• Zalo

Hành trình đi tìm con chữ của em bé 4 tuổi khiến người xem rơi nước mắt

Video Thứ Ba, 27/02/2018 12:58:00 +07:00Google News

Lớp học tạm bợ dựng bằng tre nứa là điểm trường cho 1 cô và 25 trò cùng nhau học tập, lớp nằm cheo leo trên quả đồi cao, chẳng khác nào một ốc đảo khi đường sá, ô tô chưa thể vào đến nơi.

Cuốc bộ 5km đường đồi núi hiểm trở từ nhà đến trường là thách thức mà các em nhỏ dân tộc La Chí ở thôn Thống Nhất, xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì, Hà Giang) phải vượt qua hàng ngày.

Không có đường nhựa sạch sẽ và khô ráo, những cung đường ngoằn ngoèo đều là thử thách nguy hiểm với cả người lớn, nhưng đó lại là hành trình tìm kiếm tri thức duy nhất của những đứa trẻ vùng cao.

Video: Bốn mùa yêu thương - Xuân ấm Bản Phùng

Trời mưa đường lầy lội như ruộng, trời nắng thì mịt mù bụi. Những con dốc vừa cao, vừa nhỏ và trơn trượt. Vượt qua những đoạn đường gian nan ấy vào mùa hè đã vất vả, mùa đông với cái lạnh tê tái của vùng núi cao càng khiến con đường tới trường của các em nhỏ nơi đây thêm gập ghềnh, khó khăn.

Cô giáo Hoàng Thị Cử vẫn thường đi bộ gần một ngày đường để đến nhà các em vận động đi học. Tính ra đi đã mòn không biết bao đôi dép nhưng cô Cử vẫn không muốn dừng bước chân vì cô biết, một học sinh đến trường là một cuộc đời có thể được thay đổi.

Để cõng chữ lên với các làng bản, giáo viên vùng cao phải trải qua nhiều đường đi khó, trèo đèo, lội suối, cõng xe máy qua đường lầy. Nhưng những người thầy như cô Cử đều không muốn kể những nỗi mệt nhọc dọc đường vì đơn giản, họ biết có rất nhiều học sinh cũng đến trường vất vả như thế, thậm chí hơn thế.

em be vang a ly 1_6

Con đường đến trường gian nan của các em nhỏ thôn Thống Nhất, xã Bản Phùng.

“Tôi công tác trên này 3 năm nhưng chưa bao giờ thấy hối hận. Tôi cũng rất nhớ con nhưng vẫn cố gắng bám trường bám lớp. Tôi coi các học sinh như các con của mình. Nếu mình không  lên dạy thì các con cũng không biết chữ. Tôi mong các cháu được đi học để biết được cái chữ”, cô Cử chia sẻ nỗi niềm day dứt suốt 3 năm nay của mình.

Đoạn đường tới điểm trường thôn Thống Nhất, xã Bản Phùng cách trung tâm xã hơn 10km đường rừng, đất đá và dốc núi. Đặc biệt vào mùa đông, sương mù bao phủ và cái lạnh thấu xương nhiều khi xuống âm độ. Càng lên cao độ dốc càng lớn, đường ngày càng hẹp, nhìn sang là vực sâu hun hút.

Thật khó hình dung khi chỉ cách đây vài tháng, lớp học tạm bợ dựng sơ sài bằng tre, nứa lại là điểm trường cho 1 cô và 25 trò cùng nhau học tập. Vách lớp được quây bằng bạt, không có tường che chắn nằm cheo leo trên quả đồi cao, chẳng khác nào một ốc đảo khi đường sá, ô tô chưa thể vào đến nơi, quanh năm phải chịu cảnh mưa hắt, nắng rọi. Đây vừa là nơi trú mưa, trú nắng, vừa là chỗ nằm, vừa là chỗ học của các em nhỏ đủ mọi lứa tuổi từ 2-5. Chưa kể, điều kiện ở điểm trường tạm này lúc nào cũng thiếu thốn điện và nước.

em be vang a ly 1_4

Thật khó hình dung lớp học tạm bợ này lại là điểm trường cho 1 cô và 25 trò cùng nhau học tập. 

Để ước mơ đến trường của các con không dang dở, nhà trường đành phải mượn tạm hội trường thôn để con đường đến trường của 25  em nhỏ không bị gián đoạn. Nhưng hôm nào hội trường thôn họp, cô trò lại phải nghỉ.

Không chỉ vậy, con đường đến trường của các em nhỏ từ đây cũng thêm muôn vàn gian nan khi hội trường thôn cách nhà các em nhỏ từ 5-7km.

“Bây giờ ở điểm tôi rất thiếu thốn cơ sở vật chất, phải học nhờ hội trường thôn. Tôi mong ước có lớp học ổn định để các cháu được vui chơi, đến lớp học như các bạn khác”, cô Cử chia sẻ mong ước giản đơn.

Thấu hiểu và sẻ chia với ước mong đó, dự án xây điểm trường thôn Thống Nhất được nhen nhóm, những mong mang lại niềm vui mới cho cô và trò nơi đây, đặc biệt trong dịp Tết đến xuân về.

Dưới sự hỗ trợ của Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội và các mạnh thường quân, chương trình “Bốn mùa yêu thương” đã bắt tay vào khởi công xây điểm trường mầm non vào ngày 6/1.

Nhưng khó khăn lớn nhất mà chương trình gặp phải chính là đường sá vào điểm trường mới này, phương tiện xe cộ không vào được. Hơn 100 người dân cả nam, nữ, người già cho đến thanh niên đã đồng lòng quyết tâm, vận chuyển hàng tấn nguyên vật liệu bằng cách gùi trên lưng trên quãng đường hơn 2km đèo dốc, trơn trượt để khởi công, xây móng.

em be vang a ly 1_8 4

Hàng tấn nguyên vật liệu được vận chuyển đến tận nơi xây điểm trường bằng sức người. 

Điều kỳ diệu đã xảy ra khi trong vòng chưa đầy 3 tuần, trường học đã được hoàn thiện căn bản. Có lẽ chính niềm tin và sự quyết tâm, dốc lòng dốc sức của những người thực hiện dự án xây điểm trường mầm non đã biến ước mơ của cô và trò nơi đây trở thành hiện thực sớm hơn cả sự mong đợi của chương trình.

Ngày khánh thành trường học có lẽ là giây phút nhiều người mong đợi nhất. Mặc dù đầu giờ chiều mới diễn ra lễ khánh thành và bàn giao trường mầm non thôn Thống Nhất, nhưng ngay từ sáng sớm, rất đông phụ huynh đã háo hức đưa trẻ đến trường. Không khí của những ngày đầu xuân vì thế càng đông vui, tấp nập như ngày hội.

em be vang a ly 1_5 5

Ở miền đất dốc núi cheo leo ngời lên sức sống của điểm trường được xây mới khang trang. 

Niềm vui không giấu được trên gương mặt đã nhuốm màu thời gian của các mẹ, các chị bởi có lẽ lâu lắm rồi, ở nơi tận cùng heo hút này mới vang lên những âm thanh tươi vui đến thế bởi trước đó, hầu hết những đứa trẻ lớn lên mà không có một ước mơ về ngày mai vì thiếu cái chữ, đói cái ăn, ít cái mặc. Có lẽ từ đây, ước mơ của chúng sẽ chính thức được sang trang.

Từ nay, các em học sinh, phụ huynh và giáo viên nơi đây không còn sống trong cảnh thấp thỏm lo âu mỗi khi mùa mưa bão đến, cũng không còn phải bỏ học giữa chừng vì đường đi lại xa xôi, vất vả.

Không chỉ là ngôi trường mới, chương trình còn quyết định chuẩn bị một món quà tinh thần đầy ý nghĩa cho cô, trò và người dân tộc La Chí đón một cái Tết ấm áp, sum vầy. Cái Tết ấm tình miền xuôi với miền ngược, là sự giao nhập giữa yêu thương và chia sẻ.

em be vang a ly 6

Nụ cười sáng ngời lên trên gương mặt trẻ vùng cao.

Đây sẽ là một nguồn động viên lớn lao để cô trò nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này tiếp tục bám lớp, bám trường, vượt khó, ươm lên những mầm xanh.

Rồi tới đây sẽ còn vang lên tiếng cô giảng, trò trả bài, tiếng chân rộn nơi sân trường, những nụ cười ngời lên trên gương mặt trẻ vùng cao. Một niềm vui rưng rưng cùng lan tỏa trong tim những người thực hiện chương trình. Đây mới chỉ là bắt đầu, hành trình phía trước còn dài, nhưng những gì chương trình để lại sẽ chắp cánh cho ước mơ của các em bé vùng cao bay cao, bay xa hơn nữa.

Nguồn: VTV
Bình luận