Video: Cô gái 25 tuổi đoạt giải Nobel Hòa bình 2018 nhờ những nỗ lực đẩy lùi bạo lực tình dục
Ngày 5/10, giải Nobel Hòa bình danh giá gọi tên cô gái người Iraq - Nadia Murad - bởi những nỗ lực trong việc chấm dứt bạo lực tình dục như vũ khí đầy lùi chiến tranh và xung đột vũ trang. Để đi được tới hôm nay, Nadia phải trải qua nhiều tổn thương cả về mặt tâm hồn lẫn thể xác.
Bị buôn bán như món hàng, chịu không ít nỗi đau da thịt hay bị cưỡng hiếp bởi những kẻ cùng một giuộc với thủ phạm giết gia đình mình là những lý do đủ để Nadia Murad chọn cách quên đi. Thế nhưng, cô gái 25 tuổi đã không im lặng, không nuốt nỗi đắng cay lại trong lòng.
Hiểu rằng ở ngoài kia, còn rất nhiều phụ nữ đang phải sống trong địa ngục như thế, Nadia Murad dùng câu chuyện của chính mình nói cho cả thế giới biết về cuộc sống nô lệ tàn tệ, về những tội ác vẫn cứ diễn ra hàng ngày như lẽ thường, giày xéo quê hương cô.
Ác mộng bắt đầu từ cuộc chiến
Sinh ra và lớn lên tại đất nước Iraq vắng bóng hòa bình bởi nội chiến diễn ra triền miên, cô gái 25 tuổi người dân tộc Yazidi - Nadia Murad - từng có những ước mơ bình dị như bao bạn trẻ khác. Cô mong muốn khi lớn lên sẽ được trở thành giáo viên hoặc mở một tiệm làm đẹp.
Tuy nhiên, những ước mơ thanh thuần thuở thơ ấu bỗng chốc tan biến khi cơn ác mộng mang tên đạo quân Hồi giáo cực đoan IS ập đến với ngôi làng nhỏ của Murad vào tháng 8/2014. Nó cướp đi những gì tốt đẹp nhất cô có bao gồm cả gia đình và ao ước giản đơn.
Không còn những ngày tháng tự do, Murad phải sống trong tủi nhục vì bị rao bán như nô lệ tình dục.
Bao nhiêu lần mua qua bán lại là bấy nhiêu lần những nỗi đau về thể xác lẫn tâm hồn hành hạ Murad. Chúng đối xử với cô chẳng khác nào món hàng rẻ mạt. Cô nhỡ rõ những phiên chợ chỉ bắt đầu khi đêm xuống.
Sau khi bị bắt khỏi gia đình, những phụ nữ rơi vào tay IS đều bị giam giữ tại vài căn cứ nhất định của chúng. Tại đây, Murad không thể nào quên tiếng xì xầm hay tiếng bước chân lên cầu thang của những tên lính. Và dường như những âm thanh ấy đã dự báo tương lai mịt mờ, đen tối phía trước.
Khi người đàn ông đầu tiên bước vào, các cô gái ở đây bắt đầu hoảng sợ, la hét và cầu xin tha mạng. Mặc cho có khẩn khiết đến đâu, họ chỉ nhận lại được ánh mắt vô cảm vì điều những người đàn ông tiến vào căn phòng này quan tâm đơn giản là tuổi tác, dung nhan và trinh tiết của thiếu nữ nơi đây. Trong ký ức của Murad, những người đàn ông này được miêu tả giống quái vật, mất tính người.
May mắn hơn nhiều phụ nữ, vào năm 2015, Nadia Murad đã chạy trốn thành công nhờ sự giúp đỡ của một gia đình Hồi giáo.
Tiếng nói đòi công bằng cất lên từ lầm than
Ở thời điểm hiện tại, tuy đã rời xa Iraq và có cuộc sống tốt đẹp hơn tại nước Đức xa xôi, Nadia Murad vẫn chưa thôi day dứt. Tâm trí của cô gái hướng tới quê hương, tràn ngập nghĩ suy về đau đớn của những ai còn ở lại.
Sau một năm 3 tháng từ khi IS ập đến ngôi làng, cô quyết định tới Thụy Sĩ tham gia diễn đàn của Liên Hợp Quốc về vấn đề tôn giáo. Đó là lần đầu tiên cô đứng trước nhiều người, nói lên câu chuyện đời mình.
Murad muốn thế giới biết đến những đứa trẻ chết khát, những gia đình mắc kẹt trên núi chỉ vì chạy trốn quân đội cực đoan, những cái chết oan uổng, đau đớn ở tuổi còn xanh, muốn họ hiểu nỗi đau của hàng nghìn phụ nữ và trẻ em vẫn đang bị giam cầm, đối xử tồi tệ trong căn cứ tối tăm.
Nadia Murad phát biểu: "Tôi muốn chúng nghe thấy tiếng cậu bé 5 tuổi chúng bắt cóc, tiếng cô bé 9 tuổi chúng xâm hại và tiếng của người mẹ 30 tuổi đau đớn vì mất con. Bằng chính thanh âm cất lên từ nạn nhân, tôi muốn chúng cảm nhận được những gì mình đã làm".
Đặc biệt hơn mọi thứ, Nadia Murad khao khát được thốt lên rằng cô chỉ là một trong hàng trăm nghìn người dân tộc Yazidi chịu nỗi đau đớn khôn xiết ấy. Đó cũng là quan điểm đi theo Murad suốt hành trình hoạt động nhân quyền.
Năm 2017, Nadia Murad ra mắt cuốn tự truyện mang tên The last girl (Cô gái cuối cùng) với thông điệp tràn đầy hy vọng: "Tôi muốn là cô gái cuối cùng trên thế giới kể câu chuyện đời nhiều đau thương như vậy".
Sau thời gian dài theo đuổi sứ mệnh vì hòa bình và công lý, Nadia Murad trở thành người Iraq đầu tiên nhận giải thưởng Nobel danh giá. Bên cạnh đó, cô là người đoạt giải trẻ thứ nhì, chỉ xếp sau Kailash Satyarthi - người từng giành Nobel Hòa bình năm 2014 khi mới 17 tuổi.
Hiện tại, quân đội phía Tây và Chính phủ Iraq tuyên bố chiến thắng, song vẫn còn nhiều người dân Yazidi mất tích chưa được tìm thấy, hàng nghìn người khác phải sống trong điều kiện thiếu thốn tại các trại tị nạn. Vì thế, với những điều Murad đạt được, cô trở thành anh hùng trong lòng nhiều cô gái và người dân Yazidi.
Như Samantha Power - đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc - từng nhận xét: "Nadia Murad không chỉ là người sống sót. Murad sở hữu sự dũng cảm, kiên cường, cứng rắn và tâm hồn khiến người khác cảm động. Cô ấy sẵn sàng đi sâu vào nỗi đau, kể lại câu chuyện rùng rợn của bản thân để những người khác không phải trải qua nỗi sợ hãi như vậy một lần nữa".
Bình luận