• Zalo

Hàng loạt vườn cây, làng hoa miền Tây bị lũ nhấn chìm

Thời sựThứ Ba, 11/09/2018 21:05:00 +07:00Google News

Người dân các địa phương đang tất bật thu hoạch cây ăn trái, chuyển hoa kiểng lên cao, gặt lúa sớm... khi lũ cộng triều cường gây ngập nhiều nơi.

Triều cường cộng với nước lũ thượng nguồn sông Mekong đang đổ về những ngày qua đã tràn qua khu đê bao số 4 thuộc ấp Tân Mỹ, xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp gây ngập úng nhiều vườn cây ăn trái.

Rầu rĩ đứng nhìn khoảng 1.300 cây cam ngập lênh láng nước, nông dân Nguyễn Minh Hoàng nói: "Đây là vụ trái đầu tiên, dự kiến thu hoạch trên 15 tấn, nhưng chỉ trong hai ngày cả vườn đã bị ngập". Hiện trên 30% gốc cam trong vườn có dấu hiệu vàng, héo lá và rụng trái.

cam-chay-lu-7662-1536669083

 Vườn cam của nông dân ở Đồng Tháp chìm trong nước, phải thu hoạch sớm. (Ảnh: Long Hồ)

Để vớt vác một phần, anh Hoàng phải thuê gần 30 nhân công lội nước hái trái sớm, bán giá rẻ nhưng cũng không được số lượng lớn. "Đặc tính của cây cam là không chịu nước. Việc bị ngập sâu mấy ngày liền thì cây sẽ bị thối rễ, lá héo dần nên sau khi hái trái xong sẽ phải chặt bỏ", anh Hoàng nói cho cho biết,  ước thiệt hại trên 600 triệu đồng.

Tại TP Sa Đéc - thủ phủ hoa kiểng miền Tây - nước tràn qua nhiều đoạn đê bao xung yếu. Hơn 3.000 chậu mai hoa đăng của gia đình bà Nguyễn Thị Phụng ở xã Tân Quy Tây cũng bị chìm trong biển nước.

"Nước quá nhiều nên tràn bờ. Cầm cự không nổi, chúng tôi đành phải đem các chậu hoa đến chỗ cao hơn gửi nhờ. Nhưng cây đang tốt mà đưa đi nó sượng hết, hoa nở không đẹp, bán không được giá", bà Phụng nói, giọng buồn bã.

Nhiều diện tích hoa trang, cúc tiger, cau kiểng, cỏ nhung nhật, cỏ lá gừng,  hoa màu và hàng trăm hecta lúa của nông dân xã Tân Khánh Đông và Tân Quy Tây cũng chìm trong biển nước,  khả năng mất trắng.

Bà Trần Thị Kim Hồng - Phó chủ tịch UBND xã Tân Quy Tây, TP Sa Đéc cho biết hiện chưa ghi nhận đoạn đê bao nào bị vỡ, các nơi ngập do nước tràn đê. Chính quyền và người dân đang tập trung gia cố các đê bao, cống đập, bơm nước và xử lý để hạn chế thiệt hại.

Theo thống kê, đến nay tỉnh Đồng Tháp có hàng trăm ha lúa, hoa màu, cây ăn trái của người dân ngoài vùng đê bao bị thiệt hại do lũ. 

ngap-sau-7947-1536669083

Cây cảnh ở Sa Đéc bị ngập nước. (Ảnh: Long Hồ) 

Bộ đội giúp dân gặt lúa chạy lũ

Tại các xã Lương An Trà, Lạc Quới, Vĩnh Phước, Vĩnh Gia (Tri Tôn, An Giang) mực nước lũ tiến sát mặt đê, chỉ còn cách khoảng 0, 4 m.

Toàn huyện Tri Tôn đến nay có gần 900 ha lúa thu đông bị thiệt hại do lũ; hơn 2.000 ha lúa, hoa màu ngoài đê bao đang bị đe dọa. Tại hai xã Vĩnh Gia và Lạc Quới, người dân đã thu hoạch gần 700 ha lúa chạy lũ.

Riêng tại xã Lạc Quới, hơn 700 người gồm bộ đội, biên phòng, dân quân tự vệ cùng người dân được huy động để gia cố đê bao. "Lũ về sớm gần cả tháng, mực nước lên nhanh và cao hơn cùng kỳ gây khó khăn trong công tác bảo vệ lúa và hoa màu của người dân", ông Võ Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã nói.

Xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú - một trong những nơi bị thiệt hại nặng nhất tỉnh An Giang trong trận lũ lịch sử năm 2011 - những ngày qua hàng trăm người cũng nỗ lực gia cố tuyến đê Tây Kênh 8 để bảo vệ khoảng 2.300 ha lúa.

gat-lua-4112-1536669083 3

 Bộ đội giúp dân tỉnh An Giang thu hoạch lúa chạy lũ. (Ảnh: Thế Hiển) 

"Hiện mực nước trong và ngoài đê chênh lệch 1, 5 m, áp lực nước rất lớn nên địa phương không thể lơ là, bố trí lực lượng tuần tra, túc trực 24/24 tại các nơi xung yếu, nhằm kịp thời xử lý các chỗ rò rỉ nước dưới thân đê", ông Lương Hoàng Viễn - Phó hủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ Tây cho biết.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn An Giang, nước lũ đang tiếp tục lên nhanh. Đến ngày 15/9, mực nước cao nhất ngày trên kênh Vĩnh Tế có khả năng đạt đỉnh 3, 9 m. 

Trong gần 20 năm qua, miền Tây trải qua nhiều trận lũ lớn. Trong đó, trận lũ lịch sử năm 2000 đã làm 539 người chết (hơn 300 là trẻ em), 212 người bị thương; gần 900.000 căn nhà, hơn 13.700 phòng học, 383 cơ sở y tế bị ngập; gần 9.500 căn nhà bị sập hoàn toàn; hơn nửa triệu người phải cứu trợ khẩn cấp... Tổng thiệt hại ước tính trên 4.500 tỷ đồng. 

Năm 2001, lũ làm 394 người chết và mất tích; hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập, sập; nhiều diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại... Tổng thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng.

Trận lũ năm 2011 làm 89 người chết; 60.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, tốc mái; 645 trường học bị ảnh hưởng... Tổng thiệt hại gần 4.500 tỷ đồng.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn