• Zalo

Hành trình phá án vụ ba trẻ sơ sinh bị tiêm 'thuốc độc' tử vong

Pháp luậtThứ Năm, 22/05/2014 12:15:00 +07:00Google News

(VTC News) - Kết quả điều tra cho biết, thuốc tiêm dẫn đến việc 3 trẻ tử vong không phải vắc xin viêm gan B mà là thuốc độc.

(VTC News) - Kết quả điều tra cho biết, thuốc tiêm dẫn đến việc 3 trẻ tử vong không phải vắc xin viêm gan B mà là thuốc độc.

Liên quan đến sự việc ba trẻ tiêm vắc xin tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tử vong, sáng nay (22/5), tỉnh Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp báo công bố về sự việc này.

Buổi họp báo sáng 22/5 

Theo đó, thông tin điều tra từ cơ quan Công an tỉnh Quảng Trị công bố, lúc 10 giờ ngày 20/7/2013, Công an tỉnh Quảng Trị nhận được tin báo của Công an huyện Hướng Hóa về việc ba trẻ tử vong tại bệnh viện huyện Hướng Hóa sau khi tiêm vắc xin viêm gan B.

Ngay sau đó, cơ quan này đã thành lập hội đồng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân.


Lúc Hội đồng khám nghiệm đến hiện trường thì hiện trường đã bị xáo trộn hoàn toàn nên công tác khám nghiệm, thu lượm dấu vết gặp nhiều khó khăn.

Sau một thời gian điều tra, thu thập chứng cứ, xác định có dấu hiệu tội phạm, ngày 10/10/2013 cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính".

Tiếp sau đó, cơ quan này phối hợp với Cục C45 (Bộ Công an) áp dụng đồng bộ các biện pháp điều tra để tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án.

Đến ngày 24/3/2014, một cuộc họp liên ngành giữa cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã diễn ra, từ những tài liệu thu thập được, thống nhất hành vi của bà Nguyễn Thị Thuận đã phạm vào hành vi "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp". Chỉ một ngày sau đó, lệnh khởi tố bị can can, bắt tạm giam và khám xét đối với Nguyễn Thị Thuận được thực thi.

Cho đến nay, từ những lời khai của bị can Thuận cũng như hồ sơ, tài liệu thu thập được chứng minh sự thật của vụ án.

Sáng ngày 20/7/2013, bị can Thuận sau khi nhận y lệnh của Bác sỹ đã viết 3 phiếu tiêm chủng vắc xin viêm gan B rồi trực tiếp đến phòng khám của bệnh viện gặp anh Nguyễn Nhật Trường (y tá phòng khám) và yêu cầu anh Trường mở khóa phòng để vào tủ lạnh bảo quản vắc xin, lấy vắc xin về tiêm cho 3 trẻ sơ sinh.

Anh Trường mở khóa phòng, còn bị can Thuận trực tiếp đi vào tủ lạnh để lấy vắc xin. Lúc này điện lưới của bệnh viện bị mất, phòng thiếu ánh sáng, bị can Thuận đã dùng điện thoại di động chiếu sáng để lấy 3 liều vắc xin.

Có vắc xin, bị can Thuận mang về khoa sản, lấy 3 bơm kim tiêm tự khóa (loại kim tiêm chỉ để dùng tiêm vắc xin viêm gan B - PV) rồi cho vắc xin vào và đi tiêm cho 3 trẻ sơ sinh. Tiêm xong, bị can Thuận đi điều trị cho các sản phụ khác. Cho đến khi nghe tiếng kêu cứu của gia đình 3 trẻ sơ sinh vừa được tiêm vắc xin viêm gan B thì Thuận mới chạy đến hỗ trợ đưa 2 trẻ đi cấp cứu.

Nghĩ mình đã tiêm nhầm thuốc nên chạy đến tủ lạnh khoa phòng khám lấy hộp thuốc chứa 3 lọ thuốc mà trước đó Thuận đã tiêm cho ba trẻ và bỏ vào túi áo của mình. Đồng thời để che đậy hành vi vi phạm của mình, Thuận quay trở lại tủ lạnh nơi chứa vắc xin viêm gan B để lấy 3 lọ vắc xin viêm gan B, xả hết thuốc trong lọ rồi vứt vỏ thuốc vào sọt rác của khoa sản. Ba vỏ thuốc tiêm nhầm được Thuận vứt ra gốc cây nhãn cạnh khoa sản bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa.

Sau đó bị can Thuận vào nhà vệ sinh lấy hộp thuốc chứa 3 lọ thuốc đã tiêm cho trẻ ra xem, thấy bên ngoài hộp thuốc có ghi chữ "thuốc độc" bằng bút lông, trên vỏ hộp có in nhãn thuốc bằng tiếng Anh Esmeron nhưng do không biết tiếng Anh nên bị can không biết đây là thuốc gì.

Xem xong, bị can Thuận vò hộp thuốc lại và vứt ra ngoài cửa sổ rồi mới quay lại bồng trẻ thứ ba đi cấp cứu nhưng cả 3 cháu sau đó đã chết.

Liên quan đến vụ việc, biết ba cháu sơ sinh đã chết, Thuận đến xe tiêm cắt vỏ lọ chai an toàn, đổ ra nền nhà, trong đó đựng nhiều mũi và bơm kim tiêm đã qua sử dụng những ngày trước đó. Bị can Thuận lấy ba vỏ bơm kim tiêm tự khóa.

Lúc này nữ hộ sinh khoa sản Hồ Thị Thục thấy vậy đã đưa cho Thuận 1 miếng giấy, gói 3 vỏ bơm kim tiêm đó lại (để giao nộp cho công an sau này - PV), sau đó nữ hộ sinh Thục dọn số bơm kim tiêm còn lại cho vào sọt rác.


Kết quả điều tra xác định, thuốc Esmeron mà Thuận đã tiêm cho ba trẻ dẫn đến tử vong là loại thuốc giãn cơ, dùng trong gây mê, thuộc nhóm thuốc độc. Sở dĩ số thuốc này nằm trong tủ lạnh với vắc xin viêm gan B là do bác sỹ gây mê Lê Huỳnh Sơn của bệnh viện tự gửi vào tủ lạnh để bảo quản, thời điểm cuối tháng 5 đến đầu 6 năm 2013. Trước khi gửi vào tủ lạnh, bác sỹ Sơn đã lấy bút lông viết lên bên ngoài vỏ hộp chữ "thuốc độc".

Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng.

Hồng Thắng
Bình luận
vtcnews.vn