Những ngày giáp Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, chúng tôi tìm về phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để gặp ông Nguyễn Lâm Sáu (78 tuổi) – người vừa được Công an tỉnh Đắk Lắk công khai xin lỗi vì bị mang thân phận bị can suốt 33 năm.
Trong căn nhà cấp 4, ông Sáu ngồi trên chiếc ghế sofa, bằng giọng nói nhẹ nhàng, ông thuật lại câu chuyện khiến ông bị bắt oan hơn 30 năm trước.
Video: Ông Nguyễn Lâm Sáu chia sẻ với phóng viên về việc bị hàm oan 33 năm
Bỗng dưng dính án oan
Ông Nguyễn Lâm Sáu sinh ra và trưởng thành trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Gia đình 6 anh em thì ông Sáu nổi lên là người có tài học cao.
Năm 1962, ông Sáu được Nhà nước tạo điều kiện sang Liên Xô du học. 5 năm sau, ông về nước và được nhận công tác tại Nông trường Đông Hiếu (tỉnh Nghệ An).
Trong thời gian này, chiến tranh diễn ra khốc liệt nhưng bản thân ông Sáu và cán bộ tại lâm trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Sau giải phóng, năm 1977, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước về việc điều động cán bộ có trình độ vào khu vực Tây Nguyên để làm việc xây dựng đất nước, ông Sáu tình nguyện đưa gia đình vào vùng đất mới lập nghiệp. Nghĩ lại thời điểm đó, ông Sáu bảo, không hối hận với quyết định vào Tây Nguyên của mình.
“Đất nước mới giải phóng với vô vàn khó khăn. Trong thời điểm đó, tầng lớp tri thức như chúng tôi đều tình nguyện chung tay kiến thiết, phát triển đất nước sau chiến tranh”, ông Sáu chia sẻ.
Được điều động vào công tác tại nông trường Ea Kao (Đắk Lắk) nhưng chỉ một thời gian sau, ông nhận thấy bộ máy hoạt động ở nông trường bắt đầu trì trệ, nạn tham nhũng xuất hiện.
Trong các cuộc họp toàn đơn vị, ông Sáu liên tục đấu tranh, công bố bằng chứng một số cán bộ có hành vi tham nhũng, hối lộ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nông trường.
Trước sự đấu tranh, lên án quyết liệt trong công tác chống tham nhũng của ông Sáu, Ủy ban Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Lắk thời điểm đó nhanh chóng vào cuộc xác minh sự việc.
Trong Báo cáo kết luận thanh tra nông trường Ea Kao số 97 ngày 4/6/1985 khẳng định phản ánh của ông Sáu là có cơ sở, chính xác: "Công tác quản lý đất đai, thiết bị xe máy, vườn cây, sản phẩm… có nhiều sai phạm nguyên tắc, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản xã hội chủ nghĩa…”.
“Sau kết quả này, tôi đã nghĩ lẽ phải, sự thật đã được bảo bảo vệ trước cường quyền. Nhưng mọi chuyện không phải vậy…”, ông Sáu kể.
Sau đợt thanh tra của tỉnh Đắk Lắk, bản thân ông Sáu phải nhận hàng loạt các hành động mang tính trù dập, cản trở trong công tác: ông bị đơn vị điều động công tác bất hợp lý, cắt lương, cắt gạo…, nhưng tai ương chưa dừng lại ở đó.
“Tôi không bao giờ quên cái ngày 14/11/1985, ngày mà tại nhà tôi xuất hiện hai cán bộ công tác tại Công an tỉnh Đắk Lắk đến lục soát nhà.
Qua quá trình khám xét, những cán bộ này thu giữ một chai tinh dầu cam đã hỏng. Thế rồi tôi bị bắt vì tội Buôn bán hàng trái phép", ông Sáu nhớ lại.
Việc bắt giữ này theo ông Sáu là mâu thuẫn, không khách quan khi đối chiếu thời điểm Công an Đắk Lắk bắt, khám xét nhà ông và biên bản khám xét cách nhau một tháng (Lệnh bắt số 08/LB ngày 14/12/1985 trong khi việc bắt giữ thực hiện vào ngày 14/11/1985 - PV).
Đáng nói, quá trình bắt và khám xét nhà ông Sáu không có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát.
Sau 9 ngày ngồi tù, ông Sáu mới được thả ra với tờ Lệnh tạm tha mà không có bất kỳ giấy tờ, văn bản nào chứng minh ông vô tội.
Lệnh tạm tha có nội dung: “Trong khi chờ kết thúc điều tra và quyết định di lý, căn cứ vào pháp luật hiện hành "Ra lệnh tạm tha". Bị can Nguyễn Lâm Sáu về địa phương phải trình lệnh này với địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày, giờ quy định”.
Theo ông Sáu, sau ngày Công an Đắk Lắk ra lệnh tạm tha, vụ việc của ông đã không được giải quyết rốt ráo và bị rơi vào quên lãng. Kể từ thời điểm đó, lệnh tạm tha như một án treo lơ lửng đè nặng lên gia đình và bản thân ông.
Hành trình đi tìm công lý
Sau lệnh tạm tha, ông Sáu liên tục gõ cửa các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương để minh oan cho bản thân.
Ngay khi đơn thư của ông Sáu được gửi lên Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã gửi công văn, thư tay vào năm 2008 và 2010 đến lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk bấy giờ yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc của ông.
Phản hồi Trung ương, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng ra văn bản thừa nhận, Công an Đắk Lắk đã có những sai sót trong việc bắt ông Sáu
Dù vậy nhưng mãi đến năm 2013, Công an tỉnh Đắk Lắk mới ra quyết định về việc giải quyết đơn khiếu kiện lần đầu đối với trường hợp của ông Nguyễn Lâm Sáu.
Quyết định ghi rõ: “Thời hiệu khiếu nại đã hết… Ông Nguyễn Lâm Sáu bị tạm giữ, sau đó được tạm tha, không phải bị bắt giam và được tạm tha, vụ án chưa được khởi tố và ông Sáu chưa bị khởi tố với tư cách là bị can…”.
Quyết định của Công an tỉnh Đắk Lắk thừa nhận: “Việc tạm giữ đối với ông Nguyễn Lâm Sáu quá hạn 7 ngày (từ 18/11 đến 24/11/1985), đồng thời việc sử dụng sai biển mẫu Biên bản bắt, khám xét và Lệnh tạm tha… đã ảnh hưởng về mặt vật chất và tinh thần đối với ông Sáu...
Trách nhiệm trên thuộc về ông Bùi Văn Nhị - nguyên Trưởng phòng An ninh Kinh tế - Văn hóa (nay đã nghỉ hưu) và ông Bùi Văn Cường (nguyên cán bộ thi hành lện bắt, khám xét) – Phòng An ninh Kinh tế - Văn hóa… Hai ông có tên nói trên có trách nhiệm cùng Phòng An ninh Kinh tế - Văn hóa, Công an tỉnh Đắk Lắk thỏa thuận bồi thường thiệt hại đối với ông Sáu”.
Tuy nhiên, ông Sáu không chấp nhận mà tiếp tục khiếu nại yêu cầu được nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì suốt mấy chục năm trời ông đã bị oan và phải mang thân phận bị can, bị tước quyền công dân.
Trải qua nhiều cuộc thỏa thuận giữa các bên, cuối tháng 1 vừa qua, Công an tỉnh Đắk Lắk và gia đình ông Sáu chính thức thống nhất thời gian, địa điểm tổ chức buổi xin lỗi công khai.
Vậy là sau bao nhiêu năm kiên trì đi tìm sự thật, sự việc của ông Nguyễn Lâm Sáu đã được giải quyết thấu tình, đạt lý khi Công an tỉnh Đắk Lắk đã dũng cảm thừa nhận sai lầm và tổ chức xin lỗi công khai về những sai sót của đơn vị thời điểm năm 1985.
Khi phóng viên hỏi động lực nào giúp ông đấu tranh bền bỉ trong ngần ấy năm, ông Sáu nói, ông luôn tin vào sự thật. Ông tin rằng, việc bắt giữ người trái quy định của Công an tỉnh Đắk Lắk nhất định được những người đứng đầu Nhà nước làm sáng tỏ.
Vậy nhưng, để đến được với chân lý, ông Sáu đã phải trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt.
“Khi bị bắt, tôi bị giam giữ chung với những đối tượng phạm tội hình sự. Cái đói, cái lãnh lẽo nơi ngục tối thật sự dày vò tâm can tôi. Cảm giác đó ám ảnh tôi đến nay không nguôi”, ông Sáu nhớ lại.
Chưa hết, sau khi ra tù, hàng loạt tai ương liên tục giáng xuống gia đình ông. Đó là hàng loạt vụ việc đáng ngờ xảy đến với gia đình ông nhưng đến nay chưa được làm sáng tỏ: Đất thổ cư của gia đình ông bị nhiều đối tượng lấn chiếm, nhà bị đốt không tìm được hung thủ, bản thân ông bị nhiều đối tượng hành hung…".
Ông Sáu chia sẻ, trước ngày Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức xin lỗi công khai về việc vi phạm trong hoạt động tố tụng hình sự xảy ra năm 1985 dẫn đến oan sai, gia đình ông lặng lẽ sắm sửa ít trái cây, nén hương nhân ngày giỗ mẹ ông.
Ngày giỗ mẹ ông năm nay đặc biệt hơn mọi năm khi án oan của ông đến nay đã được làm rõ. Trong ngôi nhà nhỏ nằm sát Quốc lộ 14, ông Sáu dâng nén hương kính báo người mẹ đã khuất cùng tổ tiên rằng, công lý đã không bị bẻ cong.
Bình luận