Trong mỗi chuyến công tác trở về, tôi lại có thêm một câu chuyện về những thầy cô. Câu chuyện bên lề “bục giảng” chứa chất nỗi lòng, lo toan bộn bề cuộc sống... Vượt lên khó khăn thường nhật, họ đang ngày đêm âm thầm thắp lửa, ở những bản làng xa xôi, heo hút.
Có ai đó đã từng nói: “Non cao sáng trước đất bằng sáng sau”, ấy là quy luật của tự nhiên còn những người miệt mài cõng chữ lên non thì sao...?
Lớp học cũng là phòng ở của g/v mầm non ở điểm trường Pa Cá, xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo |
Câu chuyện bên lề bục giảng
Những giáo viên lên công tác ở vùng cao đa số là người ở dưới xuôi, xa gia đình khi về trường công tác thì niềm hạnh phúc nhất là có được nơi an cư. Nhưng theo báo cáo mới nhất của sở Giáo dục - Đào tạo Điện Biên, nhà công vụ cho giáo viên mới chỉ đáp ứng được cho 4.736 giáo viên, với 2.368 phòng (trong đó 1.589 phòng kiên cố, bán kiên cố, 779 phòng tạm).
Hiện còn thiếu 2.040 phòng với 4.080 giáo viên chưa có nhà công vụ. Chúng tôi đã đi thực tế nhiều trường trong tỉnh, trường nào có được nhà công vụ cho giáo viên, hay những ngôi nhà tạm dân dựng cho, giáo viên ở những nơi ấy như là “trúng số”, có trường nhà bán trú của học sinh, trường bố trí sắp xếp cho các thầy cô ở nhờ. Những giáo viên có gia đình mơ ước có được phòng ở nho nhỏ tập thể, hay thuê được căn phòng tử tế có lẽ cũng là điều còn rất xa.
Hiện tại ở thị xã Mường Lay có tới trên 90% cán bộ, giáo viên, công nhân viên phải thuê nhà với giá từ 800.000 - 1.000.000 đồng/tháng (trong khi đó đồng lương giáo viên mới ra trường chỉ 2.200.000 - 2.400.000 đồng/tháng) thử hỏi số tiền còn lại lo liệu cho cuộc sống ra sao? Khi giá cả thị trường như hiện nay.
Nhưng thuê được nhà cũng không phải là dễ, thầy Nguyễn Anh Tú, Trường THCS Sông Đà, nói với chúng tôi: “Vợ chồng em không thuê được nhà gần trường vì có con nhỏ không thể thuê chỗ ở xa, đành mượn đất dựng lán sau trường để ở, nhưng được 3 tháng lại phải dỡ ra để trả đất”. Đa số các thầy cô dạy học ở đây phải về thuê nhà tận xã Nay Lưa, cũng may còn có chỗ cho các thầy cô trú thân ở nơi đại công trường đang bộn bề này.
Giáo viên trên đường vào bản dạy học ở thị xã Mường Lay |
Trong chuyến công tác mới đây nhất chúng tôi về Trường THCS Mường Lạn, huyện Mường Ảng. Trường không có nhà công vụ, giáo viên về công tác tại trường phải “tùy nghi di tản”. Nhiều thầy cô nhà ở thị trấn dạy xong về nhà với đoạn đường 30 km.Sáng dạy từ 4 giờ 30 phút chuẩn bị cơm nước mang theo vào trường.
Thầy Nguyễn Duy Toàn có 7 năm công tác tại trường, tâm sự: Vì ở trường vùng sâu chỗ thuê nhà không phải là dễ, cho nên thầy đã chuyển không biết bao chỗ ở, đầu tiên là thuê nhà dân. Ở chung một căn nhà sàn được chủ nhà ngăn ra một phòng cho thuê, nhưng bất tiện về ăn uống sinh hoạt, chỗ soạn bài làm việc không có. Lại phải chuyển chỗ khác thuận lợi hơn để ở, nhưng chẳng được bao lâu thì gia đình họ không cho thuê, để dựng nhà mới.
Năm học này có lẽ là năm vui nhất với các thầy cô ở đây, vì khu nhà của các em học sinh bán trú được xây theo Nghị quyết 30a, các em ở nhưng còn thừa 3 phòng. Nhà trường bố trí mỗi phòng 3 gường tầng, cho các thầy cô ở tuy chật chội nhưng còn được thoải mái, tự do hơn.
Không có bếp nấu, nên việc ăn uống sinh hoạt các thầy, cô xuống nhờ nhà dân nấu ăn chung. Dân ăn gì thì mình ăn đấy, không quen rồi cũng thành quen. Bên cạnh đó đồng lương eo hẹp, cuộc sống phải thật chắt chiu...
Cô Phạm Thị Ngân giáo viên Trường tiểu học Nà Sáy, huyện Tuần Giáo tâm sự với chúng tôi, thời giá như hiện nay, đồng lương 3.500.000 đồng, một tháng về thăm con vào những ngày nghỉ chi phí tiết kiệm cũng hết 1.500.000 - 2.000.000 đồng, vậy chỉ còn lại 1.500.000 đồng dành cho sinh hoạt. Mỗi tháng chỉ gửi cho bà ngoại được 500.000 đồng nuôi con, còn lại nhờ ông bà giúp đỡ.
Để trọn vẹn với nghề
Trong một lần chờ thông tuyến trên đoạn đường đi huyện Mường Nhé bị tắc, một anh công nhân công trình nói với chúng tôi: Trên đoạn đường này ai đi qua là giáo viên là biết ngay, anh nói nửa đùa, nửa thật: Vì ngửi toàn mùi cá khô. Kinh nghiệm cho anh biết rằng, những giáo viên khi đi lên bao giờ cũng tay xách nách mang, xe lúc nào cũng có bao hàng đằng sau.
Chính điều ấy, thầy Nguyễn Chung Thắng, giáo viên Trường THCS xã Nà Hỳ đã cho chúng tôi biết: Khi chúng em có việc đi ra thị trấn hay về thành phố giáo viên trong trường nhờ mua giúp những thứ trong xã không có, mà có thì đắt gấp nhiều lần. Mỗi người gửi mua một ít như: dầu ăn, nước mắn, cá khô, dầu gội... mua luôn những thứ thiết yếu cho mình dùng có khi vài tháng, nếu không như vậy thì vào đó có tiền muốn mua chẳng có mà mua.
Cũng chỉ vì đường xá đi lại khó khăn nên thiếu thốn, các thầy cô vùng cao luôn chuẩn bị sẵn trong hành trình lên đường dạy học ở đây không thể thiếu được coi như “bả0 bối” là: muối, bột ngọt, dầu ăn và cá khô.
Điều kiện dạy học của cô trò bản Huổi Min, thị xã Mường Lay hết sức khó khăn. |
Đường xá xa xôi, giao thông cách trở, điều kiện sinh hoạt khó khăn... cho nên hầu hết các cặp vợ chồng cô giáo dạy học ở các trường vùng sâu, xa... có con đều trở thành cặp vợ chồng... son. Con họ đều phó thác cho gia đình ở quê một năm chỉ gặp được 2 lần.
Vợ chồng thầy Nguyễn Văn Thủy - cô Hoàng Thị Huệ, giáo viên dạy Trường THCS Na Cô Sa. Thầy cô sinh cháu được 1 năm thì gửi cho ông bà quê ở Thanh Hóa, nay cháu 4 tuổi. Một năm 2 vợ chồng chỉ về được vào dịp hè và Tết. Thầy Thủy nói với chúng tôi: Bố mẹ chẳng ai là muốn xa con nhưng đường xá xa xôi, mùa mưa đi bộ hàng ngày trời mới vào đến trường chẳng thể đưa cháu lên được.
Đường đến trường của cô giáo ở huyện Mường Ảng |
Sự nghiệp giáo dục ở vùng cao gian khó, nhọc nhằn... Nơi đó có những người thầy cô đang ngày đêm hy sinh thầm lặng. Sự hy sinh ấy thật cao cả, phi thường để trọn vẹn với nghề. Họ tìm thấy hạnh phúc, bằng việc dồn thật nhiều tâm huyết, yêu nghề tạo cho mình niềm vui.
Theo GD&TĐ
Bình luận