(VTC News) - Đang tạo công ăn việc làm cho 8.000 lao động, HTX Ngọc Bích bỗng điêu đứng vì nữ chủ nhiệm bị tố "tham ô tài sản" hơn 17 triệu đồng.
Gần nửa đêm ngày cuối năm, bà Huỳnh Ngọc Bích (Chủ nhiệm HTX tiểu thủ công nghiệp Ngọc Bích ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) vẫn cặm cụi đan những chiếc giỏ cuối cùng cho lô hàng giao về Bình Dương.
Gần một năm qua, người phụ nữ 48 tuổi này vừa chờ sự phán quyết cuối cùng của TAND Tối cao (kháng cáo bản án 6 tháng tù treo về tội Tham ô tài sản mà TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt vào tháng 3/2012), vừa chạy đôn chạy đáo khắp nơi để gây dựng lại phong trào đan lát bằng nguyên liệu cói, lục bình, dây chuối... để tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 4.000 lao động miền Tây.
Gần nửa đêm, bà Bích vẫn cặm cụi đan hàng để kịp giao trước Tết. Ảnh: Ái Nam |
Hai mươi năm trước, bà Bích mở tiệm tạp hóa ở chợ Mỹ Xuyên sau khi xin nghỉ làm ở ngân hàng vì thấy công việc không phù hợp. Được một năm, người phụ nữ này chuyển sang nghề mua đầu tôm để bán lại cho người trồng dưa hấu và kinh doanh thêm con trùng lá khi có nhiều người đến miền Tây mua trùng xuất khẩu sang nhiều nước để làm mồi câu.
Năm 1995, thấy cha nhận tiền nghỉ hưu được 600.000 đồng (khoảng 1,5 chỉ vàng), bà Bích mượn hết số tiền này để mở tổ hợp đan giỏ bằng nguyên liệu nhựa. Nhờ thị trường tiêu thụ tốt, cuối năm ấy tổ hợp này tạo được công ăn việc làm cho 300 lao động.
Nhận thấy tại TP HCM có nhiều cơ sở làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ dây chuối, cối, lục bình phơi khô... nhưng lại thiếu nguyên liệu và công nhân nên giao hàng không kịp cho đối tác ngoài nước. Vậy là chủ cơ sở đan đát Ngọc Bích nhờ lãnh đạo Sở Công thương kết hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng tổ chức đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm. Sau đó, 12 phụ nữ Sóc Trăng được HTX mây tre lá Ba Nhất ở TP HCM nhận vào học việc một tháng nhưng sau khi về quê chỉ có duy nhất bà Bích trụ được với nghề đan lát rồi mở HTX Ngọc Bích vào năm 2002.
Nguyên liệu đan đát của HTX Ngọc Bích chủ yếu là dây cói, lát, lục bình, dây chuối khô. Ảnh: Ái Nam |
Để có lao động biết làm ra sản phẩm đẹp, nữ chủ nhiệm HTX dạy nghề cho láng giềng xung quanh. Sau đó, "học trò" của bà Bích tiếp tục dạy nghề cho người thân, bạn bè, hàng xóm nên đến năm 2009 HTX Ngọc Bích tạo được việc làm cho khoảng 8.000 lao động nhàn rỗi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với thu nhập hơn 300.000 đồng một người mỗi tháng.
"Số tiền này tuy không lớn nhưng nếu một gia đình có 4-5 người cùng nhận lục bình, dây chuối về nhà đan giỏ trong những lúc rảnh tay thì một tháng cả nhà cũng có thêm gần 2 triệu đồng. Được Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ, đã có 6 lớp học nghề đan lát được tổ chức với hàng trăm người theo học. Sau đó, những học viên này tiếp tục 'truyền nghề' cho người thân", bà Bích nhớ lại thời hoàng kim của HTX.
Không lường hết chữ ngờ, giữa năm 2009 bà Bích bị Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố về hành vi Tham ô tài sản. Theo cơ quan điều tra, năm 2007 HTX Ngọc Bích ký 6 hợp đồng đào tạo nghề với Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng nhưng chỉ mở có 1 lớp tại huyện Vĩnh Châu. Những lớp còn lại chỉ khai giảng 2 lớp rồi không dạy và 3 lớp không thực hiện.
Từ kết luận trên, Công an Sóc Trăng cho rằng chủ nhiệm HTX Ngọc Bích nhận 17,6 triệu đồng là tiền dự án đào tạo nghề. Cơ quan điều tra còn kết luận bà Bích đóng dấu treo trên phiếu thu rồi xé đưa cho cán bộ trung tâm khuyến công thanh toán khống tiền đào tạo nghề nên chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát cùng cấp truy tố người phụ nữ này tội Tham ô tài sản.
Giữa tháng 10/2010, cơ quan điều tra đến bắt bà Bích nhưng một đêm trước đó người phụ nữ này đã lên Bình Dương giao hàng nên công an "bắt hụt". Được lãnh đạo HTX Ba Nhất bảo bọc, bà Bích bay ra Hà Nội nhờ người can thiệp để được tại ngoại và bay về Sóc Trăng dự phiên tòa đầu tiên vào ngày 26/11/2010.
Những chiếc sọt thành phẩm sản xuất từ HTX tiểu thủ công nghiệp Ngọc Bích. Ảnh: Ái Nam |
Theo luật sư Ngô Hữu Nhị (Trưởng Văn phòng luật sư Thiên Ân thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM), các phiếu thu đóng dấu treo của HTX Ngọc Bích không có giá trị pháp lý vì không có chữ ký của người thu tiền. Việc Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng sử dụng giấy tờ của hợp tác xã để hợp thức hóa chứng từ, rút tiền khống thì đó là việc làm của người khác nên không thể quy kết bà Bích thông đồng với Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng để tham lạm tiền dự án.
Đối với việc kết tội bà Bích, luật sư Nhị khẳng định cơ quan tố tụng đã hình sự hoá các quan hệ kinh tế bởi các hợp đồng ký kết giữa hợp tác xã với Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng là hợp đồng kinh tế. “Nếu như xảy ra trường hợp hợp tác xã không hoàn thành 100% hợp đồng thì hoàn tiền lại chớ không thể gán ghép vào tội hình sự để đưa một HTX vào bờ vực phá sản và chủ nhiệm HTX vướng lao lý ”, luật sư Nhị nhấn mạnh.
Để làm rõ những khuất tất này, năm 2011 Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thành lập đoàn thanh tra, xác minh việc mở các lớp học của HTX Ngọc Bích theo hợp đồng ký kết với Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng. Trưởng đoàn thanh tra là ông Nguyễn Mạnh Thảo (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) cho biết qua làm việc với học viên của 5 lớp học mà cơ quan điều tra cho là bà Bích không tổ chức, đoàn kiểm tra khẳng định bà Bích đều có mở lớp đầy đủ theo hợp đồng ở các điểm Thuận Hòa, An Hòa, Bình Hòa, Nhơn Hòa của xã Gia Hòa 2 và lớp tại xã Tham Đôn của huyện Mỹ Xuyên.
"Khi khai giảng các lớp này, cán bộ huyện, xã dự đầy đủ vì đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nghèo miền Tây. Vì vậy, số tiền HTX Ngọc Bích nhận về (17,6 triệu đồng) từ việc mở lớp cho bà con nghèo là hợp pháp. Do đó, cơ quan điều tra tạm giữ số tiền này là trái pháp luật", ông Thảo cho biết.
Thế nhưng, sau 6 lần hoãn phiên tòa, lần xử thứ 7, bà Bích bị phạt 6 tháng tù treo về tội Tham ô tài sản. Cho rằng mình bị án oan, bà Bích làm đơn kháng cáo nhưng gần một năm qua vẫn chưa thấy TAND Tối cao xét xử.
"Tôi vẫn tin vào công lý và tin rằng oan án của tôi sẽ được gột rửa. Một năm rưỡi trước nếu tôi bị bắt thì có lẽ hợp tác xã sẽ rệu rã luôn từ đó. Công an 'bắt hụt' nên tôi vừa đi kêu oan, vừa điều hành từ xa để gầy dựng lại HTX trên bờ vực phá sản nhằm giúp bà con nghèo miền Tây có được công ăn việc làm từ nghề đan lát", bà Bích chia sẻ.
Ái Nam
Bình luận