Quyết định giữ thai với 0.1% hy vọng
Đến bệnh viện Hồng Ngọc khám thai trong tình trạng bụng dưới đau thắt và chảy máu âm đạo bất thường, chị N.T.L (33 tuổi) bàng hoàng nhận kết quả nghi ngờ thai ngoài tử cung. Đây là em bé mà chị đã mong chờ từ rất lâu. Trước đây, chị đã trải qua 3 lần mang thai nhưng chưa từng được làm mẹ, cả 3 lần trước các con của chị đều mất tim thai ở tuần thứ 10 không rõ nguyên nhân.
BSCKII Đỗ Văn Tú (Trưởng khoa Sản Phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Yên Ninh) cho biết: “Khi siêu âm, chúng tôi không thấy hình ảnh phôi thai trong buồng tử cung dù trước đó chị L. tự thử thai cho kết quả 2 vạch. Nhưng các bác sĩ lại thấy tại buồng trứng trái của bệnh nhân có khối kích thước 10x13cm, nghi ngờ thai ngoài tử cung, có khả năng phải phẫu thuật bỏ thai, tránh nguy hiểm đến tính mạng của mẹ.”
Dù những dấu hiệu ban đầu không mấy lạc quan nhưng bác sĩ không vội kết luận, bởi bác sĩ hiểu rõ nỗi khát khao của người mẹ hiếm muộn đã trải qua nhiều khó khăn. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, bác sĩ Tú quyết định cho bệnh nhân nằm lại viện theo dõi thêm - một quyết định mang theo hy vọng mới, dù mong manh là phôi thai có thể chưa kịp di chuyển vào buồng tử cung. Ngoài ra, vì sự an toàn của bệnh nhân, nếu là trường hợp thai ngoài tử cung, việc theo dõi sát sao sẽ giúp bác sĩ xử lý kịp thời, tránh nguy hiểm cho mẹ.
“Suốt 1 tuần nằm viện, dù bên ngoài chỉ 8-10 độ nhưng lòng mình lúc nào cũng nóng như lửa đốt, biết rằng cơ hội có con là rất mong manh, nhưng vẫn mong có một phép màu, vẫn hy vọng vào 1 kỳ tích” - Chị L. nghẹn ngào cho biết.
Là trường hợp đặc biệt nên chị L. được thực hiện siêu âm 2 ngày 1 lần. Trong quá trình theo dõi, các bác sĩ cũng giải thích cặn kẽ với bệnh nhân để xác định tâm lý nếu có trường hợp xấu xảy ra. Đến đúng Giáng sinh, món quà kỳ diệu đến với cả bác sĩ và gia đình - 1 “chấm bé xíu” xuất hiện trong buồng tử cung.
“Khi nghe bác sĩ Tú báo đã thấy con, mình vỡ òa hạnh phúc. Cuối cùng thì kỳ tích cũng đến với mình mà như bác sĩ Tú nói, xác suất mong manh chỉ 0.1% hoặc thấp hơn”.
Một thai kỳ vất vả, một hành trình giữ thai gian nan
Vừa đón nhận niềm hạnh phúc khi biết mình mang thai, chị L. lại tiếp tục đối mặt với thử thách mới. Vào tuần thai thứ 7, chị L. phải nhập viện vì mắc COVID-19. Tưởng rằng giai đoạn “trăng mật” trong tam cá nguyệt thứ 2 sẽ mang đến sự thoải mái như các mẹ bầu khác nhưng chị L. lại đối diện với các cơn đau dữ dội cùng tình trạng ra máu khi đi vệ sinh do viêm tiết niệu hành hạ. Thậm chí, có thời điểm, chị L. còn phải điều trị cả giãn đài thận do biến chứng viêm tiết niệu, hành trình làm mẹ của chị thêm phần gian nan.
“Dùng thuốc kháng sinh không nghỉ ngày nào. Mình cũng lo lắng không biết có hại gì với con không, mà nếu không dùng thì đau không đi vệ sinh được. Các bác sĩ cũng động viên, giải thích đây là thuốc có thể dùng cho bầu nên an tâm điều trị”, chị L. nói.
Đối với chị L, hành trình mang thai là một cuộc chiến kéo dài không ngừng nghỉ và những tháng cuối của thai kỳ là khi thử thách cam go nhất, khó khăn dồn dập tiếp tục thách thức ý chí của một người mẹ.
Từ tuần thai 22, qua hình ảnh siêu âm, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc thấy phần nhau thai bám thấp, xác định là rau tiền đạo trung tâm nên nhanh chóng trao đổi với thai phụ cũng như gấp rút chuẩn bị phương án điều trị phòng trường hợp cần thiết. Đến tuần thứ 30, thai phụ có dấu hiệu xuất huyết và xuất hiện các cơn co tử cung, ngay lập tức được chỉ định nhập viện theo dõi.
“Khoảng 3h đêm, đang ngủ, máu ộc ra, nhầy nhiều rồi máu hồng nữa. Mình mới nhắn tin ngay cho bác sĩ. Lúc đi cũng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng rồi, bình tĩnh chuẩn bị đồ đạc vì bác Tú cũng tư vấn cho mình từ trước rất kỹ, an tâm vào viện là có bác sĩ lo”, Chị L. tâm sự.
Đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nên người mẹ ấy kiên cường chiến đấu từng ngày, vượt mọi khó khăn, chịu đựng các mũi tiêm - truyền thuốc liên tục tới 14 tiếng mỗi ngày. Bất chấp những những cơn đau và buồn nôn do tác dụng phụ của thuốc, chị chỉ mong giữ được con trong bụng thêm ngày nào hay ngày đó.
Tuy nhiên, tình trạng ra máu vẫn không ngừng tái diễn với tần suất tuần 1 lần. Đến lần ra máu thứ 3, khi thai kỳ chạm mốc 32 tuần, các bác sĩ phải đối mặt với quyết định “cân não” nhất: Có nên mổ để đưa em bé ra ngoài hay không? Hiện tại giữ con trong bụng thêm là thử thách quá lớn với sức khỏe của người mẹ nhưng nếu em bé chào đời quá sớm thì nhiều chức năng quan trọng (đặc biệt là đôi mắt) chưa kịp hoàn thiện.
“Chúng tôi nhanh chóng trao đổi với thai phụ về các khả năng có thể xảy ra. Chính sự kiên định của mẹ khi quyết tâm tiếp tục giữ thai đã thuyết phục các bác sĩ cố gắng hết sức có thể. Phác đồ điều trị được thay đổi theo từng ngày, theo từng triệu chứng để đảm bảo cả mẹ và bé đều an toàn, cố gắng duy trì thai kỳ càng lâu càng tốt, mục tiêu là để em bé có thể khỏe mạnh chào đời”, BS Tú chia sẻ.
Đến tuần thai thứ 34, sau hơn 1 tháng, cơ thể mẹ có dấu hiệu “báo động” trước những đợt tiêm truyền kéo dài. Chân bắt đầu phù nề, thậm chí còn không thể đứng vững khiến chị L. cạn kiệt sức lực. Trong khi đó, khi theo dõi thai nhi, các bác sĩ nhận thấy bé đã sẵn sàng thích nghi với cuộc sống bên ngoài. Vậy là sau bao ngày chiến đấu kiên cường, bác sĩ quyết định cho chị L. dừng thuốc, sẵn sàng cuộc mổ để đón bé chào đời.
“Cảm ơn con đã kiên cường cùng mẹ”
Ngay khi chị L. có dấu hiệu chuyển dạ đầu tiên, với sự chủ động và tinh thần sẵn sàng của đội ngũ y bác sĩ BV Hồng Ngọc, ngay trong đêm, chị nhanh chóng được đẩy lên phòng mổ. Bằng trách nhiệm tuyệt vời, chỉ sau vài phút, em bé nặng 2kg chào đời, khóc to, chỉ số sinh tồn tốt, ngay lập tức được thực hiện da kề da với mẹ.
“Trong thời gian thai phụ nằm viện, dựa vào tình trạng sức khỏe của mẹ cũng như hình ảnh siêu âm, các bác sĩ tại BV Hồng Ngọc đã lên kế hoạch cho cuộc mổ bắt con một cách kỹ lưỡng, thăm dò đường đi của mạch máu để ca mổ diễn ra thuận lợi. Vì vậy, may mắn là trong và sau khi mổ, sản phụ không mất nhiều máu nên không phải truyền thêm máu” - BS Tú cho hay.
Đến tận bây giờ, ekip mổ hôm đó vẫn không thể quên được cảm giác nhẹ nhõm khi bế em bé trao cho mẹ và càng không thể quên được câu nói của chị L. khi ôm con: “Chào mừng con đến với thế giới của mẹ, cảm ơn con đã kiên cường cùng mẹ trong những ngày qua”. Chỉ 1 câu duy nhất nhưng là minh chứng cho sự kiên cường của người mẹ và sự rắn rỏi của bé, đã cố gắng “chiến đấu” cùng mẹ suốt 8 tháng để có thể cất tiếng khóc chào đời, để có thể nhìn thế giới tươi đẹp.
Bên cạnh việc thực hiện da kề da, ngay ngày đầu sau sinh, do bé còn non tháng và nhẹ cân nên được thực hiện ấp Kangaroo để nhận nhiều hơn hơi ấm từ mẹ. Bé cũng nhanh chóng tự tìm ti mẹ và tận hưởng dòng sữa đầu tiên. “Trộm vía con sinh non nhưng cứng cáp, bú khỏe lại hợp tác nữa. Cho con đi tiêm vắc - xin viêm gan B, tiêm vitamin K hay kể cả đi tắm con cũng không khóc, cảm giác rất tận hưởng”, chị L. cười nói.
Nằm lưu viện suốt hơn 1 tháng cuối thai kỳ, trong cả hành trình mang thai cũng vào viện liên tục, với chị L, khoa Sản Hồng Ngọc như ngôi nhà thứ 2, mọi nhân viên y tế đều thân thuộc như người nhà. “Thời gian nằm viện thì mình đón đến 5 lần các mẹ vào nằm cùng phòng, cứ mẹ này đi mẹ khác lại vào luôn.
Mình cũng kể cho các mẹ nghe câu chuyện của mình, rồi truyền năng lượng tích cực và lạc quan để mọi người cố gắng. Các bác sĩ, điều dưỡng ai cũng tận tình, cứ đi qua phòng là lại ghé vào kiểm tra rồi nói chuyện với 2 mẹ con. Đến cả các bác hộ lý, đầu bếp cũng quen mặt, nhiệt tình hỗ trợ”, chị L. nghẹn ngào cho biết.
Hành trình để đi đến được thành công này là một câu chuyện đầy thử thách và nhiều cung bậc cảm xúc, mà ở đó cả sản phụ - thai nhi và đội ngũ y bác sĩ Hồng Ngọc đã cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn. Trên hành trình ấy, để đồng hành cùng chị L., các bác sĩ không chỉ cần sự kiên nhẫn, tận tâm mà còn phải có kiến thức chuyên môn tốt, bản lĩnh vững vàng, trí tuệ sắc bén để đưa ra những quyết định đúng đắn trong thời khắc cam go nhất.
Không chỉ riêng chị L., Bệnh viện Hồng Ngọc đã trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng ngàn mẹ bầu khác, luôn sẵn sàng đối diện với những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”. Với bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn vững vàng và sự tận tâm nhiệt huyết, đội ngũ y bác sĩ tại đây đã mang đến sự an tâm tuyệt đối, xứng đáng là nơi mẹ bầu có thể “gửi trọn niềm tin”.
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc với 20 năm uy tín trong lĩnh vực Sản Phụ khoa, tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm và tận tâm; cùng trang thiết bị hiện đại, là địa chỉ tin cậy giúp hàng ngàn mẹ bầu vượt cạn thành công.
Liên hệ hotline 0919 645 271 – 0918 750 845 để nhận thông tin chi tiết.
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc: 55 Yên Ninh, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh: số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Bình luận