Các doanh nghiệp vận tải đưa ra lý do về việc tăng giá bất hợp lý như vậy là để bù cho lượt đi ngược lại không có khách. Tuy nhiên nhiều người cho rằng không thuyết phục.
Anh Đỗ Trung Tín (Đông Hà, Quảng Trị) bức xúc: "Hôm 27 Tết, tôi bắt xe khách từ bến xe Giáp Bát để về Đông Hà. Vào những ngày bình thường, tôi mất khoảng 200.000 đồng/người, song vào cận Tết tôi phải bỏ ra 425.000 đồng/người, tăng gấp đôi so với bình thường. Hiện tại, tôi đặt vé từ Đông Hà đi Hà Nội cũng phải chịu mức giá tương tự. Vì vậy, các nhà xe cho rằng tăng giá vé đề bù cho các lượt đi không có khách là không có cơ sở. Đây rõ ràng là chặt chém".
Khảo sát của phóng viên báo điện tử VTC News tại các bến xe có xe chạy đường dài Bắc – Nam như Giáp Bát, Nước Ngầm, chiều ngày 1/2 (5 tháng Giêng) ghi nhận doanh nghiệp vận tải Hoàng Long kinh doanh chặng đường Hà Nội - TP.HCM bán vé ngày thường là 845.000 đồng. Riêng ngày 1, và 2/2, giá vé bị đội lên 1,728 triệu đồng một vé chưa bao gồm ăn uống, gấp đôi so với những ngày thường.
Tương tự, hãng xe Mai Linh xuất phát từ bến xe Nước Ngầm có giá 1,39 triệu đồng một vé trong khi đó những ngày thường chỉ có 870.000 đồng một vé. Các xe đều không nhận đặt chỗ qua điện thoại và yêu cầu hành khách tới nhà xe để mua vé.
Không chỉ riêng hai doanh nghiệp Hoàng Long và Mai Linh tăng vé mà các nhà xe khác cũng “được đà” tăng theo. Giá vé từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh dao động từ 1,4 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng.
Đứng trước mức tăng giá vé phi mã của các hãng vận tải, nhiều hành khách rất choáng váng. Anh Đỗ Minh Thắng, hành khách từ Đà Nẵng về Hà Nội hoảng hốt: “Trước Tết các nhà xe tăng giá vài trăm nghìn đồng, tôi tạm chấp nhận được. Lượt về, giá vé tăng gấp đôi, ngang ngửa với giá vé máy bay thì không thể chấp nhận được. Các nhà xe đang ép hành khách đây chứ đâu".
Không chỉ có tuyến Hà Nội – Tp Hồ Chí Minh có tình trạng giá vé leo thang như vậy, một số doanh nghiệp vận tải đang kinh doanh lộ trình ngắn hơn như Hà Nội, -Huế, Hà Nội - Đà Nẵng, cũng có mức tăng tương tự. Cụ thể, trước Tết Nguyên Đán các doanh nghiệp vận tải đã xin tăng giá vé từ 7 – 60% đối với các tuyến chạy đường dài trên 300 km. Điều này đã gây không ít khó khăn trong việc đi lại của người dân trong dịp Tết.
Tuy nhiên sau Tết các doanh nghiệp không những không giảm giá về mức quy định mà còn lợi dụng để hét giá, chặt chém người dân. Một lái xe chạy tuyến Hà Nội – Bến xe miền Đông (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Trước Tết chúng tôi xin tăng giá vé để bù lỗ chiều ngược lại thì sau Tết tình trạng đó lại xảy ra. Trước tết xe chạy tuyến Hà Nội – Sài Gòn dường như vắng khách thì bây giờ tuyến Sài Gòn – Hà Nội lại vắng khách. Nên việc tăng giá vé là bình thường”.
Khi được hỏi tại sao lại tăng gấp đôi, thậm chí có doanh nghiệp còn tăng gấp ba lần thì người này nói: “Chúng tôi chỉ là lái xe thôi còn chuyện tăng giảm thế nào là của chủ xe, chúng tôi cũng không rõ”.
Ông Nguyễn Văn Lập, giám đốc bến xe Nước Ngầm khẳng định với báo điện tử VTC News chỉ chấp nhận cho các nhà xe tăng giá tối đa là 40%. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, các nhà xe kinh doanh trong dịp Tết Nguyên Đán vẫn cứ mặc ai người đó làm, tăng giá vé xe vô tội vạ khiến hành khách búc xúc.
Chiều ngày 23/1, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản 69/BC-SGTVT báo cáo. Theo đó, Sở GTVT đã phối hợp với Sở Tài chính lập tổ công tác để làm rõ về sự tăng giá vé của các nhà xe. Ong Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tất cả 21 nhà xe đều được các Sở GTVT, Sở Tài chính địa phương ký cho thực hiện việc tăng giá vé.
“Chúng tôi đã gửi toàn bộ thông tin này đến Thành ủy Hà Nội, UBND Hà Nội để báo cáo. Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các bến xe, đề nghị các doanh nghiệp vận tải không tăng giá vé cao hơn giá kê khai”, ông Quang nói.
Bình luận