Ngày đầu tháng 9, trời mưa như trút nước, chúng tôi đến xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, Đắk Nông cũng là lúc trời chập choạng tối.
Một phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, nụ cười luôn thường trực trên môi, chị Phạm Thị Hiền (SN 1990, thôn 3) đón chúng tôi vào ngôi nhà nhỏ của gia đình. Ngôi nhà chẳng còn gì giá trị ngoài chiếc tivi đã cũ.
Chị Liên sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, đến năm 2009 chị lập gia đình và cùng chồng đến Lâm Đồng sinh sống. Nhiều năm trôi qua làm đủ nghề để mưu sinh nhưng cuộc sống chẳng mấy khá hơn, anh chị quyết định lên Đắk Nông lập nghiệp với hy vọng thay đổi được cuộc sống hiện tại.
Chị nhớ rất rõ ngày chị nhận tin con gái là Nguyễn Thị Diễm Phương (10 tuổi) ngất xỉu ở trường cách đây hai năm khi đang nhận giấy khen học sinh giỏi. Chị đưa con qua trạm y tế rồi bệnh viện huyện, đến cả các phòng khám tư nhân cũng không phát hiện ra dấu hiệu bất thường nào nên chị đưa con gái về nhà.
Vài ngày sau đó, Phương ngã quỵ ngay bên đống đồ chơi, chị Hiền đưa con lên Bệnh viện đa khoa Đắk Nông thăm khám. Bác sĩ cho biết cháu bị vẹo cột sống bẩm sinh. Bác sĩ tư vấn mổ để nắn lại cột sống, nhưng khả năng bị liệt người rất cao. Nghe vậy, chị Liên đưa con về vì chị sợ điều không may xảy đến.
Rồi cơn đau lại đến với Diễm Phương, chị quyết định đưa cháu xuống Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM thăm khám. Bác sĩ phát hiện Phương có 1 khối u nằm trong tử cung. Chị như chết lặng khi hay tin. Chị ôm con khóc không ngừng, nỗi đau như xé nát tâm can của người mẹ. Chị sụp đổ hoàn toàn bởi Phương luôn là niềm hy vọng của cả gia đình.
Hành trình đồng hành cùng con gái
Từ Bệnh viện Nhi Đồng rồi qua Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cứ thế cuộc hành trình đấu tranh với bệnh tật của hai mẹ con dài đằng đẵng.
Chị Hiền nhớ lại, bốn tháng đầu hóa trị, hai mẹ con chẳng được về nhà. Ngày cháu mổ, chị nhận được tin cháu phải cắt bỏ bàng quang và cả đời phải đi vệ sinh bằng đường ống. Xót thương cho con, sợ sau này cháu bị khuyết tật, lại là thân con gái nên chị cầu xin bác sĩ cố gắng giữ lại bàng quang cho cháu.
Ca mổ thành công, bàng quang của Phương được giữ lại. Những đợt hóa trị sau đó mới thật sự là cuộc khủng hoảng của hai mẹ con. Vết mổ chưa lành khiến em nôn ra máu kèm đợt đau đớn vật vã. Lúc này chị Hiền chỉ biết cầu xin ông trời để chị được chịu nỗi đau của con.
Nhưng cơn đau càng lúc đền càng nhiều hơn. Chị Hiền cho biết, Phương là bệnh nhân nặng nhất bởi đã xuất hiện dấu hiệu tế bào hoại tử có nghĩa là di căn không dừng lại, ngày cuối cùng có thể đến rất gần. Chị vừa khóc vừa nói dù kết quả thế nào, chị cũng sẽ cố gắng giành sự sống cho con bằng bất cứ giá nào.
Nhiều lúc trong nhà chẳng còn lấy nỗi một đồng, chị lại phải vay nợ khắp mọi nơi từ anh, em người thân đến bạn bè, rồi cả vay nóng mong phép màu sẽ đến. Khó khăn cứ thế chất đầy nhưng chị chẳng bao giờ than trách bởi chị nghĩ làm vậy Phương sẽ rất buồn.
Sau thời gian dài chiến đấu với bệnh tật, mẹ con chị Hiền nhận được tin tốt lành, tế bào ung thư được ngăn chặn, Phương xuất viện, niềm vui như vỡ òa trong suốt chuyến xe đưa hai mẹ con về nhà. Nhìn thấy con vui đùa là niềm hạnh phúc vô bờ bến với chị, dù chị biết có thể ngày nào đó bệnh tật lại tìm đến gia đình.
Ngay khi về nhà, chị đến trường xin cho con đi học trở lại. "Tôi sợ một ngày nào đó, con không còn bên cạnh mình nữa, tôi mong con sẽ có những ngày vui vẻ nhất", chị Hiền nói.
Bình luận