• Zalo

Hành trình thức tỉnh dưới cửa thiền của một 'nữ quái'

Thời sựThứ Bảy, 06/09/2014 04:31:00 +07:00Google News

Nhìn vẻ hiền lành, vui vẻ của tiểu ni cô Huệ Tịnh ít ai hình dung được chỉ hơn một năm trước, đó là cô gái ngỗ ngược.

Nhìn vẻ hiền lành, vui vẻ của tiểu ni cô Huệ Tịnh ít ai hình dung được chỉ hơn một năm trước, đó là cô gái ngỗ ngược, chuyên giao du với đám 'đầu xanh đầu đỏ'.

Gặp chúng tôi trong bộ trang phục nhà Phật, cô chia sẻ: “Nhờ Phật pháp, sư phụ và mọi người dạy bảo, tôi thấy mình như được tái sinh. Tôi không còn là cô gái ngỗ ngược, bất trị như ngày nào”.

Từ “bóng tối” bước ra “ánh sáng”, thay đổi hoàn toàn lối sống, ni cô Huệ Tịnh là minh chứng cho sức mạnh cảm hóa nhờ tư tưởng nhân văn trong Phật giáo và chân lý “quay đầu là bờ”.


Quá khứ “dữ dội”

Gặp ni cô Huệ Tịnh tại chùa Giác Huệ (huyện Hóc Môn, TP.HCM) trong những ngày lễ Vu Lan báo hiếu, cô thành thật kể cho chúng tôi nghe về quá khứ “dữ dội” khi còn là một “nữ quái” tuổi teen. Huệ Tịnh kể, cô tên thật là Lê Thị Thanh Loan (22 tuổi, quê Tây Ninh).

Mẹ mang thai Loan 7 tháng đã sinh, điều đáng nói là đứa trẻ này ngay từ khi lọt lòng đã khiến mẹ vô cùng khó khăn và đau đớn vì “ra ngược”. Nhiều người vẫn nói “trẻ sinh ngược rất ngang bướng” quả không sai. Vì Loan bị sinh non, sức khỏe yếu và hay ốm vặt nên được cha mẹ cưng chiều hết mức.
Lê Thị Thanh Loan lúc chưa xuất gia. 

Từ nhỏ, cô đã là tiểu thư muốn gì được nấy. Thậm chí sau này khi đã có em gái, Loan vẫn giữ vị trí “độc tôn” trong gia đình. Cha Loan làm trong ngành công an. Ông rất nghiêm khắc trong công việc nhưng với đứa con gái nhỏ lại quá cưng chiều. Dù con gái làm điều gì sai, ông cũng chỉ mắng rồi nhẹ nhàng bảo ban chứ rất ít khi dùng roi vọt. Mẹ Loan cũng là một người phụ nữ lành tính nên ít khi nặng lời và cũng chưa bao giờ làm con đau.


Sự yêu chiều của cha mẹ khiến Loan sinh hư. Từ nhỏ, cô đã thường xuyên cùng đám bạn hư quậy phá xóm làng, không chịu nghe lời ai. Đến năm 16 tuổi, cô càng tỏ ra ương ngạnh. Thầy cô, bạn bè và người dân xung quanh, ai nghe đến tên Loan đều thở dài ngán ngẩm. Ỷ có cha làm công an, Loan chẳng biết trên dưới có ai.

Ngày nào cô cũng kéo “đồng bọn” đi gây hấn, đánh nhau với bất cứ ai thấy “ngứa mắt”. Lần nào bị bắt, Loan cũng được cha đến bảo lãnh, hứa hẹn sửa đổi nhưng sau đó thì vẫn “chứng nào tật nấy”.

Sau một ngày quậy phá, cô kéo bạn bè đi ăn nhậu, đến tối thì lên vũ trường nhảy nhót. Là con gái nhưng Loan luôn được đám bạn trai chơi thân tung hô vì tửu lượng cao, về độ “chịu chơi” vô cùng đáng nể. Để có được những buổi tiệc tùng tưng bừng như vậy, Loan thường xuyên lấy trộm tiền của gia đình.

“Có lần cha tôi bắt quả tang tôi trộm tiền, ông đã rất tức giận và đánh tôi rất đau. Lúc đó, tôi đã rất hận ông. Nhưng tôi không buồn bã hay khóc lóc. Xong trận đòn, tôi vùng vằng xách đồ bỏ nhà đi hoang cùng lũ bạn, tiếp tục những buổi nhậu thâu đêm suốt sáng. Thấy tôi đi, mẹ khóc rất nhiều. Tôi nhìn thấy nhưng hoàn toàn vô cảm. Lúc đó trong tôi chỉ còn thù hận và sự nông nổi của tuổi trẻ”, Loan nhớ lại.


Cha mẹ Loan lúc đó gần như bất lực trước đứa con gái ngỗ ngược nhưng họ chưa bao giờ bỏ cô. Con bỏ nhà đi chơi bao nhiêu ngày thì mẹ Loan thức trắng bấy nhiêu đêm. Cha không gọi điện nhưng vẫn thường xuyên dõi theo để chắc rằng đứa con bất trị vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Có đêm trở về nhà trong tình trạng say lướt khướt, nhìn mẹ vẫn ngồi đợi với thân hình gầy sọp đi, cô vẫn không mảy may hối hận còn lườm nguýt buông những lời nói vô tâm. Năm 18 tuổi phải chật vật lắm, Loan mới bước chân được vào một trường Đại học ở TP. HCM. Nhưng càng tiếp xúc với đám bạn hư hỏng nơi phố thị, cô càng lao vào những cuộc vui chơi trác táng không biết điểm dừng.


Thức tỉnh nhờ Phật duyên

Sau hai năm “ăn chơi” ở đất Sài thành, tháng 7/2013, Loan được bạn bè rủ đến chùa Hoằng Pháp (TP.HCM) theo khóa học tu niệm Phật. Mặc dù từ nhỏ chưa bao giờ có ý định vào những nơi linh thiêng đó nhưng lần này cô quyết định đi, một phần do những lời thách thức của bạn bè, một phần do tò mò muốn thử thay đổi không khí.

“Có lẽ khi đó, tôi đang cảm thấy mệt mỏi sau những cuộc chơi nên muốn tìm đến chốn yên tĩnh như một cách để nghỉ ngơi. Tôi cũng không ngờ sau khóa học mình lại có quyết định táo bạo, khiến tất cả mọi người phải bất ngờ như vậy. Nhưng đó là sự thay đổi tích cực”, Loan chia sẻ.


Loan tham gia khóa tu tại chùa Hoằng Pháp vào đúng dịp dễ Vu Lan. Tại đây, cô có cơ hội được nghe kinh Báo hiếu, nghe các giảng sư nói về đạo làm con, về nỗi cực khổ của các bậc cha mẹ. “Nữ quái” tuổi teen ngày nào thấm thía: “Những bài giảng thấm dần khiến tôi tỉnh ngộ. Tôi nhớ lại quãng thời gian mình đã sống quá vô ích và khiến cha mẹ phiền lòng. Quá khứ như cuốn băng quay chậm trình chiếu trước mặt làm tôi bàng hoàng và hối hận vô cùng.

Chỉ sau một thời gian ngắn, suy nghĩ của tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi đã biết thương cha mẹ, “chia tay” các bạn xấu, không chơi bời sa đọa nữa. Tôi thường xuyên đi chùa để tìm hiểu và nghe các thầy giảng về Phật pháp. Mẹ tôi là một Phật tử nên cũng từ đó, tôi thân thiết với bà và không ngại bày tỏ sự hối hận.

Thấy tôi thay đổi, cha mẹ rất vui. Sau hơn 20 năm được nuôi nấng, dạy bảo, lần đầu tiên tôi để ý đến từng sợi tóc bạc, từng nếp nhăn trên khuôn mặt cha mẹ và cảm thấy hối hận vô cùng. Vì tôi, cha mẹ thức trắng bao nhiêu đêm, rơi biết bao nhiêu nước mắt. Phật dạy: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”. Vậy mà, tôi đã không nhận ra mình là một kẻ bất hiếu trong suốt những năm qua...”


Nỗi day dứt cứ dày vò Loan không ngừng. Chỉ 3 tháng sau, cô quyết định xuống tóc nương nhờ cửa Phật. Đây là một quyết định gây “sốc” với tất cả những ai quen biết Loan. Cô viết một bức thư cảm động gửi cho mẹ, dũng cảm nói lên những lỗi lầm đã gây ra và xin mẹ cho cô được làm lại từ đầu nơi cửa Phật.

Ở nơi quê nhà, mẹ cô đã khóc rất nhiều. Tình thương yêu khiến bà không nỡ để con chọn con đường này. Nhưng bản thân là người theo Phật, bà rất tin vào Phật pháp. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bà quyết định đồng ý với lời đề nghị của Loan. “Hai mẹ con không nói với cha bởi nếu biết, ông sẽ không đồng ý.

Một phần vì ông chưa hoàn toàn tin tưởng tôi, phần khác ông luôn tâm niệm, con cái sinh ra nên để tự tay đấng sinh thành nuôi dưỡng. Tuy nhiên khi biết chuyện, ông đã khóc. Ông nói không đành lòng khi thấy tôi như vậy. Nhưng biết cuộc sống nơi cửa Phật sẽ giúp tôi thay đổi để sống tốt hơn, ông đã chấp nhận”, Loan kể.


Loan chọn ngôi chùa Giác Huệ (huyện Hóc Môn, TP.HCM) làm nơi xuất gia. Từ ngày vào chùa đến nay mới gần 1 năm nhưng Loan đã thay đổi rất nhiều. Cô sống vui vẻ, nhã nhặn và hiền lành với tất cả mọi người. Là một trong những ni cô trẻ nhất chùa, cô có cơ hội thể hiện sự năng động, tháo vát trong nhiều công việc của chùa và được sư phụ trụ trì hết sức quý mến.

Cô tâm sự: “Tôi quyết tâm xuất gia có lẽ cũng bởi cái duyên. Những ngày đầu tiên khi mới vào chùa, tôi thấy nhớ gia đình lắm, bởi từ khi nhận ra lỗi lầm tôi chưa làm được gì để báo hiếu cha mẹ. Nhưng mẹ tôi là Phật tử, bà bảo khi tôi tỉnh ngộ và quyết tâm xuất gia thì đó đã là sự báo hiếu to lớn dành cho bố mẹ rồi. Thỉnh thoảng cha mẹ có lên TP.HCM ghé thăm tôi và nói rằng họ rất yên tâm vì tôi chọn con đường này. Cuộc đời còn lại tôi sẽ chuyên tâm tu học để bù đắp lại quãng đời vô ích vừa qua.

Cuộc sống ở chùa rất yên bình và vui vẻ, tôi được sư phụ mọi người giúp đỡ rất nhiệt tình. Khi có lỗi, sư phụ cũng nghiêm khắc dạy bảo, tôi thành tâm nghe theo chứ không còn ngang bướng như trước nữa. Phật pháp đã cứu rỗi cuộc đời tôi. Tôi không bao giờ hối hận vì con đường mình đã chọn”.


Sư cô Thích Nữ Huệ Thái – Trụ trì chùa Giác Huệ cho biết: “Tiểu ni Huệ Tịnh nguyên là một đứa trẻ ngỗ nghịch, nhưng từ khi vào chùa đã thay đổi rất nhiều. Tiểu ni Huệ Tịnh biết nghe lời, lễ phép, chăm chỉ tu học và nhiệt tình giúp đỡ mọi người xung quanh. Bản tính thông minh giúp Huệ Tịnh học thuộc kinh rất nhanh. Sư cô tin, Huệ Tịnh sẽ không quản ngại khó khăn trên con đường tu hành lâu dài phía trước”.

Theo GĐXH
Bình luận
vtcnews.vn