• Zalo

Hành trình tìm sự thật cho bức ảnh trong vụ thảm sát Mỹ Lai

Thời sựChủ Nhật, 28/04/2019 09:00:00 +07:00Google News

Sau hơn nửa thế kỷ, bức ảnh "Anh che đạn cho em" trong vụ thảm sát Mỹ Lai (16/3/1968) được trả về đúng sự thật lịch sử với tên nhân vật của nó.

Video: 50 năm thảm sát Mỹ Lai: Bi kịch quá khứ và câu chuyện tương lai

Giữa đầu tháng 4, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) thông báo kết luận cuộc họp hội đồng khoa học về việc chỉnh sửa nội dung chú thích trưng bày thảm sát Sơn Mỹ thuộc chuyên đề "Tội ác chiến tranh xâm lược".

Bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Chủ tịch hội đồng khoa học cho hay: "Sau thời gian xác minh, Hội đồng khoa học kết luận điều chỉnh nội dung chú thích cũ của tấm ảnh thành 'Anh che đạn cho em'. Anh Trần Văn Đức, 7 tuổi. Em Trần Thị Hà, 14 tháng tuổi. Hai anh em hiện còn sống".

Trả lại sự thật cho bức ảnh 

Ông Trần Văn Đức (58 tuổi), Việt kiều sinh sống tại CHLB Đức, là người từng làm "dậy sóng" dư luận khi đứng lên tuyên bố ông là nhân vật trong bức ảnh "Anh che đạn cho em". Bức ảnh này là một trong số 60 tấm ảnh mà cựu phóng viên Mỹ Ronald Haeberle chụp trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Còn bà Trần Thị Hà (52 tuổi, em gái ông Đức) đang sống ở xã Tịnh Châu , TP Quảng Ngãi.

Nhận thông tin này, ông Đức và Ronald Haeberle, tác giả, vỡ òa niềm vui sau 10 năm gian nan tìm sự thật.

tham-sat-my-lai

Bức ảnh "Anh che đạn cho em" trên bờ ruộng buổi sáng 16/3/1968 gây nhiều tranh cãi suốt hơn 50 năm qua ở làng quê Sơn Mỹ. (Ảnh: Ronald Haeberle)

Nhiều lần ông Đức gửi email, đề nghị cơ quan chức năng Quảng Ngãi chỉnh sửa tên bức ảnh tuy nhiên thời gian dài không nhận được hồi âm. Suốt 10 năm qua, ông Đức miệt mài soạn thảo, gửi đi hàng chục gói hồ sơ đến nhiều cơ quan chức năng Việt Nam để chứng minh rằng hai đứa trẻ trong bức ảnh "Anh che đạn cho em" là ông và em gái là Trần Thị Hà.

Ông cho rằng bức ảnh của mình che đạn cho em gái bị chú thích sai hoàn toàn là Trương Bốn che đạn cho Trương Năm và cả hai bị lính Mỹ bắn chết. Thoạt đầu, ông nghĩ chuyện này đơn giản có thể yêu cầu cơ quan chức năng điều chỉnh lại chú thích ảnh vì nhiều người dân địa phương có thể làm chứng, trả lại sự thật cho bức ảnh.

tham-sat-my-lai-1

Nội dung chú thích cũ thành "Anh che đạn cho em". Anh Trần Văn Đức, 7 tuổi. Em Trần Thị Hà, 14 tháng tuổi. Hai anh em hiện còn sống. (Ảnh: Ronald Haeberle)

Không chỉ gửi đơn thư, gặp gỡ nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai, ông Đức gửi email đi khắp nơi dò tìm về hai phi công Mỹ Larry Colburn và Hugh Thompson từng đi trực thăng giải cứu dân làng trong vụ thảm sát Mỹ Lai.

Cuộc hội ngộ lịch sử 

Tháng 7/2011, cả gia đình cựu phi công Larry Colburn đến thăm gia đình ông Đức. Trò chuyện với nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai, ông Larry Colburn cho hay khi nhận được email của ông Đức thì Hugh Thompson đã qua đời. 

Cựu binh Mỹ nói với Đức rằng người phụ nữ mà ông nghĩ là mẹ Đức đã bị thương nặng ở bụng và đùi. Khi trực thăng bay đến gần sát, Larry ra hiệu rằng bà ngồi xuống, ông sẽ bay một vòng thám thính rồi trở lại đón. Sau 15 phút, trực thăng quay lại để cứu bà nhưng quá muộn.

tham-sat-my-lai-3 4

Cựu nhà báo Mỹ Ronald tặng máy ảnh Nikon F và những thước phim âm bản màu về vụ thảm sát Mỹ Lai cho ông Trần Văn Đức. (Ảnh: Trần Văn Viễn)

"Cái chết của bà làm cho phần đời còn lại của cả đội bay dằn vặt. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm về cái chết của bà. Chúng tôi xin lỗi Đức và gia đình", Larry Colburn choàng vai ôm chặt ông Đức nói. 

Tháng 9/2011, sau thời gian dài tìm thông tin, ông Đức đã quyết định bay sang Mỹ tìm gặp ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai hy vọng tìm được manh mối sự thật cho bức ảnh. 

Lật giở từng trang ký ức đau thương giữa cuộc hội ngộ lịch sử, ông kể với Ronald vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Tẩu khuyên con trai bảy tuổi ôm em gái về nhà bà ngoại.

Con đường từ Sơn Mỹ dẫn về nhà bà ngoại ông Đức dài khoảng 7 km. Nhớ khoảnh khắc ôm em gái nằm xuống trên đường làng để tránh đạn, ông nhìn thấy một chiếc máy bay trực thăng vẽ hình cá mập bay rất thấp.

tham-sat-my-lai-2 3

Ronald cùng Trần Văn Đức gặp gỡ báo chí thông tin về bức ảnh "Anh che đạn cho em" ở Bảo tàng Khu chứng tích Sơn Mỹ tháng 10/2011. (Ảnh: Trần Văn Viễn)

Đối chứng với thước phim âm bản, Ronald cho hay Đức mô tả tỉ mỉ về địa hình, địa thế chỗ cậu ta ôm em gái nằm xuống giống với những gì diễn ra trong lúc ông chụp bức ảnh đó. "Thứ tự của tấm phim cho ra bức ảnh đó cũng trùng khớp với câu chuyện của Đức. Tôi tin câu chuyện cậu ấy kể hoàn toàn sự thật", cựu nhà báo Mỹ nói. 

Bồi hồi xúc động, Ronald Haeberle tặng cho Đức chiếc máy ảnh Nikon F mà ông đã sử dụng chụp lại 21 tấm ảnh màu và một số phim âm bản màu về vụ thảm sát Mỹ Lai. Tháng 10/2011, Ronald đồng ý cùng ông Đức trở lại Việt Nam cung cấp thêm thông tin về bức ảnh gây tranh cãi này.

Trong vụ thảm sát Mỹ Lai, cựu nhà báo Mỹ đã chụp lại tổng cộng 60 bức ảnh ghi lại cảnh tượng kinh hoàng (40 trắng đen và 20 ảnh màu). Bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai từng được ông đăng trên tạp chí Life cuối năm 1969, lần đầu tiên công bố với thế giới sự thật kinh hoàng về cái chết của 504 con người vô tội.

Cựu nhà báo Mỹ nhớ như in cảm xúc thời điểm quyết định công bố bộ ảnh ra thế giới với bổn phận trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của một phóng viên chiến trường. Ông tâm niệm một khi sự thật lịch sử mất đi thì tính nhân văn cũng không còn.

Sau 10 năm dài nỗ lực tìm kiếm sự thật lịch sử cho bức ảnh, giờ đây Ronald và ông Đức cảm thấy lòng mình thanh thản. Họ hy vọng tháng 3/2020 khi quay lại Việt Nam xem bức ảnh "Anh che đạn cho em" ở khu chứng tích Sơn Mỹ được trả sự thật lịch sử với đúng tên nhân vật của nó.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn