Liên quan đến việc hàng ngàn người dân TP Vinh (Nghệ An) phải mua nước sinh hoạt giá cao do giá nước thô đầu vào cao, lên tới 1.950 đồng/m3 (tương đương 3.000 đồng/m3 nước sinh hoạt), PV VTCNews tiếp tục vào cuộc để làm sáng tỏ.
Dự án chưa có nhưng doanh nghiệp đã tự “làm giá” nước
Điều khiến chúng tôi bất ngờ là dự án cấp nước thô chưa được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng ngày 25/11/2014, Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An (công ty 100% vốn Nhà nước, nay đã cổ phần hóa) và Công ty CP Đầu tư Tuấn Lộc (công ty tư nhân) ký biên bản làm việc đưa ra giá nước thô là 1.950 đồng/m3.
Gần 1 tháng sau, ngày 22/12/2014, UBND tỉnh Nghệ An mới ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án hệ thống cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại TP Vinh cho Công ty Tuấn Lộc.
Ngày 28/1/2015, mặc dù chưa thẩm định giá trị đầu tư của dự án cấp nước 496 tỷ đồng, nhưng trong thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô ký giữa UBND tỉnh Nghệ An và Công ty CP Cấp nước Sông Lam (thuộc Công ty Tuấn Lộc), UBND tỉnh Nghệ An đã bất ngờ chấp thuận giá nước thô đúng bằng với giá của Công ty Tuấn Lộc và Công ty cấp nước Nghệ An tự thỏa thuận.
Đến nay, sau nhiều năm đi vào hoạt động và thu tiền nước thô của hàng ngàn người dân TP Vinh 1.950 đồng/m3 nước thô (tương đương 1 hộ dân phải chi trả cho Công ty Tuấn Lộc là 3.000 đồng/m3 nước sinh hoạt, bao gồm cả thuế GTGT là 3.300 đồng/m3), tỉnh Nghệ An vẫn chưa thẩm định giá trị đầu tư dự án của Công ty cấp nước sông Lam chính xác là bao nhiêu, để từ đó làm căn cứ tính giá nước thô, giá nước sinh hoạt bán cho người dân.
Điều này làm dấy lên câu hỏi: Dự án cấp nước thô đó có đúng được đầu tư là 496 tỷ đồng hay không?
Giật mình giá xây dựng 494,3 tỷ đồng cho 14,2km đường ống?
Dự án xây dựng Hệ thống cấp nước thô do Công ty CP Cấp nước sông Lam (công ty tư nhân, nay đổi thành Công ty TNHH MTV cấp nước sông Lam, với 100% vốn là của Công ty CP đầu tư tài nguyên nước Tuấn Lộc) có tổng mức đầu tư 496 tỷ đồng.
Trong đó, riêng chi phí xây dựng đường ống nước thô nối từ huyện Nam Đàn về huyện Hưng Nguyên dài 14,2km, nhưng chủ đầu tư đã đưa ra với con số “khổng lồ” 494,3 tỷ đồng (không bao gồm giải phóng mặt bằng). Tính bình quân, giá xây dựng 1km đường ống nước thô lên tới gần 30 tỷ đồng.
Được biết, đường ống có đường kính D1200, dài 14,2 km. Dự án được xây dựng chủ yếu nằm trong hành lang an toàn giao thông của tuyến Quốc lộ 46 (được Tổng Cục đường bộ Việt Nam cấp phép với lý do công trình thiết yếu).
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Tiến, Giám đốc Công ty cấp nước sông Lam và ông Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Công ty cấp nước sông Lam cho biết, với dự án cấp nước thô thì hiện công ty đang kinh doanh thua lỗ. Nếu thực hiện đúng theo phương án tài chính ban đầu như tỉnh Nghệ An đã chấp thuận ban đầu và công ty cấp nước Nghệ An cũng thực hiện đúng thỏa thuận đã ký trước đây thì công ty mới có lợi nhuận để trả lãi vay ngân hàng, hiện công ty phải vay ngoài để trả lương cho nhân viên.
Khi PV đề cập đến việc lãnh đạo công ty cấp nước Nghệ An cho rằng giá nước thô cao nên hạn chế mua nước thô của công ty sông Lam. Nếu không thỏa thuận được giá thì công ty cấp nước Nghệ An (trước đây là DN 100% vốn nhà nước, nay đã cổ phần hóa, vốn nhà nước còn 38%) sẽ xin xây dựng dự án cấp nước thô mới nhưng chỉ bán với giá khoảng 500 đồng/m3 nước thô, thay vì 1.950 đồng/m3 nước thô như hiện nay.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn (công ty cấp nước Sông Lam) cho biết, giá nước thô giữa 2 công ty ký trước đây là 1.950 đồng/m3, trước đây Công ty cấp nước Nghệ An đã đồng ý giá đó rồi, sao giờ lại nói giá đó cao?
Được biết, ngày 1/7/2019, Công ty cấp nước sông Lam có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An báo cáo tổng quan về dự án nước thô tại Nghệ An.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Bình luận