• Zalo

Nghi vấn mộ tập thể liệt sĩ trong Tân Sơn Nhất: Manh mối bắt nguồn từ đâu?

Thời sựThứ Bảy, 22/07/2017 08:00:00 +07:00Google News

Từ những bức ảnh tưởng chừng là một, ông Thắng lục lại những tư liệu cũ từ các cựu quân nhân Hoa Kỳ và trên internet để tìm kiếm mộ tập thể liệt sĩ trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), thông tin về một ngôi mộ tập thể liệt sĩ trong sân bay Tân Sơn Nhất khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xúc động.

Được biết, những manh mối đầu tiên chỉ ra nghi vấn này xuất phát từ 1 kiến trúc sư nổi tiếng trong việc nghiên cứu, tìm kiếm mộ liệt sĩ.

Nhắc lại hành trình tìm thông tin về ngôi mộ liệt sĩ trong sân bay Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, mọi manh mối bắt nguồn sau khi mộ tập thể khoảng 150 chiến sĩ trong sân bay Biên Hòa được tìm thấy vào giữa tháng 4.

Trước đó, từ các bức ảnh cũ sưu tầm trên internet, ông Thắng và cộng sự đã liên hệ với các cựu binh Mỹ để tìm ra những tài liệu, căn cứ ban đầu cho việc khẳng định tồn tại ngôi mộ tập thể liệt sĩ trong sân bay Biên Hòa. 

19399977_1574009156006304_3397826679969088067_n (1)

Vị trí nghi vấn còn ngôi mộ tập thể liệt sĩ trong sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 

"Trong một lần nói chuyện ở sân bay Biên Hòa, họ (cự binh Mỹ - PV) tỏ ra khá bất ngờ về việc vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, khi mà chiến tranh đã qua đi 42 năm", ông Thắng cho biết.

Sau khi việc tìm kiếm ngôi mộ trong sân bay Biên Hòa hoàn thành, các cựu binh Mỹ trở về nước. Nhưng nhóm ông Thắng vẫn giữ liên lạc với họ, nhằm tìm kiếm, thu thập thêm các thông tin, tư liệu liên quan đến chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968.

Trong rất nhiều bức ảnh được ông Thắng sưu tầm, lưu lại trong máy tính từ nhiều năm trước có 2 bức ảnh thoáng nhìn tưởng chừng như là một. Tuy nhiên, khi nhóm ông đặt 2 bức ảnh cạnh nhau để so sánh, đối chiếu thì đã tìm ra sự khác biệt mang tính chất quyết định.

Theo ông Thắng, bức ảnh thứ nhất có tấm bảng màu trắng với nội dung: "Nơi đây an nghỉ những chiến sĩ đêm mồng 1 Tết Mậu Thân. Linh thiêng xin các bạn hãy giúp cho xứ Việt Nam thân yêu của chúng ta mau thái bình”. Trong khi bức ảnh thứ 2 chụp tấm bảng màu đen có nội dung: "Nơi đây yên nghỉ các chiến sĩ tử trận ngày mùng hai Tết Mậu Thân năm 1968...”.

Ông Thắng kể: "Tôi đã coi 2 tấm ảnh đó nhiều lần, nhưng vì coi cùng một lúc nên không để ý được sự khác nhau của chúng cho đến khi 1 cựu binh Mỹ cung cấp thêm một số ảnh vệ tinh sân bay Tân Sơn Nhất và nhiều bức vẽ, sơ đồ sân bay vào ngày 1/2/2918".

ddd 3

Điểm khác nhau giữa 2 bức ảnh được nhóm ông Thắng phát hiện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 

Trong số bức ảnh, tư liệu mà ông Thắng nhận được, ngoài những bức ảnh có đánh dấu hố chôn tập thể 157 chiến sĩ đã được khai quật vào năm 1995, thì có 1 bức ảnh đầu phía Tây sân bay do Bob Laymon chụp từ máy bay khi cất cánh trên đường băng.

"Các ảnh cũ do người khác chụp không dễ dàng cho người sau biết được chính xác vị trí của nó ở đâu. Thậm chí, chính người chụp có khi họ cũng không thể nhớ chính xác nơi họ đã bấm máy. Sau nhiều năm, chuyện nhớ sai lạc vị trí nơi chụp cũng là bình thường.

Nhiều trường hợp ảnh còn bị ngược khi scan từ phim âm bản. Không gian bị đảo ngược, nếu không thể liên tưởng và nhớ các vật mốc cũng khó mà phát hiện", ông Thắng tâm sự. 

19679317_1589941414357376_2738700312656822841_o 4

Lực lượng công binh đang dò tìm vị trí ngôi mộ trong sân bay Tân Sơn Nhất. 

Khó khăn không dừng lại ở đấy, khi mà việc xác định các địa danh mà lính Mỹ gọi bằng tiếng lóng với tên thật cũng rất khó, phải đọc và đối chiếu rất nhiều mới biết được, chưa kể các địa danh trước kia và sau này đều thay đổi. Chính vì vậy, để biết chính xác vị trí đã chụp các bức ảnh có khi phải mất thời gian rất nhiều năm, phải đối chiếu nhiều hình ảnh, bản đồ, không ảnh và ảnh vệ tinh.

Rồi trong cuộc hội thảo 3 năm 1 lần của trường ĐH Texas Tech được tổ chức năm 2008 nói về trận Mậu Thân tại Tân Sơn Nhất từ góc nhìn lính Mỹ, 1 diễn giả phát biểu: "Có một ngôi mộ gần 200 thi thể được chôn phía trong hàng rào (kẽm gai). Ngoài ra, phía ngoài hàng rào còn có một ngôi mộ khác gần 600 thi thể".

Gần cuối buổi hội thảo, diễn giả thứ 3 có nhắc đến con số 962 thi thể của lính Bắc Việt được tìm thấy. Trong đó có 167 thi thể nằm phía trong hàng rào". Những thông tin này khiến ông Thắng và cộng sự thêm tin tưởng vào những gì nhóm đang theo đuổi.

Video: Nước mắt không ngừng rơi trong buổi tưởng niệm 64 liệt syĩ hy sinh tại Gạc Ma

Từ những gì thu thập được, ông Thắng đã tổng hợp và gửi cơ quan chức năng xem xét tổ chức tìm kiếm ngôi mộ tập thể thứ 2 trong sân bay Tân Sơn Nhất. 

Trong lần đi khảo sát tiền trạm cùng phía quân khu 7, thấy bên trong khu vực sân bay, tại địa điểm nghi có mộ tập thể liệt sĩ đang thi công một số công trình, ông Thắng đã gửi đơn kiến nghị ngừng việc thi công.

Nói về công tác tìm kiếm ngôi mộ liệt sĩ trong Tân Sơn Nhất, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chia sẻ: "Trong không khí chuẩn bị đón chào 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúng tôi vô cùng trăn trở, khi mà vừa an táng hơn 100 bộ hài cốt tìm thấy trong sân bay Biên Hòa, giờ lại tiếp tục tìm kiếm 1 ngôi mộ khác trong sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện tại, các lực lượng vẫn đang làm ngày làm đêm, tìm kiếm các manh mối mới dù là nhỏ nhất".

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn