Được xem là ngọn thác đẹp nhất xã Ia Khai, thuộc huyện biên giới Ia Grai (Gia Lai) với 3 tầng nước, thác Mơ từ lâu được gọi với cái tên thân mật "Thác ba tầng".
Tầng trên cùng của thác cao khoảng 10 mét, nước từ trên đổ xuống dưới tạo ra không gian mát mẻ, trong lành, xua bớt cái nóng của vùng biên giới.
Vào mùa mưa, dòng nước lớn chảy từ thượng nguồn tràn qua 3 tầng của thác Mơ rồi đổ xuống, như thét lên những tiếng gầm hung dữ. Nhưng vào mùa khô, khi lượng nước về đây không nhiều, thác Mơ lại hiền hòa, tĩnh lặng với dòng chảy nhẹ nhàng.
Ngọn thác đẹp nhất xã Ia Khai vốn nằm lọt thỏm giữa những ngọn đồi đầy cao su và điều, lại ở sâu bên trong nên ngoài người bản địa, rất ít người biết được vị trí chính xác của nó.
Cũng vì thế, thác Mơ vẫn giữ được những nét tự nhiên và hoang sơ nhất. Nhiều người gọi nó chính là "nàng công chúa ngủ trong rừng sâu".
Từ khi được phát hiện và nhiều người biết đến, thác Mơ thu hút một lượng lớn người tham quan trong nhiều năm nay. Nàng công chúa này đang dần được đánh thức vì sự ưu ái của người dân nơi đây.
Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, hàng nghìn lượt người tại huyện Ia Grai và các khu vực lân cận như TP Pleiku, huyện Chư Pah, huyện Đak Đoa,... đổ dồn về chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác và hòa mình vào sự tươi mát của thiên nhiên.
Ngay từ sáng mùng 1 - mùng 3 Tết, nhiều người mang theo lều bạt, thức ăn, nước uống đến ngồi dưới chân thác và các vườn điều xung quanh để nghỉ ngơi, liên hoan.
Chiếm số đông du khách đến đây là các bạn trẻ, đa phần đều cho rằng việc đi chơi tại thành phố không còn gì thú vị nữa.
Ksor Thanh (trú phường Đống Đa, TP.Pleiku) chia sẻ. “Em biết đến thác Mơ qua mạng xã hội nhưng chưa có dịp đến vì ở xa. Nhân dịp Tết này, em cùng với bạn lập nhóm chạy xe máy từ TP.Pleiku lên ngắm thác. Thác Mơ rất đẹp, tiếc là mùa này hơi ít nước”.
Ngoài những nhóm bạn trẻ, nhiều gia đình cũng tranh thủ chở con cái đến đây du lịch.
Theo anh Trần Văn Trị (huyện Chư Pah), các khu vui chơi tại TP. Pleiku trở nên cũ kĩ, nhàm chán nên năm nay gia đình anh muốn đổi không khí.
“Những năm trước cứ đến dịp Tết, chúng tôi chở con cái xuống thành phố chơi, tham quan các khu du lịch. Năm nay, chúng tôi chở con cái lên biên giới cho các cháu ngắm thác Mơ và cũng là để cho các cháu biết khu vực dưới của tỉnh thế nào”, anh Trị cho biết.
Để đảm bảo an toàn, cũng như tránh nguy cơ ô nhiễm sau Tết, hiện nay huyện Ia Grai cắm các bảng cảnh báo nguy hiểm và yêu cầu du khách không vứt rác xuống thác, làm ô nhiễm nguồn nước.
Với lượng khách dày đặc đổ về ngày càng đông, nhiều ngày nay các gia đình tại địa phương tổ chức giữ xe và bày bán các đặc sản của vùng như gà nước, rượu cần.
Dù sức mua còn ít, nhưng điều này hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho việc phát triển du lịch của huyện biên giới Ia Grai.
Bình luận