Rạch Xuyên Tâm (dài 6,2km) là con rạch nối từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (Quận Bình Thạnh) đến sông Vàm Thuật (Quận Gò Vấp).
Gần 20 năm "sống treo" bên bãi rác
Khi mùa mưa bắt đầu ở TP.HCM, nước dâng cao tại rạch Xuyên Tâm, kèm theo rác thải. Nhiều nơi, rác thải tụ thành đống, chạm đến tận sàn của các ngôi nhà tạm ở ven rạch. Rác thải quá nhiều, cùng với việc từ lâu rạch Xuyên Tâm chưa được cải tạo khiến không khí xung quanh cực kì khó chịu. Khi được hỏi đến, rất nhiều hộ dân không khỏi bức xúc vì tình trạng trên.
Bà Phạm Thị Đào (ngụ Phường 15, Quận Bình Thạnh), sinh sống gần 30 năm sát bên rạch Xuyên Tâm chia sẻ: “Khi trời mưa xuống, nước dâng cao, có khi kéo theo rác thải dưới rạch lên bờ. Còn trời nắng thì nước rút xuống nhưng ô nhiễm, hôi thối lắm”.
Theo bà Đào, rác thải dưới lòng rạch không chỉ có những hộ dân xung quanh thải xuống mà còn trôi từ nhiều nơi khác đến, lâu ngày ùn ứ lại gây ô nhiễm. Để tránh tình trạng rác thải có thể tràn vào nhà khi có nước lên cao, người dân rào mặt tiếp xúc với con rạch chắn lại, thậm chí là bịt kín.
“Người già và trẻ em ở đây rất hay đau bệnh. Người lớn sức đề kháng cao còn bệnh tật liên miên, nói gì đến con nhỏ hay người già.
Tôi nghe nói chính quyền sẽ nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm này lâu lắm rồi nhưng không thấy làm. Giờ chúng tôi sống theo kiểu cam chịu thôi. Mọi người sống sao thì mình sống vậy, chờ đến khi có tiền đền bù rồi chuyển đi nơi khác”, bà Đào cho biết.
Hầu như những người dân sống ven con rạch Xuyên Tâm đều tỏ ra bức xúc vì sự chậm trễ của dự án cải tạo con rạch được mệnh danh là nơi ô nhiễm nhất TP.HCM này.
Chị Nguyễn Thị Trang (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “gia đình tôi về đây định cư, sống gần con rạch này từ năm 1995, bức xúc nhiều thứ lắm. Nghe có dự án cải tạo gần 20 năm nay mà tới giờ có thấy ai làm gì đâu”.
Chị Trang cho biết, vừa qua chính quyền địa phương có thông tin đến năm 2020 sẽ tổ chức họp dân để giải tỏa mặt bằng. Tuy nhiên, chờ đợi quá lâu nên người dân ở đây chẳng ai còn mặn mà, chờ đến lúc chính quyền địa phương bắt tay vào làm mới tin.
Theo chị Trang, chính vì tình trạng quy hoạch treo gần 20 năm nên đời sống người dân ở đây không được yên ổn.
“Mấy hộ dân quanh đây đâu được phép xây nhà. Ai sửa chữa nhà do hư hỏng thì được, còn xây mới hay mở rộng thêm là bị lực lượng chức năng xử phạt, buộc tháo dỡ ngay. Vì vậy nên chúng tôi cứ phải cam chịu sống chung với rác thải, ô nhiễm mấy chục năm, nhà cửa cũng không kiên cố gì.
Mong dự án nhanh chóng thực hiện cho dân đỡ khổ, để ai chuyển đi chỗ khác thì thôi, còn ai ở lại thì cuộc sống sẽ đỡ hơn trước”, chị Trang chia sẻ.
Dự án đội vốn "khủng"
Năm 2002, UBND TP.HCM phê duyệt dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm bằng ngân sách Nhà nước, với kinh phí dự kiến khoảng 123 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó dự án phát sinh chi phí bồi thường cao, thành phố không đủ ngân sách thực hiện nên dự án không thể thực hiện.
Năm 2016, UBND thành phố có quyết định phê duyệt đề xuất thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Theo lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, đây là dự án cấp bách, cần triển khai thực hiện sớm.
Đồng thời, cũng trong năm 2016, thành phố chấp thuận thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (thanh toán bằng hợp đồng BT). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ đồng là chi phí bồi thường, còn lại là hoạt động xây lắp.
Quận Bình Thạnh được giao thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, theo tính toán lại của Quận Bình Thạnh, hiện nay chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án rạch Xuyên Tâm vào khoảng 3.700 tỷ đồng.
Đến nay, theo Sở Xây dựng TP.HCM, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm có tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 3.764 hộ.
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hồ Phương cho biết, dù ranh giới thực hiện dự án được các sở, ngành thống nhất, nhưng do tổng mức đầu tư quá lớn khiến dự án chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu đầu tư.
“Quận đề xuất thành phố giao cho quận làm chủ đầu tư dự án bồi thường. Nghĩa là tách dự án bồi thường ra khỏi tổng dự án rạch Xuyên Tâm. Khi bồi thường giải tỏa xong, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư sau. Còn nếu để chung cả bồi thường và xây lắp thì tổng mức đầu tư của dự án quá lớn”, lãnh đạo quận Bình Thạnh cho biết.
Hiện Sở Xây dựng TP.HCM đang đặt mục tiêu trong năm 2019 sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án rạch Xuyên Tâm.
Bình luận