• Zalo

Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở Hà Nội tiếp tục kêu cứu lãnh đạo thành phố

Giáo dụcThứ Tư, 05/06/2019 00:05:00 +07:00Google News

Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, thị xã Sơn Tây trước nguy cơ mất việc tìm đến trụ sở tiếp công dân của UBND TP Hà Nội cầu cứu.

Ngày 4/6, rất nhiều giáo viên hợp đồng đến từ các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây có mặt tại trụ sở tiếp công dân của UBND TP Hà Nội để cầu cứu, mong có hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ giáo viên hợp đồng và những bất cập liên quan đến ngành giáo dục của địa phương.

Cụ thể, các thầy cô đang phải đối mặt với với việc sẽ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng từ ngày 31/5/2019 theo các điều kiện xét tuyển viên chức của Nghị định 29/2012/NĐ-CP.

Cô Đặng Thị Nhung (giáo viên trường THCS Xuân Thu, Sóc Sơn) - 10 năm trong ngành giáo dục bức xúc: "Chúng tôi công tác lâu năm nhưng khi có Nghị định 29 lại không được xét. Nếu tinh giảm biên chế, chúng tôi là giáo viên hợp đồng, chúng tôi vẫn phải chấp nhận thôi. Nhưng vấn đề là ở huyện vẫn thiếu, vẫn lấy thêm giáo viên chứ không phải thừa mới loại mình ra".

giao-vien-hop-dong-1

Hàng trăm giáo viên hợp đồng đứng trước nguy cơ mất việc đến phòng tiếp dân của UBND Thành phố Hà Nội để cầu cứu.

Chị Lê Thị Xuân (giáo viên trường Tiểu học An Phú, huyện Mỹ Đức) cùng các giáo viên chung cảnh ngộ khác cũng đi tìm câu trả lời cho tương lai của mình. Chị cho biết với mức lương giáo viên hợp đồng 1.210.000 đồng, cuộc sống gia đình hiện rất vất vả, bấp bênh.

"Mình rất yêu nghề, gắn bó với nghề, nhưng bản thân thực sự bất ngờ khi có quyết định như vậy của lãnh đạo. Đội ngũ giáo viên hợp đồng tại huyện thực sự rất lo lắng, phải tìm đến các cấp lãnh đạo của Hà Nội để xem có đặc cách được không", chị Xuân nói.

Chị Xuân chia sẻ trước nguy cơ mất việc, bản thân thử đi tìm việc làm tại công ty ở Hà Nội nhưng "chẳng ai nhận vì mình đã ngoài 40 tuổi rồi".

le-thi-xuan-gv-hop-dong 3

 Cô giáo Xuân gạt nước mắt khi kể về hoàn cảnh gia đình trước nguy cơ thất nghiệp.

"Tại sao không giải quyết cho chúng tôi? Tại sao lại để cho những người cống hiến nhiều năm, có nhiều thành tích ngày đêm chờ đợi, rồi nhận câu trả lời của lãnh đạo như thế? Chúng tôi cần một câu trả lời bằng văn bản chỉ đạo cụ thể xem trường hợp 256 giáo viên Sóc Sơn sẽ như thế nào", cô Vũ Thị Thơm (giáo viên ở Sóc Sơn) nói.

Cô Đặng Thị Ngọc (giáo viên Tiếng Anh tại huyện Mỹ Đức, hơn 23 năm trong ngành) cũng tập hợp cùng hàng trăm giáo viên lên tiếng với mong muốn lãnh đạo thành phố đưa ra câu trả lời quyết định số phận của hàng trăm giáo viên hợp đồng.

Từ lúc bắt đầu đi dạy, cô Ngọc nhận mức lương 150.000 đồng, đến nay cao nhất là 1.210.000 đồng. Đối với cô, đồng lương nghề giáo là nghề tay trái, để có thể trang trải cuộc sống, cô phải làm các nghề khác như xâu hạt, làm ruộng, chăn nuôi...

DSCF5829 4

Các thầy cô giáo hợp đồng mong muốn nhận được câu trả lời bằng văn bản của lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Hầu hết các giáo viên đều cho rằng các lãnh đạo ở Hà Nội bỏ quên họ. "Cấp trên nói sẽ có văn bản trước ngày 15/5/2019 nhưng tới nay là 4/6/2019 chúng tôi chưa nhận được văn bản nào", chị V.T.T nói và chia sẻ những giáo viên có hàng chục năm gắn bó, gìn giữ và cống hiến cho ngành giáo dục như chị chưa bao giờ nghĩ để giữ được nghề, tiếp tục đứng trên bục giảng lại khó khăn đến thế.

Trước đó, bên lề kỳ họp thứ 8, HĐND TP Hà Nội diễn ra ngày 9/4, trả lời phỏng vấn của báo chí về việc Hà Nội có nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm, kinh nghiệm, chuyên môn tốt nhưng có thể sẽ gặp khó khăn trong đợt thi tuyển viên chức sắp tới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết có thể xem xét xét tuyển với các trường hợp này.

Từ đó đến nay, hàng trăm giáo viên hợp đồng của Hà Nội vẫn mong chờ phương án giải quyết cụ thể từ UBND TP Hà Nội, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận đươc câu trả lời của các cấp lãnh đạo thành phố.

Theo Quyết định số 1076/QĐ, UBND TP Hà Nội phê duyệt chỉ tiêu tuyển viên chức giáo dục Thành phố Hà Nội với tổng số 10.949 người.

- Giáo viên THCS hạng III, mã số V.07.04.12 là 3.546 người.

- Giáo viên Tiểu học hạng IV, mã số V.07.03.09 là 4.171 người.

- Giáo viên Mầm non hạng IV, mã số V.07.02.06 là 3.232 người.

Theo đó, các thầy cô giáo phải thi tuyển 2 vòng theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018.

- Vòng 1 thi trắc nghiệm trên máy tính với 2 nội dung: Kiến thức chung và Ngoại ngữ.

- Vòng 2 thi viết môn nghiệp vụ, chuyên ngành.

Linh Nhi
Bình luận
vtcnews.vn