• Zalo

Hàng loạt tỉnh vướng gian lận điểm thi: 'Không có phương án hoàn hảo 100%, chỉ có phương án phù hợp nhất'

Giáo dụcThứ Sáu, 10/08/2018 07:19:00 +07:00Google News

PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định, không có phương án thi nào hoàn hảo 100% mà chỉ có phương án phù hợp nhất trong điều kiện cụ thể.

Trả lời báo chí, PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định: "Không có phương án thi nào hoàn hảo 100% mà chỉ có phương án phù hợp nhất trong điều kiện cụ thể của chúng ta. Vì vậy, kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục được tổ chức trong những năm tới".

mai-van-trinh-2

PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT.  

Ông Trinh cũng cho rằng, những nước có nền giáo dục phát triển như Hoa Kỳ phải mất 7 - 8 năm hoàn thiện kỳ thi với mức đầu tư kinh phí lớn. Việc đổi mới ở Việt Nam mới chỉ trải qua mấy năm. Bộ GD-ĐT quyết tâm sửa đổi, từng bước hoàn thiện quy trình tổ chức thi cũng như ngân hàng đề thi THPT quốc gia. Trên cơ sở đó xây dựng đề thi phù hợp nhất với tính chất kỳ thi THPT quốc gia, với trình độ thí sinh.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, trong đó có phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật để hạn chế tối thiểu nguy cơ lợi dụng để sai phạm.

Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, đây là dịp chúng ta rà soát lại toàn bộ về quy trình, quy chế và kỹ thuật hoàn thiện với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc. Hiện tại, Bộ cũng đang bắt đầu làm việc này.

“Với những nỗ lực như vậy, tôi chắc chắn kỳ thi THPT quốc gia 2019 phải hoàn thiện hơn, phải xây dựng đúng bản chất kỳ thi THPT quốc gia”, TS Trinh nói.

TS Mai Văn Trinh cũng cho rằng, không thể gọi là kỳ thi  “2 trong 1” vì gọi như vậy không phản ánh đủ bản chất kỳ thi THPT quốc gia.

"Kỳ thi THPT quốc gia không phải là thi tốt nghiệp cũng không phải là thi tuyển sinh ĐH, CĐ mà kết quả đó được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH, CĐ và xa hơn, quan trọng hơn là để có hoạch định thay đổi quản lý giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học" - ông Trinh nói.

XEM THÊM BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ TẠI ĐÂY

Trước những gian lận của kỳ thi năm nay, PGS.TS Mai Văn Trinh chia sẻ cảm xúc "thực sự đau lòng và phẫn nộ rồi sau đó là lo lắng" khi phát hiện những sai phạm chấn động tại các hội đồng thi Hà Giang, Sơn La, Hà Bình.

“Vì sao tôi lo lắng? Tôi lo là không biết có thể tìm được thủ phạm thực sự không? Tìm bằng cách nào? Hơn nhất là có trả lại được điểm cho các thí sinh không, để mang lại một kỳ thi công bằng” - PGS Mai Văn Trinh chia sẻ.

Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định: “Chúng tôi đã vượt qua áp lực và quyết tâm để có thể tìm ra sự thật. Hiện nay ở Sơn La, Hoà Bình, Bộ GD-ĐT, Bộ Công an cũng như các bộ ngành đang rất quyết tâm với những giải pháp quyết liệt để có thể sớm tìm ra kết quả thực sự, trả lại điểm thật cho các em”.

TS Trinh nhận định, sai phạm tại 3 tỉnh này có điểm chung là đều có chủ đích, xuất phát từ ý đồ của một số cá nhân. Sai phạm đều làm mất đi tính công bằng của kỳ thi THPT Quốc gia, làm tổn thương đến sự trong sáng của thí sinh và đặc biệt là niềm tin của xã hội bị tổn thương, 

"Về tình tiết, thời gian và các khâu diễn ra sai phạm là khác nhau. Tôi cho rằng những sai phạm này là cá biệt và thực sự rất xấu, ảnh hưởng đến sự nỗ lực của 63 tỉnh thành và thậm chí là cả hệ thống chính trị xã hội, cả sự nỗ lực của địa phương. 

Chẳng hạn như Hà Giang trong những ngày thi đã xảy ra lũ quét, địa phương cũng đã có biện pháp hỗ trợ, huy động đến cả phương tiện chuyên dụng để hỗ trợ thí sinh. Đó là sự nỗ lực rất lớn. Cả ở Sơn La bị ảnh hưởng mưa lớn nên cũng vậy. Rõ ràng sai phạm này trước hết là trách nhiệm cá nhân mà nguồn gốc sâu xa là công tác cán bộ, lựa chọn cán bộ” - TS Trinh nói.

Video: Học sinh gian lận kỳ thi THPT quốc gia xử lý thế nào?

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn