4/7 được xem là ngày giao dịch lịch sử khi chỉ số VN-Index tăng 7,66 điểm, tương ứng 1,2% lên 647,96 điểm. Đây là mức giá cao nhất gần 1 thập kỷ qua. Cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng có nhiều đóng góp cho đà bứt phá này.
Đại gia chứng khoán bứt phá
Trong đó, cổ phiếu chứng khoán gây ấn tượng hơn cả khi nhiều mã đua nhau tăng trần như HCM, SSI, VND, SHS, VIX,..
Cụ thể, SSI tăng 1.400 đồng/CP lên 22.000 đồng/CP. HCM tăng 2.100 đồng/CP lên 32.200 đồng/CP. VND tăng 1.100 đồng/CP lên 12.800 đồng/CP. VIX tăng 600 đồng/CP lên 7.400 đồng/CP. SHS tăng 600 đồng/CP lên 6.700 đồng/CP.
Cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh khiến các đại gia chứng khoán có một ngày mồng 1 gặt hái được nhiều thành công. Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) hưởng lợi nhiều nhất khi SSI tăng trần. SSI mang về 672 tỷ đồng vốn hóa thị trường cho Công ty cổ phần Chứng khoán Sài.
Tại SSI, là 2 cổ đông cá nhân lớn nhất, ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị SSI là người được hưởng lợi nhiều nhất khi SSI tăng giá. Hôm qua, hai vị đại gia này lần lượt nhận 7 tỷ đồng và 2,5 tỷ đồng.
Nhờ HCM tăng trần, vốn hóa thị trường công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh có thêm 267 tỷ đồng và đạt 4.095 tỷ đồng. Trong nhiều năm trở lại đây, HCM đã vươn lên và trở thành 1 thế lực lớn trong làng chứng khoán.
Trong khi đó, công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT lại có xu hướng đi lùi. Nhưng dù sao trong phiên hôm qua, VND cũng mang về 170 tỷ đồng vốn hóa thị trường cho VNDIRECT. Nhờ cổ phiếu VND, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị VND có thêm 1 tỷ đồng.
Cổ phiếu VIX của công ty cổ phần Chứng khoán IB cũng là hiện tượng đáng chú ý trên thị trường chứng khoán. Trước đây, VIX thuộc sở hữu của bầu Thụy. Thời đó, VIX rơi vào tình trạng thua lỗ liên miên. Sau khi bầu Thụy bán VIX cho một nhóm cổ đông, VIX đã có nhiều biến chuyển tốt.
Mặc dù cổ phiếu VIX vẫn giao dịch dưới mệnh giá nhưng trong phiên hôm qua, sau khi tăng trần, VIX đã giúp vốn hóa thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán IB có thêm 42 tỷ đồng.
Giàu nhất Việt Nam lập kỷ lục
Hôm qua, cổ phiếu chứng khoán gây ấn tượng khi đồng loạt tăng trần. Nhưng tâm điểm của thị trường lại là những người giàu nhất Việt Nam. Trong khi Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) lập kỷ lục về vốn hóa thị trường thì người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục về tài sản.
Đã từ lâu cổ phiếu VNM của Vinamilk đã vượt qua GAS để trở thành cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam. Nhưng phải đến ngày 4/7, VNM mới vươn lên mức giá cao nhất kể từ khi chào sàn, từ đó đạt mức vốn hóa thị trường cao nhất trong lịch sử.
Cụ thể, chốt phiên 4/7, VNM tăng 2.000 đồng/CP lên 145.000 đồng/CP. Như vậy, vốn hóa thị trường của VNM tăng 2.401 tỷ đồng lên 174.096 tỷ đồng. Vốn hóa Vinamilk vượt xa tất cả các doanh nghiệp niêm yết khác.
Trong khi đó, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup tiếp tục xác lập kỷ lục cao mới về tài sản. Mặc dù chốt phiên 4/7, VIC dừng ở mức 51.000 đồng/CP, không có bất cứ sự biến động nào so với thứ Sáu tuần trước nhưng tài sản của ông Vượng vẫn đứng ở mức cao ngất ngưởng 30.141 tỷ đồng.
Nhờ vậy, ông Vượng vững vàng ở vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trong ngắn hạn, vị trí này của ông Vượng vẫn vững chắc khi người đứng thứ 2 là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát “chỉ” sở hữu hơn 7.300 tỷ đồng.
Không chỉ tài sản của ông Vượng lập kỷ lục mới, những người thân trong gia đình vị đại gia này cũng có cơ hội chứng kiến tài sản có cột mốc mới. Bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup, vợ ông Vượng sở hữu 5.197 tỷ đồng. Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup, em gái bà Hương nắm giữ 3.471 tỷ đồng.
Bình luận