Một ngày nắng, 05/06/2018, khi mẹ mang song thai 25 tuần 3 ngày. Bé Gấu đột nhiêu quay đầu, con muốn ra sớm để được thấy mặt trời. 9h30 sáng hôm đó, con ra đời, con và Gấu em được nhận về Khoa Hồi sức sơ sinh - Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, TP.HCM ngay sau sinh.
Sau sinh 2,5 ngày mẹ được xuất viện và được sang gặp con. Lúc này chiến binh của mẹ bé xíu, Ngoại gọi con là trái bắp của mẹ.
Bé Gấu 700g và bé Gấu em 900g, con bé xíu, bé đến mức để giữ nhiệt cho con, các bác để con trong 1 túi nylon, miệng đặt nội khí quản, người đầy các loại dây. Nào là dây của các monitor, dây dịch truyền… 5, 6 cái máy bơm tiêm điện. Mẹ dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng khá sốc khi thấy cảnh tượng này.
Hai con nằm đó, nhìn vào chẩn đoán, thật sự đến hôm nay mẹ không thể nhớ hết chẩn đoán bệnh của con. Nhưng 1 trong số chẩn đoán đó là: Cực non, cực nhẹ cân. Trên mỗi lồng ấp được đề thêm: hạn chế tiếp xúc. Thật sự đến hôm nay, những hình ảnh đó vẫn còn nguyên trong ký ức của mẹ.
Diễn tiến của các con được theo dõi theo từng giờ chứ đừng nói là được theo ngày. Ngày nhập viện, bé Gấu có tiên lượng xấu hơn bé em vì con cứ xuất phổi mãi.
Những chuỗi ngày đó như thước phim quay chậm, 11 ngày tuổi: Bé Gấu tạm thời qua được nguy hiểm trước mắt, nhưng… Gấu em diễn tiến xấu.
12 ngày tuổi của các con, mùng 5/5 âm lịch, Gấu em xa mẹ mãi mãi. Hôm đó cũng là ngày đầu tiên bé Gấu được tập quen với sữa mẹ. Giờ nghĩ lại mẹ mới thấy quá trình tập uống sữa cho bé Gấu là cả hành trình. 1ml x 4 lần/ ngày. Mãi đến 17 ngày tuổi chỉ được 1ml x 8 lần/ ngày.
18 ngày tuổi, bé Gấu 810g, con được rút nội khí quản lần 1. Lần 1 là vì con khó cai oxy, rút nội khí quản rồi đặt lại đến 3 lần. Con được báo khó cai oxy có thể nhiều nguyên nhân và có thể 1 trong những lý do là do còn ống động mạch (PDA) lớn.
21 ngày tuổi, sáng hôm đó mẹ được thông báo con cần sẽ được cột PDA tại giường, lúc này con chỉ 800gr. Những ngày sau là những ngày cân não của tập thể khoa hồi sức sơ sinh và của mẹ vì ai cũng sợ những biến chứng có thể đến.
Bé Gấu rất mạnh mẽ, 1 tuần sau phẫu thuật, con được rút nội khí quản thở máy qua ống mũi. Tuy vậy, con vẫn thở còn xấu, vẫn có những cơn ngưng thở, nguy cơ đặt lại nội khí quản hết mấy lần, những lúc như vậy, con rất mạnh mẽ vượt qua. Mỗi lần con thở, bao nhiêu cọng xương sườn mẹ có thể thấy hết. Đôi lúc thấy cảnh tượng đó, mẹ và mọi người hồi hộp.
Khi con 30 tuần tuổi thai - 32 ngày tuổi: Bé được 950g và đến 44 ngày tuổi, con được mẹ ấp Kangaroo. Mỗi lần ấp bé Gấu là mỗi lần mẹ y như vừa trải qua 1 cuộc chiến: Con thở xấu, cơn ngưng thở, nhịp tim bất ổn… nhưng rồi mọi thứ cũng qua. Mỗi ngày ấp 3 lần, mỗi lần 1h.
Rồi ngày ngày qua, khi con đc 34 tuần tuổi thai, con được tập nút và ngày tuổi thứ 64: Con được bú mẹ lần đầu.
Video: Y tá Việt trổ tài ru bé ngủ khiến mạng xã hội thế giới dậy sóng
Con rất nhiều nghị lực, con đã cố gắng uống sữa, cố gắng thở. Thông số máy thở giảm xuống dần. Dần dần con tự cai được máy thở, cai được oxy, mỗi lần vào thăm con mẹ thấy con thật mạnh mẽ.
74 ngày trong khoa hồi sức sơ sinh và con được chuyển ra ngoài nằm chung với mẹ, con được tập bú mẹ, được tập vật lý trị liệu mỗi ngày. Mẹ dùng rất nhiều cách để tập cho con uống sữa, bằng thìa, bằng ống xilan…
88 ngày tuổi: con được xuất viện. Ngày xuất viện, bé Gấu được 2,1kg, gấp 3 lần ngày nhập viện. 88 ngày ở viện, thật sự con là 1 chiến binh. 88 ngày ở viện là 88 ngày cả tập thể y bác sĩ khoa sơ sinh – hồi sức sơ sinh quan tâm chăm sóc từng giờ.
Và hôm nay, con đến bên mẹ, bên gia đình như 1 phép màu, con sống phần của con và cả phần em con nữa… Bé Gấu 4 tháng 25 ngày tuổi: 4.3kg, biết hóng chuyện và là siêu quậy tí hon.
Gia đình bé Gấu biết ơn tập thể khoa hồi sức sơ sinh - Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, nơi giúp con đến được với cuộc sống tươi đẹp này"- Chị T. Mẹ bé Gấu nói trong niềm vui đầy xúc động.
>>> Đọc thêm: Cứu sống bé sơ sinh bị nhiễm trùng nặng bằng nước muối và đặt máy áp lực âm
Bình luận