Bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm (sinh năm 1984, quê Vĩnh Long) bị bệnh bẩm sinh Hemophilia (máu khó đông), có quá trình điều trị tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tới 11 năm. Anh trải qua 26 lần phẫu thuật với tổng chi phí 40,8 tỷ đồng. Trong đó, BHYT chi trả 38,3 tỷ đồng. Đây là ca bệnh được Quỹ BHYT chi trả số tiền lớn nhất từ trước đến nay.
Mổ không được, để không xong
Kể về quá trình điều trị cho Nghiêm, BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng - Tạo hình thẩm mỹ, BV Chợ Rẫy cho biết, năm 2003, bệnh nhân bắt đầu phát hiện bệnh máu khó đông nhưng không chữa trị gì. Đến 2010, trong một lần bị té xuồng, anh Nghiêm bị bầm và vết bầm bắt đầu chảy máu và lan rộng. Bệnh nhân vào BV Chợ Rẫy Bệnh, thời điểm đó không có thuốc điều trị đặc hiệu, Nghiêm được mổ vài lần nhưng vết thương không lành.
"Nồng độ yếu tố 8 (một yếu tố cần thiết và quan trọng nhất trong quá trình đông máu) của Nghiêm dưới 1%. Do đó bệnh nhân rất dễ bị chảy máu, chảy máu bất cứ ở đâu trong cơ thể và rất khó cầm máu", BS Hiệp thông tin. Ông cho hay, ổ máu tụ và nhiễm trùng ở vùng hông, xương chậu, đùi... của Nghiêm có diện tích ngày càng lớn. Vì tổn thương nặng nên việc phẫu thuật cực kỳ khó khăn.
“Vết thương nhiễm trùng, mùi rất khó chịu. Nguyên tắc điều trị là phải loại bỏ yếu tố sưng viêm, hoại tử...mà vết thương này nằm trong hốc rất sâu, do đó mổ rất khó, dẫn lưu dịch còn khó hơn. Bế tắc ở chỗ không mổ chắc chắn phần hoại tử lan rộng. Còn mổ thì không được bởi bệnh nhân đang rối loạn đông máu. Máu sẽ chảy không ngừng... Cần mổ nhưng làm sao để cầm máu là vấn đề rất khó”, BS Hiệp nói.
Quyết định “liều lĩnh”
Theo BS Hiệp, mãi đến năm 2014, BV mới có thiết bị truyền yếu tố 8, lúc đó khả năng điều trị và cầm máu cho bệnh nhân mới tốt hơn nhiều. Yếu tố 8 là 1 yếu tố quan trọng trong quá trình cầm máu.
“Sau nhiều lần hội chẩn toàn bệnh viện, cuối cùng chúng tôi suy nghĩ rằng khi quyết định tiếp nhận bệnh nhân thì phải điều trị. Phải có bước đột phá chứ như vậy thì không được. Tôi đã liều lĩnh, táo bạo nghĩ đến phương pháp hút áp lực âm (VAC) để hút máu và dịch ra ngoài. Đây là phương pháp vốn chống chỉ định với bệnh nhân máu khó đông”, BS Hiệp nói.
Nói về rủi ro của phương pháp này, BS Hiệp cho hay, dùng máy hút áp lực âm thì sẽ chảy máu mà không hút thì vết thương nhiễm trùng nặng nề. Nhưng không còn cách nào, các BS quyết định hút áp lực âm.
“Tôi tìm kiếm “chỉ định trong chống chỉ định”. Chống chỉ định là không được chạy VAC trên bệnh nhân bị rối loạn đông máu. Chỉ định là phải làm ở mức độ nào, đảm bảo được rằng là không chảy máu, vẫn lấy được nhiều dịch, hoại tử và sưng viêm. VAC sử dụng áp lực 70-125mm/s, vậy thì mình hút dưới mức áp lực đó, và truyền yếu tố 8 cầm máu”, BS Hiệp nói.
Hai khoa Huyết học truyền máu và Phỏng-Tạo hình thẩm mỹ phối hợp đảm bảo yếu tố 8 để đông máu cần thiết cho bệnh nhân ở mức độ cao nhất. Sau nhiều lần áp dụng phương pháp này, vết thương của anh Nghiêm có dấu hiệu khởi sắc, lành và khô hơn. Khi các xét nghiệm kiểm tra về mức độ bình thường, lúc đó BS quyết định mổ và đã thành công.
Ít nhất 3 lần bác sĩ muốn buông xuôi
BS Hiệp kể, ít nhất 3 lần ông và đồng nghiệp muốn buông xuôi. Có lần ông đã đặt cho mình giới hạn cuối cùng, tới giường bệnh nói với bệnh nhân: “Bác Hiệp sẽ cố gắng giúp cho Nghiêm 3 tháng nữa thôi nhé”.
“Mình đầu tư công sức, đầu tư chất xám, thậm chí đi xin thuốc, xin tiền, xin dụng cụ. 3 tháng chả đâu vào đâu nên nản, muốn buông xuôi nhưng rồi bệnh nhân vẫn còn đó, công việc vẫn còn đó... lại thôi thúc phải điều trị tiếp”, BS Hiệp nói.
Một trong nhiều lý do thôi thúc các BS chính là bệnh nhân và mẹ bệnh nhân. Theo vị bác sĩ, ông thấy từ bệnh nhân một ý chí vươn lên và muốn sống cực kỳ mạnh mẽ, điều ấy giống như mệnh lệnh trái tim khiến ông quyết tâm tìm nhiều phương án để cứu bằng được Nghiêm.
"Bệnh nhân này được cứu sống có nhiều lý do. Trong đó, một lý do tuyệt vời đó là người mẹ. Người mẹ cực kỳ thương con, 11 năm kiên trì chăm sóc con. Hiếm thấy người mẹ nào 11 năm đằng đẵng, con nằm trên giường, mẹ nằm dưới sàn, lo con từng miếng ăn, giấc ngủ, ban đêm cùng với bác sĩ để kiểm soát chảy máu", vị bác sĩ chia sẻ
Không nhiều bệnh viện có khả năng điều trị bệnh khó đông máu
Theo BS Ngô Đức Hiệp, quá trình điều trị của bệnh nhân kéo dài tới 11 năm là do ở Việt Nam không có yếu tố 8 (năm 2014, BV Chợ Rẫy mới có truyền yếu tố này). Tại phía Nam, hiện chỉ có BV Chợ Rẫy và Bệnh viện Huyết học truyền máu có truyền yếu tố này. Nhưng quá trình tách chiết rất khó khăn và vất vả (từ máu người cho) hơn nữa bệnh nhân không được điều trị kịp thời dẫn đến vết thương hết sức nặng nề, hoại tử khó lành.
"Bệnh nhân chảy máu “róc rách”, có thời điểm gần như tuyệt vọng về mặt chuyên môn, cả mặt tài chính. BS phải xin tiền để giúp bệnh nhân, sau đó BS và bệnh nhân lại tiếp tục cuộc hành trình. Rất vui, phải nói là rất vui khi bệnh nhân xuất viện, cố kìm nén để không khóc, mình cố gắng, đồng nghiệp cố gắng, BV cố gắng, thì đã đền đáp một cách xứng đáng", BS Hiệp xúc động chia sẻ.
Bình luận