Chiếc đồng hồ Pháp cổ của gia đình Julien Leroy được gia đình anh Đặng Đình Trung (Hà Nội) coi như báu vật và luôn đặt nó ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Nó có tuổi đời trên 200 năm nhưng vẫn còn nguyên bản và chỉ cần lên cót là hoạt động bình thường.
Thú sưu tầm đồng hồ Pháp cổ quý hiếm
Anh Trung mời tôi đến nhà riêng trên phố Sơn Tây (Hà Nội) cùng chiêm ngưỡng bộ sưu tập hàng trăm mẫu đồng hồ Pháp cổ. Chủ nhân của bộ sưu tập diễn giải tỷ mỉ, chi tiết về nguồn gốc xuất xứ, ý nghĩa và giá trị của từng món đồ.
Anh Trung cho biết, do đam mê sưu tầm đồng hồ cổ từ lâu, vì thế chỉ cần nghe ở đâu có thông tin liên quan là anh phải tìm đến bằng được để xem, tìm hiểu rồi tìm cách mua lại.
Chính vì không tiếc thời gian, công sức, tiền của nên hiện nay, trong bộ sưu tập của mình, anh Trung đã có những chiếc đồng hồ Pháp cổ có tuổi thọ hàng trăm năm, thuộc hàng độc và là niềm mơ ước của nhiều người.
Giới sưu tầm Việt cho rằng, giá trị của những chiếc đồng hồ cổ Pháp còn nằm ở chỗ, chúng thường chỉ xuất hiện trong các tòa lâu đài của các bá tước, huân tước giàu có hoặc trong các nhà thờ công giáo. Đồng hồ thời này cũng ảnh hưởng mạnh bởi thị hiếu của nhà vua Louis XIV nên thiết kế phức tạp, trang trí công phu, và phong cách Dore mạ vàng đặc trưng.
Bên cạnh đó, những chiếc đồng hồ cổ luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt, chúng rất có hồn.
Theo giải thích của giới chuyên chơi đồng hồ cổ, khi đứng trước một chiếc đồng hồ cổ giá trị, chúng ta sẽ cảm nhận được một nguồn năng lượng nội tại từ nó tỏa ra.
"Đó là nguồn năng lượng do tích tụ nhiều năm mà có được và chính nguồn năng lượng vô hình đó mà chúng ta thường gọi là cái hồn, cái đẹp, sự cuốn hút của một món đồ cổ, khi đứng trước chúng. Mỗi đồ cổ hàm chứa một nguồn năng lượng riêng, làm cho người tiếp cận với nó thấy được sự phấn khích, thích thú cũng như mang lại sự may mắn cho gia chủ", anh Trung nói.
Bán biệt thự, đất mặt tiền sang Pháp đấu giá đồng hồ
Dù đã sở hữu rất nhiều loại đồng hồ Pháp cổ thuộc loại hàng khủng nhưng anh Trung vẫn không ngừng tìm kiếm để bổ sung thêm vào bộ sưu tập của mình những thành viên mới.
Anh có thể hào hứng nói chuyện say sưa cả ngày không biết chán về những gì liên quan đến đồng hồ và cầu kỳ, kỹ tính trong việc sắp đặt vị trí đặt đồng hồ.
"Vị trí đặt chúng rất quan trọng và phải có nguyên tắc riêng", chủ nhân những chiếc đồng hồ cổ nói.
Đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà anh Trung là chiếc đồng hồ Pháp cổ của gia đình Julien Leroy, quý hiếm độc nhất Việt Nam.
Đây là chiếc đồng hồ cổ dành cho giới quý tộc Pháp xưa, được đánh giá là còn nguyên bản nhất hiện nay. Đặc biệt, nó cùng dòng với chiếc đồng hồ đang được bày trang trọng tại cung điện Versailles, cung điện lộng lẫy bậc nhất châu Âu và đẹp nhất thế giới.
Do chiếc đồng hồ được sản xuất từ khoảng những năm 1870-1880, theo công nghệ démonter (tháo rời), các bộ phận chính cấu thành nên chiếc đồng hồ này được hoàn thiện riêng biệt từng bộ phận, rồi sau mới ráp lại hoàn chỉnh.
Nhìn tổng quan, chiếc đồng hồ cổ mà anh Trung đang sở hữu gồm 3 bộ phận riêng được ghép nối với nhau: Phần đế được làm từ đá Marble (đá cẩm thạch) nguyên khối, phần thân đồng hồ được đúc từ đồng Bronze sau đó được Dore vàng, và những bức tượng nữ thần cũng được đúc bằng đồng Bronze, rồi mới Dore vàng giúp chiếc đồng hồ toát lên sự tinh tế và quý phái đặc trưng của những dòng đồng hồ cổ Pháp.
Đồng hồ nặng 95 kg, với chiều cao tính từ đế đến phần đỉnh khoảng 85 cm. Phần đế được làm từ đá Marble nguyên khối. Đặc biệt, màu của phần thân đá làm đế đồng hồ đã phủ nâu bóng, in dấu thời gian. Đặt trên phần đế này nổi bật là chiếc đồng hồ do gia đình Julien Leroy chế tác, với đường kính 18 cm.
"Chiếc Julien Leroy này độc nhất vô nhị tại Việt Nam và còn nguyên bản 100%. Trong đó, tất cả các chi tiết từ những chiếc ốc vít đến toàn bộ bộ máy gần như còn nguyên vẹn. Các chi tiết được sản xuất cầu kì và được hoàn thiện thủ công tỉ mỉ do chính các thợ đồng hồ danh tiếng của Pháp thực hiện", anh Trung chia sẻ.
Theo vị chủ nhân, toàn bộ thân đồng hồ được đúc bằng chất liệu đồng điếu (đồng pha thiếc hay đồng Bronze). Đặc biệt, để cỗ máy có thể hoạt động bền bỉ theo thời gian, các thợ thủ công Pháp thời đó đã sử dụng vật liệu đồng dầu (đồng được tôi và ngâm dầu), để chế tạo các chi tiết trong máy đồng hồ, theo công nghệ chế tác của riêng người Pháp.
Mặc dù, đã có trên 200 năm tuổi nhưng tất cả các máy móc, thiết bị bên trong đều được bảo quản rất tốt, chỉ việc lên dây cót là hoạt động bình thường.
Theo chia sẻ của anh Tiệp, một thợ chuyên phục chế đồng hồ cổ có tiếng tại Hà Nội thì, các chi tiết cấu tạo nên bộ máy đồng hồ cổ Pháp này rất khó phục chế nguyên trạng bởi nhiều yếu tố.
Trong đó, yếu tố chính có liên quan đến nguồn vật liệu “không thể tìm được loại vật liệu tương tự” như loại vật liệu mà các thợ thủ công Pháp dùng để chế tác trước đây.
Bên cạnh đó, khi tiến hành thay thế bằng các vật liệu khác còn gặp một trong những vấn đề khó khăn không kém đó là không thể tính toán chính xác độ mòn của mỗi chi tiết bị hỏng so với tổng thể các chi tiết khác trên cỗ máy.
"Đầu năm 2018, qua một người quen bên Pháp, tôi đã được thông báo về gia đình người Pháp muốn bán một chiếc đồng hồ cổ, khi đó tôi chỉ biết phong thanh nó là của gia đình Julien Leroy. Ngay lập tức, tôi chuẩn bị mọi thủ tục bay qua Pháp tìm hiểu và nhờ người thân quen giúp đỡ tham gia buổi bán đấu giá chiếc đồng hồ này", anh Trung chia sẻ.
Với kinh nghiệm nhiều năm săn tìm đồng hồ cổ, anh Trung bị thu hút bởi kiểu dáng và nguồn gốc độc đáo của nó. Theo anh, phải là người có duyên lớn lắm mới có thể may mắn thắng cuộc trong phiên đấu giá tại Pháp để chính thức trở thành chủ sở hữu chiếc đồng hồ vào loại độc nhất vô nhị, hiếm có khó tìm này.
Với ý nghĩ phải sở hữu bằng được chiếc đồng hồ độc đáo này, anh Trung quyết tâm mua bằng được sản phẩm. Anh đã nhờ văn phòng luật sư tại Pháp áp sát và thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết nhằm đảm bảo các tình huống trước phiên đấu giá.
"Tôi đã phải bán biệt thự, đất mặt tiền mới dành chiến thắng trong phiên đấu giá đó và chính thức trở thành chủ nhân chiếc đồng hồ quý giá này. Với tôi, nó là vô giá", anh Trung vui vẻ chia sẻ thêm.
>>> Đọc thêm: Những món hàng ở chợ đồ cổ Nga dân chơi Việt luôn thèm khát sở hữu
Bình luận