Những ngày đầu tháng 5/2016, một bạn đọc thông tin với VTC News về trường hợp một phụ nữ người Việt bị lừa bán sang Trung Quốc hơn 16 năm trước. Chị đang khẩn cầu được giúp đỡ để tìm lại người thân và trở về Việt Nam gặp gia đình.
Trong cuộc trao đổi chớp nhoáng của mình nơi đất khách với bạn đọc của VTC News, chị chỉ kịp cung cấp tên Bùi Thị Hà, sinh năm 1982, ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa. Bố là Bùi Văn Hán, mẹ là Bùi Thị Ngọ (đã mất), chị gái là Bùi Thị Hồng, Bùi Thị Hằng, em gái là Bùi Thị Dưỡng…
Những tháng ngày sống trong địa ngục khi bị lừa bán khiến chị không còn nhớ được cụ thể thôn, xóm tại quê nhà. Cố lắm, chị mới nhớ ra được địa chỉ huyện.
16 năm phiêu bạt, sống trong môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng thứ ngôn ngữ khác, tiếng Việt của chị cũng bị quên dần, nói không còn sõi, câu được câu chăng. Giao tiếp hiện tại của chị chủ yếu bằng tiếng Trung Quốc. Trong ánh mắt đầy bối rối, chị khẩn cầu được giúp đỡ để tìm lại người thân và tìm đường về được Việt Nam.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Vợ chồng anh Phương Văn Vũ – chị Nguyễn Thị Xuân Trang (trú tại phố Lương Văn Can, Hà Nội) là người trực tiếp gặp chị Hà trên mảnh đất Quế Lâm, Trung Quốc. Nơi chị đã bám theo và nhắn gửi lời khẩn cầu nhờ chuyển về Việt Nam.
Anh Vũ nhớ lại: Ngày 22/4/2016, anh và vợ cùng 2 cặp vợ chồng người bạn sang Trung Quốc du lịch. Cả anh và vợ đều từng có 5 năm là du học sinh tại Trung Quốc nên rất thạo tiếng và đường xá.
Sáng 25/4, khi cả đoàn đang mua sắm ở một trung tâm thương mại tại thành phố Quế Lâm, thì có một người phụ nữ cứ dõi mắt nhìn theo. Ánh mắt ấy đầy vẻ dò xét, nhưng cũng ẩn chứa điều gì đó khẩn khoản chờ mong, rất khó hiểu.
Anh Vũ nghĩ rằng do đoàn trao đổi với nhau bằng tiếng Việt nên khiến người bản địa để ý. Vì thế, đoàn cũng không mấy quan tâm và tiếp tục tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, khi đoàn dịch chuyển, người phụ nữ lạ mặt này vẫn bám theo, chị ta giữ một khoảng cách nhất định, và ánh mắt thì không rời đoàn.
Lúc này, mọi người cũng bắt đầu chú ý tới người phụ nữ khó hiểu này. Khi đoàn đang đứng nói chuyện bằng tiếng Việt thì chị ta tiến lại gần.
“Ban đầu chị này không dám tới gần mà chỉ đứng nhìn từ xa nhìn. Mãi đến khi thấy chúng tôi nói tiếng Việt thì phải một lúc sau chị mới dám tiến lại rồi hỏi: Anh có phải người Việt Nam không? Tôi cũng là người Việt” – anh Vũ kể.
Anh Vũ trả lời: “Chúng tôi là người Việt”, vẻ mặt lo lắng của chị nhanh chóng thay đổi sắc thái. Nhưng biểu cảm mừng rỡ lập tức thay bằng nước mắt. Trong câu chuyện trao đổi bập bẹ bằng tiếng Trung, chị kể lại nguyên do vì sao mình lại có mặt ở Trung Quốc.
16 năm lang bạt
Người đàn bà 34 tuổi ấy tên là Bùi Thị Hà, chị cung cấp cho anh Vũ những thông tin như chúng tôi đã đề cập ở trên. Sau cú sốc nặng về tâm lý chị không còn nhớ được cụ thể địa chỉ thôn xóm, thậm chí là quên gần như tiếng mẹ đẻ. Giao tiếp với chị bằng tiếng Việt rất khó khăn.
Cứ thế, câu chuyện của chị tuôn trào theo những dòng nước mắt dài lăn trên má. Chốc chốc lại gián đoạn, nấc nghẹn mỗi lần chị nhắc đến gia đình. Chị kể, năm 17 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải đi làm thuê tự nuôi thân.
Không học hành, nên việc làm thuê chẳng được bao nhiêu tiền. Khát khao có một công việc lương cao luôn cháy bỏng trong suy nghĩ cô gái 17. Đúng lúc này, chị gặp một người quen, họ nói sẽ giúp đỡ chị có một công việc tốt với thu nhập cao nhưng phải sang bên kia Trung Quốc. Chị nhớ mang máng, thời điểm đó là khoảng năm 1999.
Viễn cảnh về một công việc nhẹ, lương cao vẽ ra trước mắt. Chẳng do dự gì, cô gái 17 tuổi khăn gói theo lời mời gọi sang bên kia biên giới. Thế nhưng chị đâu biết rằng, bên kia Trung Quốc là cả một địa ngục đang giăng sẵn chờ ở đó.
Video: Lời khẩn cầu của người phụ nữ bị bán sang Trung Quốc từ năm 17 tuổi
Vừa lau nước mắt chị Hà vừa kể, ngay khi đặt chân đến đất Quảng Châu, Trung Quốc, chị bị những kẻ bán người lấy hết giấy tờ, rồi bán cho một người đàn ông ở vùng nông thôn hẻo lánh. Hoang mang và lo sợ tột độ, song chị không thể nào trốn thoát trước sự canh chừng của gia đình nhà “chồng”. Sau 3 năm chung sống với người đàn ông đó, trong một lần sơ hở chị trốn ra ngoài và lưu lạc đến thành phố Quế Lâm.
Chị kể: Sau khi trốn thoát, chị ở lại Quế Lâm cho đến bây giờ. Hiện tại, chị đang chung sống với 1 người chồng làm công nhân xây dựng. Gia đình cách thành phố Quế Lâm khoảng 100 km. Do chị không có giấy tờ tùy thân nên cuộc hôn nhân này không có hôn thú. Chỉ là 2 người tự dọn về sống với nhau như vợ chồng.
Chị có 2 người con trai, đứa cả 13 tuổi, đứa bé 7 tuổi. Cả 2 đều không phải con của người chồng hiện tại. Sau 2 lần sinh đẻ, chị đã mất khả năng sinh nở. Song người chồng hiện tại rất cảm thông. Hơn hết, anh sẵn sàng đồng ý cho chị về Việt Nam thăm người thân.
Sau 16 năm phiêu dạt nơi đất khách, chị rất mong muốn tìm lại được gia đình ở Việt Nam. Nhưng do thời gian bị bán sang Trung Quốc quá lâu, không biết chữ, lại không có giấy tờ nên chị không thể tự mình tìm đường về Việt Nam. Và lý do lớn nhất khiến chị không dám tự về vì sợ lại bị kẻ xấu lừa bán thêm một lần nữa.
Ám ảnh ở cái địa ngục trần gian, nơi 16 năm về trước chị bị những kẻ buôn người đẩy vào đó nó vẫn còn in hằn trong tâm khảm. Câu chuyện bi thương về cuộc đời mình, chị cũng chưa từng dám nói với ai. Cho đến khi chị gặp vợ chồng Vũ – Trang.
Anh Vũ chia sẻ lại rằng, chị Hà cho biết hiện giờ chị vẫn chưa có giấy tờ tùy thân. Cuộc sống hơn 16 năm bên Trung Quốc hoàn toàn “ngoài vòng pháp luật”. Ý thức được việc này, thế nên chị chỉ cầu cứu anh Vũ chỉ cách nào để có thể ra đến biên giới rồi vượt biên về Việt Nam. Hoặc có “đầu mối” nào dẫn chị qua biên giới.
Để lại số điện thoại liên hệ cho anh Vũ kèm lời khẩn cầu giúp đỡ, chị vội vã rời khỏi thành phố Quế Lâm. Trên nét mặt, vẫn còn nguyên sự bối rối.
Đón đọc kỳ 2: Ngày giỗ mẹ và cuộc điện thoại bất ngờ
Bình luận