Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Việt Ánh (Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam) cho biết, đây là năm thứ 4, BHXH Việt Nam tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức về BHXH, BHYT cho PV, BTV chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn báo chí.
Trong năm 2017, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp tuyên truyền thường xuyên với 70 đầu mối của 60 cơ quan truyền thông, báo chí ở Trung ương, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp dài hạn giai đoạn 2015-2020 giữa BHXH Việt Nam với 4 cơ quan truyền thông quốc gia, gồm Đài Truyền hình VN, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân; phối hợp thường xuyên giai đoạn 2015-2017 với 21 cơ quan báo chí.
Đây là giai đoạn BHXH Việt Nam triển khai phối hợp tuyên truyền mạnh mẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí một cách có hệ thống trên tất cả các loại hình báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử, rộng khắp từ Trung ương đến các địa phương.
Kết quả năm 2017, có trên 7.000 chuyên mục, chuyên trang, tin, bài, phóng sự... được các cơ quan báo chí Trung ương thực hiện; tăng cao so với năm 2016. Các tin, bài, chương trình, phóng sự... đều được đăng tải kịp thời, chất lượng ngày càng được đảm bảo góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đặc biệt, trong năm 2017, bám sát nhiệm vụ chính trị được Thủ tướng Chính phủ giao, BHXH Việt Nam đã phối hợp với một số cơ quan truyền thông, báo chí tổ chức 02 đợt tuyên truyền cao điểm: đợt tuyên truyền cao điểm tháng 4, tháng 5/2017 với 59 phóng sự, tọa đàm, chuyên đề, phim tài liệu, bài viết,...vtuyên truyền về BHXH, BHYT; đợt tuyên truyền cao điểm về những nội dung liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN được quy định trong Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 tháng 12/2017 - tháng 01/2018.
Qua đó, giúp các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người lao động hiểu rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm, cũng như sự nỗ lực cố gắng của BHXH Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; nhận diện được các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; các quy định về xử lý hình sự đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Năm 2018, cùng với việc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, sẽ đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết đã đề ra vào năm 2020.
Cùng đó, việc Hội nghị Trung ương 7, khóa XII vừa thông qua Đề án cải cách tiền lương và chính sách BHXH cũng sẽ đặt ra những nhiệm vụ quan trọng mới, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó, ngành BHXH Việt Nam với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT càng cần có những đổi mới, nỗ lực và bứt phá.
Video: Những điểm mới cần biết trên thẻ bảo hiểm y tế năm 2018
Công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN vì vậy càng cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới cả về nội dung và phương pháp tổ chức nhằm góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng và mỗi người dân về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong thực thi chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân.
Bình luận