuê cho khách hàng sang làm đối tác và đồng hành, từ việc chuyển trọng tâm thị trường trong nước sang lấy thị trường nước ngoài làm mục tiêu và là tương lai, sau 20 năm, các doanh nghiệp lớn đã từng bước vẽ lên những “kỳ tích”, khiến thế giới phải nể phục về nghị lực, trí tuệ và bản lĩnh của người Việt.

Câu chuyện về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chinh phục thị trường nước ngoài đang truyền cảm hứng cho các SME, các startup Việt.

Câu chuyện về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chinh phục thị trường nước ngoài đang truyền cảm hứng cho các SME, các startup Việt.

Minh chứng cho điều đó, đầu tiên phải kể đến vai trò của Viettel Global. Từ một doanh nghiệp thuần cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thông, hiện nay Viettel đã trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ số với đa dạng các dịch vụ số cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài.

Năm 2022, doanh thu của Viettel tại các thị trường nước ngoài ước đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, tăng trưởng 20,5% so với năm 2021 và gấp 2,5 - 3 lần tốc độ tăng trưởng bình quân ngành thế giới. Dòng tiền chuyển về nước từ các dự án nước ngoài đạt 404,5 triệu USD.

100% công ty thị trường nước ngoài do Viettel đầu tư kinh doanh đều ghi nhận tăng trưởng ở mức cao, trong đó có 6/9 thị trường tăng trưởng trên 2 con số so với năm 2021: Viettel Myanmar tăng trưởng 46,2%; Viettel Mozambique tăng trưởng 28,7%; Viettel Haiti tăng trưởng 25,5%; Viettel Burundi tăng trưởng 22,8%; Viettel Tanzania tăng trưởng 12,2%; Viettel Timor tăng trưởng 11,1%.

Các lĩnh vực, dịch vụ kinh doanh tại các thị trường nước ngoài của Viettel đều ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn bình quân của thế giới: doanh thu từ dịch vụ viễn thông tăng trưởng 19% so với mức 4% của thế giới; Dịch vụ số KHCN tăng trưởng 39% so với mức 21% của thế giới; Dịch vụ tài chính điện tử tăng trưởng 69% so với mức 26% của thế giới…

Hiện, Viettel đã thành công đầu tư tại 10 quốc gia trên 3 châu lục (châu Á, châu Mỹ, châu Phi) với tổng quy mô thị trường 270 triệu dân, 68 triệu khách hàng trong đó 6 thị trường đứng số 1 về thị phần. Viễn thông nước ngoài tăng trưởng bền vững, đạt 15 - 20%/ năm, đóng góp 80% tăng trưởng toàn Tập đoàn Viettel. Dòng tiền chuyển về Việt Nam trong năm 2022 của Viettel đạt gần 442,7 triệu USD.

Với những nỗ lực không ngừng, Viettel liên tục gặt hái những thành công lớn tại các thị trường tiềm năng bên ngoài.

Với những nỗ lực không ngừng, Viettel liên tục gặt hái những thành công lớn tại các thị trường tiềm năng bên ngoài.

Nếu như Viettel là câu chuyện đi lên từ những thị trường còn nhiều dư địa, chuyển từ dịch vụ viễn thông sang cung cấp dịch vụ số thì với FPT lại là câu chuyện của sự chuyển dịch vị thế, từ chỗ nhận gia công phần mềm từng bước trở thành tư vấn, đối tác hàng đầu của hàng trăm tập đoàn trong Top 500 DN lớn nhất thế giới, mang về doanh số 1 tỷ USD từ nước ngoài, hiện diện tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Những nền tảng, giải pháp Make in Vietnam, Made by FPT có chỗ đứng trên toàn cầu như akaBot - Top 6 giải pháp quy trình doanh nghiệp của thế giới; FPT.AI có 200 triệu lượt sử dụng/tháng từ 15 quốc gia...  FPT tiến tới phát triển quy mô thị trường Mỹ, Nhật, nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị (từ dịch vụ sang từng bước cung cấp sản phẩm (chip)). Doanh thu 2022 đạt 800 triệu USD, kế hoạch năm 2023 đạt 1 tỉ USD.

Không chỉ “mang gươm đi mở cõi”, bằng kinh nghiệm, tiềm lực có sẵn trong quá trình chinh phục thị trường nước ngoài, đến lượt mình, các doanh nghiệp Việt – được tạo lập từ những trái tim, khối óc Việt với tinh thần yêu nước mạnh mẽ đã lại quay trở về để góp phần thúc đẩy lĩnh vực công nghệ số trong nước. Đó là câu chuyện của TMA.

Năm 2022 TMA tăng trưởng 20% ở thị trường nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ mới như 5G, AI, xe hơi.... Đây là sự dịch chuyển căn bản của TMA từ cung cấp các dịch vụ giải pháp cho lĩnh vực viễn thông sang các lĩnh vực công nghệ mới nổi. Bên cạnh sự thay đổi lĩnh vực, từ kinh nghiệm ở thị trường nước ngoài, sau 5 năm đầu tư, TMA đã hoàn thành khu công nghệ cao tại Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn sẵn sàng phát triển các giải pháp cho thị trường trong nước và đón các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư tại VN.

Tiếp tục phát triển sâu các domain (viễn thông, fintech, ...) và các thị trường đang có, hiện TMA có thị trường ở 30 nước, 6 văn phòng ở nước ngoài, cung cấp dịch vụ R&D cho các tập đoàn công nghệ cao: Nokia Networks, Avaya, Alcatel-Lucent Enterprise, HP, Cisco, Mitel, NTT-TX, NEC...

Tận dụng lợi thế từ chính công cuộc CĐS quốc gia

Để đạt được thành công, ngoài sự nỗ lực tự thân, sự quyết tâm lớn mạnh và năng lực của các doanh nghiệp, môi trường chính sách, các cơ chế thuận lợi cũng là yếu tố không thể thiếu. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, với sự đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, các cơ quan bộ ngành, quá trình chuyển đổi số mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội đang có những bước tiến mạnh mẽ.

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia cũng đặt ra mục tiêu kép nhằm vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Cùng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, hội nhập toàn cầu đem đến những cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ, khẳng định bản thân và vươn ra biển lớn.

Theo số liệu của Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ TT&TT), thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin toàn thế giới hiện có quy mô hơn 1.800 tỷ đồng, con số này dự kiến sẽ tăng nhiều lần từ nay đến năm 2030. Điều này chính là cơ hội chưa từng có mà các doanh nghiệp công nghệ số cần phải nắm bắt để phát triển.

Bên cạnh đó, thực tiễn từ năm 2000 đến nay, viễn thông, công nghệ phần mềm phục vụ chuyển đổi số, phát triển công nghệ số tại Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Về hạ tầng băng thông rộng hiện đạt mức 99,73%, đi kèm với đó là đội ngũ gần 1 triệu nhân sự ngành CNTT, bao gồm 500.000 lập trình viên/kỹ sư CNTT ngành phần mềm, chi phí dịch vụ CNTT trong nước chỉ bằng 1/3-1/4 so với các nước khác,…

Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm công nghệ mới nổi của châu Á, với nhiều startup và doanh nghiệp công nghệ mới phát triển nhanh chóng, điều này cho thấy kỳ vọng có những doanh nghiệp công nghệ số đủ năng lực đi ra toàn cầu là hoàn toàn có thể trong khả năng.

Mặc dù vậy, để có thể nắm bắt được thành công, các doanh nghiệp Việt cũng cần phải đối diện với những thử thách từ bên ngoài như sự cạnh tranh từ các đối thủ với kinh nghiệm lâu năm, có kinh nghiệm thâm nhập thị trường, chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Để vượt qua thử thách, tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp công nghệ số Việt cần có chiến lược kinh doanh phù hợp, đồng thời phải chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường quốc tế.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn